Cơ quan về người tị nạn Liên Hiệp Quốc hôm thứ Tư (19/6) đã nói rằng, tính đến cuối năm 2018, kỷ lục 70,8 triệu người được xem là “buộc phải di dời” khỏi nhà của họ vì chiến tranh, áp bức của nhà cầm quyền và các vấn đề bạo lực khác.

Embed from Getty Images

Một ngày trước Ngày tị nạn Thế giới (20/6), Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) đã phát hành báo cáo “Những khuynh hướng Toàn cầu” hàng năm, trong đó có tính đếm người tản cư toàn thế giới bao gồm người tị nạn, người xin tị nạn và người di cư nội bộ trong nước tính đến cuối năm 2018.

UNHCR cho biết 70,8 triệu người bị buộc phải di dời khỏi nơi mình sinh sống tính đến cuối năm ngoái, tăng lên từ con số 68,5 triệu người năm 2017 – và tăng gần 65% so với một thập kỷ trước. Trong số gần 71 triệu người tản cư này, gần 3/5 (khoảng hơn 41 triệu người) là di cư trong nội bộ quốc gia của họ.

Trong báo cáo thường niên nêu trên, Ủy viên UNHCR Filippo Grandi cho hay: “Chúng ta phải… nhân đôi sự đoàn kết của chúng ta với nhiều nghìn người dân vô tội đã buộc phải trốn chạy khỏi nhà của họ mỗi ngày.”

“Chúng ta cũng đang chứng kiến sự tham gia chưa từng có tiền lệ của các nhân tố mới bao gồm các nước đang phát triển, các doanh nghiệp tư nhân và các cá nhân, điều này không chỉ phản ánh mà cũng truyền tải tinh thần của Hiệp ước Toàn cầu về Người tị nạn,” ông Grandi nói tiếp và thêm rằng: “Chúng ta phải xây dựng những tấm gương tích cực này và nhân đôi tình đoàn kết của chúng ta với nhiều nghìn người dân vô tội bị buộc phải trốn chạy khỏi nhà của họ mỗi ngày.”

UNHCR ước tính rằng tính riêng năm ngoái đã có thêm 13,6 triệu người phải tản cư, con số này tương đương với tổng dân số của thủ đô Tokyo, Nhật Bản.

Báo cáo của UNHCR cũng bao gồm 25,9 triệu người tị nạn Palestines dưới sự bảo vệ của Cơ quan Cứu trợ và Việc làm Liên Hiệp Quốc.

Báo cáo của UNHCR cũng nhấn mạnh đến khoảng gần 4 triệu người Venezuela phải trốn chạy khỏi quốc gia Nam Mỹ này tính từ năm 2015 do khủng khoảng kinh tế, chính trị kéo dài.

Theo trang tin của Liên Hiệp Quốc, nhiều người Venezuela đã nộp đơn xin tị nạn tại nước láng giềng Peru. Peru được cho là đã chấp nhận khoảng 800.000 người di cư từ Venezuela.

Báo cáo của UNHCR lưu ý rằng, cho tới nay, hầu hết những người tị nạn đến từ các nước đang phát triển, không phải từ các nước giàu. Đây cũng là năm thứ 7 liên tiếp, số người tản cư toàn thế giới gia tăng.

Trao đổi với tờ Times, ông Jon Cerezo của tổ chức từ thiện Oxfam, Anh Quốc cho hay: “Lại một năm nữa, một kỷ lục khủng khiếp khác đã bị xô đổ. Đằng sau những con số này, những con người giống như bạn và tôi đang thực hiện những chuyến đi mạo hiểm mà họ không bao giờ muốn thực hiện, [họ phải di cư] chỉ bởi vì có các mối đe dọa tới sự an toàn và các quyền cơ bản nhất của họ.”

Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Times, ông Filippo Grandi ghi nhận Mỹ vẫn duy trì là “nhà ủng hộ lớn nhất cho người tị nạn” thế giới. Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất cho UNHCR. Ông Grandi cũng đánh giá cao các cộng đồng địa phương và các nhóm ủng hộ người tị nạn tại Mỹ vì giúp người tị nạn và người xin tị nạn tại quốc gia này.

Như Ngọc

Xem thêm: