Đó là điều mà Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ nói với các nhà lãnh đạo của 5 quốc gia Châu Á trong chuyến công du tháng 11 này, theo tiết lộ của một phụ tá cao cấp của ông Trump với Reuters vào hôm thứ Năm (2/11).

Embed from Getty Images

Tổng thống Trump vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể kiềm chế được tham vọng hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Tổng thống Trump sẽ tới bang Hawaii vào thứ Sáu (3/11), sau đó sẽ thực hiện chuyến công du gần hai tuần qua 5 nước phương Đông gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines. Đây là chuyến công du Châu Á dài ngày nhất của một vị tổng thống Hoa Kỳ trong hơn 25 năm qua.

Ngoại giới đánh giá mục tiêu chính trong chuyến thăm Châu Á lần này của ông Trump là để tăng cường sự ủng hộ của quốc tế trong việc ngăn chặn các nguồn lực đổ vào Bắc Hàn nhằm ép buộc chế độ Kim Jong-un phải từ bỏ chương trình hạt nhân.

Phát biểu trong cuộc họp báo nhanh hôm thứ Năm (2/11), cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster cho hay: “Tổng thống thừa nhận rằng chúng ta đang cạn dần thời gian (để đối phó với Bắc Hàn) và [ông ấy] sẽ yêu cầu tất cả các nước phải hành động nhiều hơn nữa”.

Ông McMaster nói rằng Tổng thống Trump sẽ thúc giục các nước có ảnh hưởng lớn nhất lên Bình Nhưỡng phải “thuyết phục lãnh đạo của [quốc gia biệt lập này] rằng theo đuổi vũ khí hạt nhân sẽ có kết cục chết chóc” và họ phải thực hiện phi hạt nhân hóa.

Và ông [Trump] sẽ nhắc nhở các nước bạn hữu, cũng như địch thủ rằng Hoa Kỳ sẵn sàng bảo vệ mình và các đồng minh bằng cách sử dụng đầy đủ các khả năng của chúng tôi”, cố vấn an ninh McMaster nói thêm.

Các chuyên gia quốc tế nhận định rằng điểm dừng chân quan trọng nhất của ông Trump lần này sẽ là Trung Quốc. Trong các ngày từ 8-10/11, Tổng thống Mỹ sẽ có nhiều hoạt động ngoại giao tại quốc gia đông dân nhất thế giới và hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại Lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh. Ông Trump được dự báo sẽ yêu cầu lãnh đạo Trung Quốc hành động nhiều hơn nữa để kiềm chế Bắc Hàn.

Tuy nhiên, một số quan chức Mỹ giấu tên nói với Reuters rằng Trung Quốc vẫn xem Bắc Triều Tiên là một ‘tài sản’ chiến lược và hiện tại họ chỉ miễn cưỡng cắt giảm nguồn lực chảy vào Bình Nhưỡng chiếu theo chế tài của Liên Hiệp Quốc. Rất khó để Bắc Kinh thực hiện bóp nghẹt nền kinh tế Bình Nhưỡng vì lo ngại điều đó sẽ kích hoạt làn sóng di dân sang Trung Quốc, cùng nhiều yếu tố địa chính trị khác.

Dù vậy, ông McMaster cho rằng cần phải kiên nhẫn hơn với Trung Quốc và các biện pháp cũng phải có độ trễ nhất định để có hiệu quả thực tế. Cố vấn của ông Trump nói: “Tôi nghĩ chúng ta phải kiên nhẫn trong vấn đề này, ít nhất cần chờ vài tháng để xem chúng tôi và những nước khác bao gồm cả Trung Quốc, có thể làm gì hơn. Tôi không cho rằng chúng ta cần phải thay đổi chiến lược hiện tại. Tôi nghĩ chúng ta cần cho [chiến lược này] khoảng 2 tháng, hoặc một vài tháng và sau đó mới tính đến các điều chỉnh cần thiết để thực hiện”.

Trong khi đó, Mỹ và đồng minh vẫn tiếp tục tăng cường hoạt động quân sự trên bán đảo Triều Tiên để sẵn sàng đối phó với mối đe dọa Bắc Hàn trong trường hợp cần thiết phải sử dụng lựa chọn quân sự.

Reuters, dẫn nguồn từ Không lực Hoa Kỳ, cho hay hôm thứ Năm (2/11) hai chiếc máy bay ném bom chiến lược B-1B của Mỹ từ căn cứ trên đảo Guam đã bay tới vùng phụ cận Triều Tiên, kết hợp cùng các chiến đấu cơ của Hàn Quốc và Nhật Bản tiến hành diễn tập bắn đạn thật.

Không lực Hoa Kỳ cho biết: “Sứ mệnh hiện diện của hai máy bay B-1B tại bán đảo Triều Tiên đã được lên kế hoạch từ trước…và không phải là hành động phản ứng trước bất kỳ sự kiện hiện tại nào”.

Càng gần chuyến công du Châu Á của Tổng thống Trump, Hoa Kỳ và các đồng minh càng để mắt kỹ lưỡng hơn tới các động thái quân sự của Bắc Triều Tiên. Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc hôm thứ Năm (2/11) đã báo cáo với các nghị sĩ quốc hội nước này rằng Bắc Hàn có thể đang có kế hoạch thử tên lửa sau khi phát hiện miền Bắc có các hoạt động bất thường tại các cơ sở nghiên cứu vũ khí của họ.

Yên Sơn

Xem thêm: