Thêm bốn nước thành viên NATO gồm Iceland, Đan Mạch, Na Uy và Estonia đã cùng Canada chính thức phê chuẩn nghị định thư cho phép Phần Lan và Thụy Điển gia nhập khối liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương.

Embed from Getty Images

Theo hãng tin YLV của nhà nước Phần Lan đưa tin hôm thứ Tư (6/7), lãnh đạo của Iceland, Đan Mạch, Na Uy và Estonia đều đã trình văn bản phê duyệt nghị định thư cho phép hai quốc gia Bắc Âu được gia nhập NATO.

Các thủ tướng của Na Uy, Đan Mạch và Iceland hôm 5/7 đã tuyên bố rằng họ “sẵn sàng chuyển các văn bản phê chuẩn tới Chính phủ Hoa Kỳ”, đồng thời nhấn mạnh rằng đây là “dấu hiệu về sự nhất trí hoàn toàn của các quốc gia Bắc Âu trong việc ủng hộ Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO”, và là bằng chứng cho thấy “mối quan hệ gần gũi và tin tưởng lẫn nhau giữa các quốc gia Bắc Âu”.

Thủ tướng Iceland Katrin Jakobsdottir viết: “Tôi hoan nghênh tư cách thành viên NATO của Phần Lan và Thụy Điển và cực kỳ tin tưởng rằng sự cam kết vững chắc của họ về nhân quyền, pháp quyền, truyền thống dân chủ và cam kết xã hội mạnh mẽ sẽ là quan trọng cho liên minh quân sự”.

Trong khi đó, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas hôm 6/7 đã loan báo trên Twitter rằng quốc hội Estonia đã phê chuẩn với “tốc độ ánh sáng” nghị định thư cho phép Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, và nhấn mạnh hy vọng rằng các đồng minh khác cũng sẽ hành động nhanh chóng như vậy.

Các tuyên bố của 4 quốc gia thành viên NATO nêu trên được đưa ra sau khi khối quân sự do Mỹ lãnh đạo hôm 5/7 tại trụ sở chính ở Brussels đã ký nghị định thư gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển. Bây giờ, cần tất cả quốc hội của 30 quốc gia thành viên NATO phê chuẩn nghị định thư này để hai quốc gia Bắc Âu chính thức trở thành thành viên liên minh.

Canada là quốc gia NATO đầu tiên chính thức phê chuẩn nghị định thư. Chỉ mất vài giờ sau khi NATO ký nghị định thư, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã loan báo rằng chính phủ của ông đã nhất trí phê chuẩn văn kiện này của NATO.

Bây giờ vẫn còn cần 25 quốc gia thành viên NATO phê chuẩn nghị định thư. Tiến trình này được dự báo có thể kéo dài nhiều tháng.

Đức dự kiến sẽ phê chuẩn nghị định thư vào thứ Sáu (8/7), nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang đợi xem Phần Lan và Thụy Điển có tuân thủ thỏa thuận 10 điểm mà ba nước đã ký kết tại Ankara tuần trước hay không mới chính thức thông qua nghị định thư.

Thổ Nhĩ Kỳ đang yêu cầu hai quốc gia Bắc Âu phải giải quyết một số quan ngại. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã từng cảnh báo rằng ông có thể vẫn ngăn chặn nỗ lực gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển nếu hai quốc gia này không phản hồi các yêu cầu dẫn độ, loại bỏ cấm vận vũ khí và dừng hỗ trợ các nhóm vũ trang mà Thổ Nhĩ Kỳ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố.

Như Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nhấn mạnh, cả Phần Lan và Thụy Điển sẽ vẫn có thể tham gia các cuộc họp của NATO với tư cách “khách mời” cho đến khi được tất cả các quốc gia thành viên phê chuẩn nghị định thư gia nhập.

Tuy nhiên, chỉ sau khi tiến trình phê chuẩn gia nhập được hoàn tất, thì Phần Lan và Thụy Điển mới có thể nhận được sự bảo vệ quân sự của NATO theo điều khoản phòng vệ chung. Điều khoản này quy định rằng một cuộc tấn công vào một thành viên NATO là một cuộc tấn công chống lại tất cả.

Hải Đăng