Thứ Bảy (ngày 17/4), số lượng người tử vong trên toàn cầu do virus corona đã lên đến đỉnh điểm là 3 triệu người. Trong lúc đó, các chiến dịch tiêm chủng khắp thế giới lại liên tục gặp thất bại và cuộc khủng hoảng đang ngày càng sâu sắc hơn ở những nơi như Brazil, Ấn Độ và Pháp.

Số người thiệt mạng, theo tổng hợp của Đại học Johns Hopkins, khoảng bằng dân số của toàn thủ đô Kyiv – Ukraine; hay thủ đô Caracas của Venezuela; hoặc thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha. Con số này thậm chí còn lớn hơn cả dân số toàn thành phố Chicago (2,7 triệu người) và tương đương với dân số của 2 thành phố Philadelphia và Dallas cộng lại.

ScreenHunter 116
(Số ca tử vong trên toàn thế giới đã lên đến 3 triệu người/ Nguồn: Johns Hopkins – Coronavirus Resource Center)

Tuy nhiên số người tử vong thực sự được cho là cao hơn rất nhiều vì có thể chính phủ đã che giấu và cũng có nhiều trường hợp bị bỏ sót trong giai đoạn đầu của đợt bùng phát dịch bắt nguồn từ Vũ Hán, Trung Quốc, vào cuối năm 2019.

Quay trở lại vào tháng 1, thế giới đã trải qua một cột mốc ảm đảm với 2 triệu ca tử vong, lúc đó các đợt tiêm chủng mới bắt đầu ở châu Âu và Hoa Kỳ. Hiện tại, việc tiêm chủng đang được tiến hành ở hơn 190 quốc gia, mặc dù tiến độ trong việc kiểm soát loại virus này rất khác nhau.

Trong khi các chiến dịch tiêm chủng ở Mỹ và Anh đã đạt được thành công và người dân cũng như các doanh nghiệp ở đó bắt đầu có thể trải nghiệm cuộc sống sau đại dịch, thì ở những nơi khác, chủ yếu là các quốc gia nghèo hơn, vẫn không có bước đột phá và còn áp đặt các lệnh phong tỏa cũng như các biện pháp hạn chế khác khi dịch bệnh leo thang. Kể cả một số quốc gia giàu có cũng đang tụt lại phía sau.

Số ca tử vong trên toàn thế giới đang tăng trở lại, trung bình khoảng 12.000 ca mỗi ngày và các ca nhiễm mới cũng đang tăng lên, hơn 700.000 ca mỗi ngày.

Bà Maria Van Kerkhove, một trong những nhà lãnh đạo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết: “Đây không phải là tình huống mà chúng tôi mong muốn sau 16 tháng trải qua đại dịch, khi mà chúng tôi đã chứng minh được các biện pháp kiểm soát [dịch bệnh].”

Những tuần gần đây, Brazil có khoảng 3.000 người chết mỗi ngày, chiếm 1/4 số người thiệt mạng trên toàn thế giới. Cuộc khủng hoảng được một quan chức WHO ví như một “địa ngục sục sôi”. Một biến thể dễ lây lan hơn của virus corona đang hoành hành trên khắp đất nước.

Trong khi số ca nhiễm đang tăng lên, các bệnh viện lại hết thuốc giảm đau. Do đó, đã có những báo cáo về việc một số bác sĩ pha loãng lượng thuốc giảm đau còn lại và thậm chí trói bệnh nhân vào giường trong khi ống thở được đẩy xuống cổ họng của họ.

Việc triển khai vắc-xin chậm chạp đã bóp chết niềm tự hào của người Brazil trong lịch sử, nơi đã từng thực hiện các chiến dịch tiêm chủng khổng lồ, là niềm ghen tị của các nước đang phát triển.

Nhận được gợi ý từ Tổng thống Jair Bolsonaro, người đã ví virus này không khác gì bệnh cúm, Bộ Y tế của Brazil trong nhiều tháng đã đặt cược lớn vào một loại vắc-xin duy nhất và bỏ qua các nhà sản xuất khác. Khi các trở ngại xuất hiện thì đã quá muộn để có thể cung cấp được một số lượng lớn kịp thời.

Chứng kiến ​​rất nhiều bệnh nhân đau đớn và chết một cách cô đơn tại bệnh viện Rio de Janeiro của mình, y tá Lidiane Melo đã buộc phải phải đưa ra các giải pháp trong tuyệt vọng.

Giữa những ngày đầu của đại dịch, khi các bệnh nhân đau đớn than vãn rằng cô ấy quá bận rộn để có thể chăm sóc cho họ, Melo đã đổ đầy nước ấm vào 2 chiếc găng tay cao su, thắt nút và kẹp chúng quanh tay bệnh nhân, thay cho một cái nắm tay đầy yêu thương.

Một số người đã đặt tên cho hình ảnh này là “bàn tay của Chúa”, và giờ đây nó đang trở thành biểu tượng nhức nhối của một quốc gia bị bao vây bởi tình trạng y tế khẩn cấp không thấy hồi kết.

Cô Melo chia sẻ: “Các bệnh nhân không được cho phép có người đến thăm. Thật đáng buồn, nhưng không có cách nào khác. Vì vậy, đó là một biện pháp hỗ trợ tâm lý, ở bên cạnh bệnh nhân và nắm lấy tay họ.” Cô cho biết thêm: “Nhưng năm nay còn tồi tệ hơn, tình trạng nghiêm trọng của các bệnh nhân đã tăng hơn gấp 1.000 lần.”

Tình trạng này cũng xảy ra tương tự ở Ấn Độ, nơi các ca nhiễm tăng đột biến vào tháng Hai sau nhiều tuần giảm ổn định, khiến các nhà chức trách ngạc nhiên. Do một đợt bùng phát từ các biến thể của virus gây ra, mỗi ngày Ấn Độ đã chứng kiến ​​hơn 180.000 ca nhiễm mới trong suốt tuần qua, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 13,9 triệu ca.

Những vấn đề mà Ấn Độ đã vượt qua vào hồi năm ngoái đang quay trở lại và gây ám ảnh cho các quan chức y tế. Chỉ có 178 máy thở được cung cấp miễn phí vào chiều thứ Tư (ngày 14/4) tại New Delhi, thành phố với 29 triệu dân, nơi có 13.000 ca nhiễm mới được báo cáo vào hôm thứ Ba trước đó.

Những thách thức mà Ấn Độ đang phải đối mặt đã vượt ra ngoài phạm vi biên giới của quốc gia này, vì Ấn Độ là nhà cung cấp vắc-xin lớn nhất cho sáng kiến COVAX, một chương trình do Liên hợp quốc tài trợ để phân phối vắc xin cho những vùng nghèo hơn trên thế giới. Tháng trước, Ấn Độ cho biết họ sẽ tạm ngừng xuất khẩu vắc-xin cho đến khi tình trạng lây lan trong nước chậm lại.

WHO gần đây nhận định rằng tình hình cung cấp vắc-xin rất bấp bênh. Theo ước tính, có đến 60 quốc gia có thể không nhận được bất kỳ đợt tiêm chủng nào cho tới tháng 6. Đến nay, sáng kiến COVAX đã cung cấp khoảng 40 triệu liều vắc-xin cho hơn 100 quốc gia, đủ để đáp ứng 0,25% dân số thế giới.

Trên toàn cầu, khoảng 87% trong số 700 triệu liều vắc-xin đã được phân phát là dành cho các quốc gia giàu có. Cứ 4 người ở các quốc gia phát triển thì có 1 người đã được tiêm vắc-xin, trong khi đó tại các nước nghèo hơn, tỷ lệ này là 1/500.

Embed from Getty Images

Những ngày gần đây, Hoa Kỳ và một số quốc gia châu Âu đã tạm dừng việc sử dụng vắc xin COVID-19 của hãng Johnson & Johnson trong khi các nhà chức trách đang điều tra về tình trạng đông máu cực kỳ hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm. Tương tự, vắc xin của hãng AstraZeneca cũng bị áp đặt nhiều hạn chế vì lo sợ trình trạng máu đông.

Một mối lo ngại khác là các quốc gia nghèo hơn đang dựa vào vắc-xin do Trung Quốc và Nga sản xuất, trong khi một số nhà khoa học tin rằng hiệu quả của chúng thấp hơn so với vắc-xin của các hãng Pfizer, Moderna và AstraZeneca.

Tuần trước, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc đã thừa nhận vắc-xin của nước này có khả năng bảo vệ thấp và cho biết các quan chức đang xem xét việc trộn chúng với các loại vắc-xin khác để cải thiện hiệu quả.

Tại Mỹ, nơi có hơn 560.000 người thiệt mạng, chiếm hơn 1/6 số ca tử vong do COVID-19 trên thế giới, thì số lượng người nhập viện và tử vong đã giảm, các doanh nghiệp đang mở cửa trở lại và tại một số tiểu bang cuộc sống đang bắt đầu quay về như cũ. Trong tuần trước, số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã giảm xuống còn 576.000 người, một mức thấp sau đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, sự tiến triển lại không đồng đều, tại các điểm nóng mới – đặc biệt là tiểu bang Michigan – dịch bệnh đã bùng phát trong những tuần gần đây. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong ở Hoa Kỳ trung bình giảm xuống còn khoảng 700 người mỗi ngày, giảm mạnh so với mức đỉnh điểm vào giữa tháng 1 là khoảng 3.400 người.

Các quốc gia tại châu Âu đang hứng chịu một gánh nặng lớn khi một biến thể dễ lây lan hơn đầu tiên đã tàn phá nước Anh và đã đẩy số người chết liên quan đến COVID-19 của lục địa này vượt quá 1 triệu người.

Gần 6.000 bệnh nhân nặng đang được điều trị tại các đơn vị chăm sóc y tế quan trọng của Pháp, con số chưa từng thấy kể từ đợt dịch đầu tiên cách đây 1 năm.

Bác sĩ Marc Leone, trưởng khoa điều trị đặc biệt tại Bệnh viện North ở Marseille, cho biết các nhân viên tuyến đầu đã kiệt sức, những người được coi là anh hùng khi đại dịch bùng phát hiện cảm thấy đơn độc và đang bám vào hy vọng rằng việc tiếp tục đóng cửa trường học và các biện pháp hạn chế khác sẽ giúp kiềm hãm virus trong những tuần tới.

“[Mọi người] kiệt sức, tính khí tồi tệ hơn. Bạn phải tiến bước một cách cẩn thận vì có rất nhiều xung đột,” bác sĩ Marc Leone cho biết: Chúng tôi sẽ cống hiến tất cả những gì chúng tôi có để vượt qua 15 ngày này một cách tốt nhất có thể.”

Vy An (Theo Newsmax)

Xem thêm: