Tờ Guardian đưa tin, tạp chí y khoa BMJ – British Medical Journal, một trong những tạp chí y khoa lâu đời nhất thế giới tại Anh quốc – đã đăng tải một nghiên cứu kêu gọi cộng đồng y học ghép tạng thế giới tẩy chay 400 bài báo khoa học tới từ Trung Quốc do những nghiên cứu khoa học này có thể sử dụng nguồn nội tạng phi đạo đức của tù nhân Trung Quốc.

Phóng sự điều tra: Thực hư con số 2 triệu người bị mổ cướp nội tạng tại Trung Quốc - Lời nói đầu
(Ảnh: Qua Prezi.com)

Bất kỳ ai sử dụng kết quả nghiên cứu từ 400 bài báo khoa học trên sẽ là những người đồng lõa với tội ác thu hoạch nội tạng “man rợ” – Đây là kết luận của giáo sư đạo đức lâm sàng Wendy Rogers, đồng tác giả của nghiên cứu đăng tải trên tạp chí y khoa BMJ.

Cũng theo BMJ, đây là lần đầu tiên có một nghiên cứu kỹ lưỡng về các bài báo khoa học trong lĩnh vực cấy ghép nội tạng, chỉ ra thực tế việc cộng đồng y khoa chưa tuân thủ nguyên tắc đạo đức trong lĩnh vực nghiên cứu cấy ghép tạng.

Nhóm các học giả Úc thực hiện nghiên cứu này đã tổng hợp số liệu về các bài báo khoa học xuất hiện trong cộng đồng cấy ghép từ tháng 1 năm 2000 tới tháng 4 năm 2017. Họ chỉ ra rằng có 445 bài báo khoa học sử dụng kết quả cấy ghép nội tạng tại Trung Quốc, liên quan tới con số 85.477 nội tạng được cấy ghép. Trong số đó, có 92,5% là không cho biết nội tạng có bị lấy từ tử tù hay không. Đồng thời có 99% bài báo không cho biết những người bị lấy tạng có phải là hiến tặng tự nguyện hay không. Đồng thời 19 bài báo khoa học tự nhận là không sử dụng nguồn nội tạng tử tù lại được đăng tải vào thời điểm trước năm 2010, khi Trung Quốc không hề có chương trình hiến tạng tự nguyện.

Vấn đề nguồn gốc nội tạng được sử dụng trong kết quả nghiên cứu khoa học ghép tạng là vấn đề hết sức quan trọng, phải được công khai trong một báo cáo khoa học cấy ghép tạng. Đạo đức y khoa và nhất là đạo đức ghép tạng có các quy định chi tiết về điều này.

“Một lượng lớn các nghiên cứu không có đạo đức đang tồn tại, dẫn đến các vấn nạn phức tạp và một mối nguy hại với đạo đức khi cộng đồng ghép tạng sử dụng và thu lợi nhờ kết quả của các nghiên cứu vô đạo đức đó”, báo cáo kết luận. “Chúng tôi kêu gọi thu hồi các tài liệu này cho đến khi chúng được điều tra cụ thể.”

Việc một nghiên cứu tập trung vào các bài báo khoa học có xuất xứ từ Trung Quốc xảy ra trong bối cảnh các cáo buộc về việc chính quyền ĐCSTQ thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm ngày càng thu thập được nhiều bằng chứng và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Cuối năm 2018, đầu năm 2019, cộng đồng quốc tế đã có rất nhiều động thái về thực trạng này:

  • Ngày 16/10/2018, BBC đăng tải phóng sự độc quyền về nạn thu hoạch nội tạng tại Trung Quốc, cho biết thực chất Trung Quốc không thu hoạch nội tạng từ tù nhân thông thường hay tử tù. Những nhóm người có tín ngưỡng như Duy Ngô Nhĩ, Tây Tạng, Pháp Luân Công là nguồn cung tạng chủ yếu cho hoạt động cấy ghép.
  • Ngày 16/10/2018, Forbes đăng tải bài báo của chuyên gia nghiên cứu diệt chủng nói về vấn đề thu hoạch nội tạng tại Trung Quốc, trong đó đề cập tới và đặt ra câu hỏi về việc cộng đồng quốc tế sẽ ngăn chặn và phản ứng như thế nào trước nạn thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm do chính quyền Trung Quốc hậu thuẫn.
  • Đầu tháng 12/2018, luật sư Anh Quốc hoạt động trong Tòa án Hình sự Quốc tế Geoffrey Nice tuyên bố trong Tòa án độc lập điều tra về thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ tù nhân lương tâm tại Trung Quốc: “Chúng tôi chắc chắn không chút hoài nghi rằng tại Trung Quốc, việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm đã được thực hiện trên quy mô lớn, trong một thời gian dài, dẫn tới số lượng nạn nhân rất lớn”.
  • Ngày 8/1/2019, Forbes tiếp tục đăng tải bài viết dẫn thông tin về các chứng cứ ghi âm cho thấy các bệnh viện Trung Quốc vẫn đang cấy ghép nội tạng từ tù nhân lương tâm vào cuối năm 2018. Các chứng cứ ghi âm bao gồm 17 cuộc gọi tới 12 bệnh viện khác nhau, tại các thành phố lớn thuộc 11 tỉnh thành của Trung Quốc, bao gồm: Bắc Kinh, Thiên Tân, Thượng Hải, Yên Đài, Trịnh Châu, Hàng Châu, Trường Sa, Nam Kinh, Tương Nhã, Quảng Châu và Quảng Tây. Các cuộc gọi đều là tới cấp giám đốc hoặc chủ tịch của các bệnh viện ghép tạng.

Trong khi về mặt truyền thông và quan hệ quốc tế, Trung Quốc từng tỏ ra kiên quyết sẽ không sử dụng nội tạng tử tù kể từ năm 2015, nhưng không có bất cứ luật hay quy định nào để cấm hành vi này. Hệ thống hiến tạng của Trung Quốc cũng không hề được công khai giống như hệ thống hiến tạng tại các quốc gia khác. Điều đó hoàn toàn đi ngược lại với cam kết của Trung Quốc, đặt ra những dấu hỏi về sự cải thiện nhân quyền ở quốc gia này.

Minh Nhật

Xem thêm: