Bản tin Thế giới tuần qua của Trí Thức VN tổng hợp và phân tích những sự kiện nổi bật nhất trên thế giới trong 7 ngày gần nhất, với tiêu điểm là Trung Quốc, cuộc đối đầu Mỹ – Trung, bầu cử Mỹ 2020 và các sự kiện liên quan tới cán cân địa chính trị Mỹ-Trung. 

The gioi
(Ảnh minh hòa từ ShutterStock)

1. Tổng thống Trump đề cử thẩm phán bảo thủ Amy Coney Barrett vào Tối cao Pháp viện

Tổng thống Donald Trump vào chiều thứ Bảy 26/9 (giờ Mỹ) đã chính thức đề cử Thẩm phán Amy Coney Barrett vào Tối cao Pháp viện thay thế cố Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg.

Tại sao sự kiện này quan trọng?

  • Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ có 9 thẩm phán với nhiệm kỳ trọn đời và thông thường chia thành hai phe cấp tiến và bảo thủ. Trước khi bà Ginsburg – phe cấp tiếp – qua đời, Tối cao Pháp viện có 5 thẩm phán bảo thủ (2 trong số này do Tổng thống Trump đề cử) và 4 thẩm phán cấp tiến. Nếu bà Barrett được Thượng viện xác nhận, Tối cao Pháp viện sẽ có 6 thẩm phán bảo thủ.
  • Tổng thống Trump đã nói rằng ông muốn đề cử viên của ông được chuẩn thuận trước cuộc bầu cử để bà có thể tham gia vào bất kỳ vụ kiện tụng nào liên quan đến bầu cử mà có thể lên tới Tối cao Pháp viện. 
  • Tính đến nay, chỉ có một lần kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ được xác định bởi Tòa án Tối cao vào năm 2000, trao chiến thắng cho ứng cử viên Đảng Cộng hòa George W. Bush trước ứng cử viên Đảng Dân chủ Al Gore.

Các bên liên quan nói gì?

  • Tôi đã xem xét và nghiên cứu, và bà rất có năng lực cho công việc này”, ông Trump nói với bà Barrett, gọi nữ thẩm phán 48 tuổi này là “một trong những bộ óc luật pháp thông minh và tài giỏi nhất đất nước này”.
  • Ông Trump tuyên bố tin tưởng vào những quyết định tư pháp tương lai của bà Barrett. “Cho dù bà phải đối mặt với vấn đề gì, vụ án thế nào, tôi tuyệt đối tin tưởng rằng Thẩm phán Barrett sẽ đưa ra các phán quyết chỉ dựa trên việc đọc luật một cách công bằng. Bà sẽ bảo vệ quy tắc thiêng liêng về công bằng pháp lý cho mọi công dân của mọi chủng tộc, màu da, tôn giáo và tín ngưỡng”.
  • Bà Barrett, từng làm thư ký cho cố Thẩm phán Tối cao Pháp viện Antonin Scalia, nói: “Tôi đã làm thư ký cho Thẩm phán Tối cao Pháp viện Scalia từ hơn 20 năm trước, nhưng những bài học mà tôi rút ra được vẫn còn ảnh hưởng đến giờ”.
  • “Triết lý tư pháp của ông ấy cũng là triết lý của tôi: một thẩm phán phải áp dụng luật như nó được viết ra. Các thẩm phán không phải là các nhà hoạch định chính sách và họ phải kiên quyết gạt ra ngoài lề bất kỳ quan điểm chính sách nào mà họ có thể có”, bà Barrett nói thêm.
  • Thẩm phán Barrett nói thêm rằng Tối cao Pháp viện là thể chế thuộc về tất cả người Mỹ. “Nếu được xác nhận, tôi sẽ không sử dụng vai trò của mình phục vụ cho lợi ích của vòng tròn quan hệ của tôi, và chắc chắn không vì lợi ích của cá nhân tôi. Tôi sẽ sử dụng vai trò này để phục vụ các bạn. Tôi sẽ thực hiện lời tuyên thệ tư pháp yêu cầu tôi thực thi công lý không với sự thiên vị cá nhân, mà phải thông qua các quyền bình đẳng đối với người giàu và người nghèo và thực hiện một cách trung thành và vô tư theo Hiến pháp Mỹ”.
  • Nhiều thành viên Đảng Cộng hòa lên tiếng tán dương Tổng thống Trump quyết định chọn bà Barrett vào Tối cao Pháp viện.
  • Trong khi, các thượng nghị sĩ Dân chủ thề sẽ bác bỏ đề cử viên Tối cao Pháp viện Amy Coney Barrett.

2. Tại Đại hội đồng LHQ, Tổng thống Trump “vạch trần” nhiều việc làm xấu của ĐCSTQ 

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 22/9 (giờ Mỹ) đã có bài phát biểu kéo dài hơn 7 phút tại phiên họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ). Từ Tòa Bạch Ốc, ông Trump đã vẽ chân dung nước Mỹ là quốc gia nhân từ, nhà lãnh đạo thế giới có trách nhiệm và Trung Quốc là kẻ gây hấn của thế giới.

Tổng thống Trump cáo buộc ĐCSTQ ra sao?

  • Ông đề nghị LHQ phải buộc Đảng Cộng sản Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về đại dịch virus corona chủng mới mà ông gọi là virus Trung Quốc.
  • “Trong những ngày đầu virus bùng phát, Trung Quốc đã phong tỏa đi lại nội địa, trong khi vẫn cho phép các chuyến bay rời Trung Quốc – và đầu độc thế giới.”
  • “Trung Quốc đã lên án lệnh cấm đi lại mà tôi áp lên quốc gia họ, ngay cả khi họ đã hủy các chuyến bay nội địa và khóa chặt người dân trong nhà.”
  • “Chính phủ Trung Quốc và Tổ chức Y tế thế giới – gần như đã bị Trung Quốc kiểm soát, đã tuyên bố sai rằng không có bằng chứng về truyền nhiễm từ người sang người.”
  • “Sau đó họ đã nói không đúng rằng những người không có triệu chứng sẽ không lây lan bệnh dịch này.”
  • “Mỗi năm Trung Quốc đổ hàng triệu tấn nhựa và rác thải xuống các đại dương, đánh bắt cá tại vùng biển của các nước khác, phá hủy rạn san hô rộng lớn, và xả thải thủy ngân độc hại ra môi trường nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới.”
  • “Lượng xả thải khí carbon của Trung Quốc là nhiều gần gấp đôi Mỹ và nó vẫn đang tăng nhanh.”

Phía Trung Quốc phản ứng thế nào?

  • Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Trương Quân (Zhang Jun) đã phát đi tuyên bố đáp trả những phát biểu của ông Trump, cáo buộc Mỹ “lạm dụng diễn đàn LHQ để kích động mâu thuẫn và gây chia rẽ”. 
  • Ông Trương Quân đã bác bỏ các cáo buộc của ông Trump chống lại Trung Quốc và gọi đó là “vô căn cứ”, đồng thời nhấn mạnh: “Những lời nói dối có lặp lại hàng nghìn lần thì vẫn là nói dối”. 
  • Phát biểu tại LHQ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sử dụng giọng điệu hòa giải, kêu gọi tăng cường hợp tác về đại dịch và nhấn mạnh rằng Trung Quốc không có ý định tham chiến “một cuộc Chiến tranh Lạnh hoặc chiến tranh nóng với bất kỳ nước nào”.
  • Trong phát biểu tại LHQ, ông Tập ngầm lên án Mỹ, nói rằng: “Bất cứ quốc gia nào cũng không có quyền lực ôm đồm hết vấn đề quốc tế, chi phối vận mệnh nước khác, độc chiếm ưu thế phát triển, càng không thể muốn làm gì thì làm trên trường quốc tế, bá quyền, bắt nạt và độc đoán”, “không thể cứ nắm tay của ai to thì phải nghe theo người đó”. 
  • Ông Tập cũng kêu gọi phản ứng toàn cầu với virus corona và thúc đẩy vai trò hàng đầu cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). 

3.Ngoại trưởng Pompeo nói rõ về thủ đoạn gây ảnh hưởng của ĐCSTQ tại Mỹ

Ngày 23/9, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đến thủ phủ Madison của bang Wisconsin và có bài phát biểu trước giới lập pháp tiểu bang về cách đối phó với những thách thức của ĐCSTQ. Ông Pompeo cho biết ảnh hưởng và sự can thiệp không thiện chí của ĐCSTQ đối với Mỹ đã chuyển sang cấp tiểu bang và địa phương, qua đó ông kêu gọi tất cả các nhà lập pháp cấp tiểu bang ở Mỹ cảnh giác và tăng cường trách nhiệm chống lại ĐCSTQ. Ông cũng chỉ ra rằng ý định “hợp tác” với các cấp địa phương tại Mỹ của ông Tập Cận Bình chỉ nhằm đảm bảo có lợi cho ĐCSTQ.

Ngoại trưởng Mỹ vạch trần thủ đoạn của ĐCSTQ:

  • Ông Pompeo cho biết, nhiều nước đã cố gắng gây ảnh hưởng đến chính trị và văn hóa của Mỹ, điều đó chẳng thể làm ảnh hưởng gì cả. Nhưng về cơ bản cách tiếp cận của ĐCSTQ thì khác. “ĐCSTQ có cách tiếp cận nguy hiểm hơn nhiều. Mục tiêu của ĐCSTQ và những người đại diện cho đảng này là khiến người Mỹ bị ảnh hưởng từ chủ nghĩa độc đoán của Bắc Kinh”, ông nói.
  • Ông Pompeo đã giải thích về phát biểu của ông Tập Cận Bình trong tư cách là Ngoại trưởng và là cựu Giám đốc CIA: “Ông Tập biết rằng Chính quyền liên bang của Mỹ đang không ngừng thúc đẩy ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực của ĐCSTQ. Tại Mỹ và ngày càng nhiều nước trên thế giới, ĐCSTQ có thể lợi dụng các thực thể địa phương để tác động, các nhà lãnh đạo địa phương có thể là mắt xích yếu mà ĐCSTQ muốn tấn công vào.”; “Đối với ông ấy, khi ông ấy sử dụng các từ ‘hợp tác’ và ‘cởi mở’, hàm ý là ĐCSTQ muốn thực hiện các thỏa thuận có lợi cho họ”.
  • Ông Pompeo đề cập rằng mục đích rõ ràng của ông Tập Cận Bình là mở rộng phạm vi ảnh hưởng và làm cho ĐCSTQ “ở vị trí bất khả chiến bại”. 
  • Ông Pompeo nói thêm rằng chế độ Trung Quốc muốn “xúi giục kiểu xung đột mà chúng ta đã đang thấy tại Minneapolis, Portland, và Kenosha”, những nơi mà các cuộc biểu tình và bạo động quá khích liên quan tới chủng tộc đã bùng phát trong nhiều tháng qua.
  • Ông nhắc nhở các nhà lập pháp địa phương của Mỹ rằng ĐCSTQ tự cho họ là lực lượng tiên phong thực sự của tư tưởng chủ nghĩa Marx-Lenin, loại tư tưởng đó khiến các nước cộng sản phải chiến đấu chống lại các nước tư bản như Mỹ. Vì điều này mà cơ quan lập pháp của các bang cần đối thoại về ĐCSTQ và những thách thức của bộ máy toàn trị này. Chủ đề này ở cấp tiểu bang và liên bang đều quan trọng như nhau.
  • Ông Pompeo cũng đặc biệt chỉ ra khác biệt giữa ĐCSTQ và nhân dân Trung Quốc, người dân Trung Quốc cũng giống như người dân Mỹ, họ muốn có một cuộc sống tự do, hòa bình, thịnh vượng và muốn chăm sóc tốt cho gia đình của họ. Nhưng ĐCSTQ và giới quan chức của đảng đó thì khác người dân Trung Quốc.

Ngoại trưởng Mỹ dẫn chứng về các hành vi gây ảnh hưởng tại Mỹ của ĐCSTQ:

  • Lãnh sự quán Trung Quốc can thiệp vào Wisconsin, thúc đẩy nghị trường Wisconsin khen ngợi thành tích chống dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán của ĐCSTQ.
  • Lãnh sự quán ĐCSTQ tại San Francisco đã can thiệp vào nghị quyết ủng hộ Pháp Luân Công của nghị viện California.
  • ĐCSTQ và các hoạt động gián điệp ở cấp địa phương tại Mỹ: Gián điệp của ĐCSTQ trong Sở cảnh sát New York.

Ngoại trưởng Mỹ đề xuất các phương án để chính quyền bang và địa phương tại Mỹ ngăn chặn ĐCSTQ gây ảnh hưởng:

  • Thông qua làm luật để thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn với các cơ quan liên bang, giúp liên bang bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, sàng lọc đầu tư và các hành động ngăn chặn bộ máy ĐCSTQ thâm nhập ảnh hưởng;
  • Không quan tâm đối với những áp lực của ĐCSTQ, không ngừng khích lệ các thị trưởng và giới doanh nhân hợp tác rộng rãi hơn trên khắp thế giới;
  • Xem xét cẩn thận các quỹ hưu trí của tiểu bang, không đầu tư vào các công ty giám sát của ĐCSTQ;
  • Đảm bảo rằng các trường đại học công lập tại các bang sẽ không bị các tổ chức có liên hệ với ĐCSTQ như Viện Khổng Tử gây ảnh hưởng không hay, đảm bảo cho các sinh viên ủng hộ dân chủ từ Trung Quốc, Hồng Kông hoặc Đài Loan đang học tại các trường đại học Mỹ sẽ không bị các phần tử thân Bắc Kinh đe dọa và quấy rối.

4.Hai tòa án sơ thẩm liên bang chặn lệnh cấm TikTok và Wechat tại Mỹ

Lệnh cấm của Bộ Thương mại Mỹ với Wechat (dự kiến có hiệu lực vào 20/9) và TikTok (dự kiến có hiệu lực vào 27/9) hiện đã bị hai tòa án sơ thẩm liên bang ra phán quyết chặn tạm thời. 

Thẩm phán Mỹ Laurel Beeler tại Tòa sơ thẩm liên bang ở San Francisco hôm Chủ Nhật (20/9) đã chặn lệnh cấm của chính quyền Trump yêu cầu Apple và Google từ cuối ngày Chủ Nhật phải gỡ bỏ ứng dụng nhắn tin WeChat khỏi các kho ứng dụng App Store và Google Play.

Đến hôm 24/9, một thẩm phán của Tòa sơ thẩm liên bang tại Washington đã đề nghị chính quyền Tổng thống Trump xem xét hoãn lệnh cấm tải xuống ứng dụng chia sẻ video nổi tiếng TikTok, dự kiến có hiệu lực vào hôm Chủ Nhật tuần này (27/9). 

Ai kiện lệnh cấm Wechat và TikTok?

  • Theo Đài Phát thanh Hy Vọng (SOH) của người Trung Quốc hải ngoại (trụ sở tại Mỹ), ngày 6/8 Tổng thống Mỹ Trump đã ký lệnh hành pháp công bố Mỹ sẽ ngừng cho phép WeChat và TikTok hoạt động tại Mỹ từ ngày 20/9 (lệnh cấm TikTok sau đó được gia hạn tới ngày 27/9). Sau đó ngày 8/8, có 5 luật sư người Mỹ gốc Hoa bao gồm luật sư hành nghề ở California và Oregon là Chu Khả Lượng (Zhu Keliang) và luật sư hành nghề ở New York là Tào Anh (Cao Ying) đã cùng nhau thành lập “Hiệp hội người dùng WeChat tại Mỹ”, tuyên bố đại diện cho người dùng WeChat của Mỹ đệ đơn kiện lên Tòa án Liên bang yêu cầu tuyên bố lệnh cấm WeChat không hợp lệ.
  • Theo nguồn tin mà Đài Á châu Tự do (RFA) chia sẻ trên Twitter ngày 10/8, Chu Khả Lượng là đối tác của một công ty luật ở Thung lũng Silicon tại California, chuyên xử lý các vụ án đầu tư xuyên biên giới của các công ty tại Đại Lục. Sau khi ông Trump ký sắc lệnh hành pháp vào ngày 6/8, Chu Khả Lượng lập tức kêu gọi hơn 200 luật sư người Mỹ gốc Hoa trên khắp nước Mỹ cùng nhau ký tham gia “Hiệp hội người dùng WeChat của Mỹ” và khởi kiện chính quyền Tổng thống Trump.
  • Twitter @LIFETIME đã tweet rằng Chu Khả Lượng này không phải đối tác của văn phòng luật Thung lũng Silicon nào mà là đối tác của văn phòng đại diện tại Thung lũng Silicon của Công ty Luật Đức Hằng (DeHeng) Bắc Kinh. Công ty Luật Đức Hằng ở Bắc Kinh là “công ty luật trực thuộc Bộ Tư pháp” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và đã tham gia vào phiên tòa xét xử “Tứ nhân bang” của ĐCSTQ. Không có gì ngạc nhiên khi người này kiện chính quyền Trump.
  • TikTok đã đệ đơn yêu cầu sơ bộ lên tòa án sơ thẩm liên bang ở Washington vào thứ Tư (23/9), lập luận rằng theo luật pháp Hoa Kỳ, lệnh cấm của chính quyền ông Trump “vượt quá mức” quyền lực của Bộ Thương mại và Tổng thống Hoa Kỳ. 

Thông tin không thống nhất trong vụ mua bán TikTok:

  • ByteDance và hai công ty Hoa Kỳ (Oracle và Walmart) đã đưa ra những tuyên bố trái ngược nhau về quyền sở hữu và quyền kiểm soát TikTok Global – một thực thể mới sẽ được thành lập theo thỏa thuận chuyển giao hoạt động TikTok tại Mỹ. 
  • Công ty Trung Quốc cho biết họ sẽ giữ lại 80% cổ phần trong công ty mới, còn ông Trump lại nói ông sẽ không thông qua một thỏa thuận nếu Oracle và Walmart không có “toàn quyền kiểm soát”.
  • Trong một tuyên bố đưa ra hôm 21/9, Oracle cho biết phía Mỹ sẽ chiếm quyền kiểm soát đa số.
  • ByteDance cho biết hôm 24/9 rằng họ đã đệ trình đề xuất hợp tác với Oracle và Walmart lên cơ quan thương mại Trung Quốc để phê duyệt. 

5.Kim Jong Un viết thư xin lỗi Hàn Quốc vì bắn chết công dân HQ trên biển

Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc hôm thứ Sáu (25/9) cho biết lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un đã đưa ra lời xin lỗi người dân Hàn Quốc vì vụ quân đội miền Bắc đầu tuần này đã giết chết một công dân miền Nam ở khu vực biên giới trên biển. 

Tại sao sự kiện này quan trọng?

  • Đây là lần đầu tiên lãnh đạo tối cao Bắc Hàn công khai việc viết thư xin lỗi Hàn Quốc.
  • Việc binh lính Bắc Hàn bắn chết công dân Hàn Quốc trong thời điểm mối quan hệ hai nước đã lạnh nhạt sau thời gian ấm nóng 2017-2018 với các cuộc gặp cấp cao liên tiếp. Đây cũng là thời điểm chính phủ Hàn Quốc của Tổng thống Moon Jae-in muốn nối lại các cuộc đàm phán với chế độ Bình Nhưỡng.

Các bên liên quan nói gì?

  • Cố vấn an ninh của Tổng thống Moon, ông Suh Hoon nói rằng lá thư của phía Bắc Hàn dẫn lời lãnh đạo Kim Jong-un nói ông “rất xin lỗi” khi vụ việc đó đã làm công chúng Hàn Quốc thất vọng và điều không nên xảy ra đã xảy ra.
  • Phía Bắc Hàn nói rằng người đàn ông “không rõ danh tính” đã vượt qua biên giới biển phía tây bất hợp pháp trên một vật liệu nổi và đã không phản ứng thành khẩn với yêu cầu kiểm tra an ninh từ phía binh lính Bắc Hàn khi hai bên cách nhau khoảng 80m.
  • Trong khi tiếp cận vật liệu nổi, binh lính Bắc Hàn đã bắn hai phát súng cảnh cáo, và người đàn ông Hàn Quốc “không rõ danh tính” dường như đã nỗ lực chạy thoát. Sau đó, lính miền Bắc đã bắn hơn 10 phát đạn từ cự ly khoảng 40-50m dựa theo các quy định về xâm nhập biên giới biển, theo lá thư của phía Bắc Hàn.
  • Sau khi nổ súng, binh lính miền Bắc đã lục soát vật liệu nổi nhưng chỉ thấy đầy máu mà không thấy người, lá thư của Bắc Hàn tuyên bố.
  • Lá thư cho biết thêm rằng binh lính miền Bắc đã đốt vật liệu nổi này phù hợp với hướng dẫn khẩn cấp quốc gia về phòng chống dịch COVID-19.
  • Miền Bắc cũng nói rằng lãnh đạo của họ nghĩ “điều không nên xảy ra đã xảy ra” và đã chỉ đạo binh lính phải thiết lập hệ thống để ghi lại toàn bộ diễn tiến của các hoạt động an ninh biên giới biển để không kích hoạt “những nỗi nhỏ hoặc những hiểu lầm lớn” trong những vụ trấn áp xâm phạm biên giới như vậy.
  • Phía Bắc Hàn cũng bày tỏ lấy làm tiếc về thông báo “đơn phương” của quân đội Hàn Quốc một ngày trước liên quan đến vụ việc này.
  • Văn phòng Tham mưu trưởng Quân đội Hàn Quốc một ngày trước khi nhận được thư của miền Bắc đã nói rằng Bắc Hàn đã đốt thi thể của người đàn ông Hàn Quốc – quan chức của bộ ngư nghiệp.

Nam Sơn (T/h)

Xem thêm: