Thị trường chứng khoán Hoa Kỳ đã đạt mức cao kỷ lục khi đóng phiên giao dịch hôm thứ Sáu (20/10). Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones vượt mức 23.000 điểm lần đầu tiên trong lịch sử trong khi chỉ số cổ phiếu trung bình của 500 công ty lớn nhất (S&P 500) có 6 tuần tăng liên tiếp. Sự lạc quan của giới kinh doanh Mỹ đang ở mức cao sau khi Thượng viện thông qua nghị quyết ngân sách 2018, nâng hy vọng kế hoạch cắt giảm thuế của Tổng thống Donald Trump có thể có bước tiến khả quan.

Embed from Getty Images

Doanh nghiệp và nhà đầu tư đều đang có phản ứng tích cực trước kế hoạch cắt giảm thuế của chính quyền Trump

Cổ phiếu của General Electric đã đảo chiều ở cuối phiên, tăng ở mức 1,1%, và chỉ số toàn nghành công nghiệp S&P cũng cán đích khi đóng phiên ở mức tăng 1,1%.

Tín hiệu lạc quan của thị trường chứng khoán trong ngày thứ Sáu (20/10) đến từ việc cuối ngày thứ Năm (19/10), Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua kế hoạch chi tiêu ngân sách 2018, điều này mở đường cho đảng Cộng hòa có thể theo đuổi gói cắt giảm thuế mà không cần sự ủng hộ của đảng Dân chủ.

Ông Paul Nolte, quản lý danh mục đầu tư tại Kingsview Asset Management ở Chicago nói với Reuters rằng: “Đó chỉ là phản ứng với suy nghĩ rằng có lẽ sẽ có thể có điều gì đó [tích cực] đến từ Quốc hội trong quá trình cải cách thuế”.

“[Trước đó], mọi người dường như đã từ bỏ hy vọng và sau những nhận xét trong 24 giờ qua, mọi người có lẽ phấn khích hơn, điều này có thể thực sự xảy ra”.

Phản ứng tích cực của thị trường như vậy là dễ hiểu bởi thị trường cổ phiếu Mỹ đã tăng điểm ngay sau khi có kết quả ông Trump thắng cử vào tháng 11 năm ngoái, một phần là do các nhà đầu tư kỳ vọng vào những lời hứa cắt giảm thuế và tinh giản quy định của vị tỷ phú ngành địa ốc.

Chỉ số S&P về ngành tài chính dự kiến sẽ được hưởng lợi từ các chính sách được đề xuất của chính phủ Trump, tăng 1,2% và cổ phiếu của các công ty trong ngành này nằm trong rổ đầu tư tốt nhất trong ngày. Chỉ số Russell 2000 của các công ty vốn hóa nhỏ đã tăng 0,5%. Các công ty nhỏ khả năng sẽ được thúc đẩy hơn từ cải cách thuế.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 165,59 điểm, tương đương 0,71%, kết thúc phiên ở mức 23.328,63 điểm; chỉ số S&P 500 có thêm 13,11 điểm, tương đương tăng 0,51%, đạt 2.575,21 điểm và chỉ số Nasdaq tăng 23,99 điểm, tương đương 0,36%, đạt 6.629,05 điểm.

Cả ba chỉ số trên đều đạt mức cao nhất ở thời điểm đóng phiên, mở rộng mức tăng kỷ lục gần đây, và chỉ số Dow vừa phá vỡ kỷ lục đạt hơn 23.000 điểm trong tuần này, tính cả tuần đã tăng được thêm tăng 2% .

Chỉ số Dow Jones cũng đánh dấu mức tăng 6 tuần liên tiếp, trong khi Nasdaq cũng đã có tuần thứ 4 liên tiếp tăng điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,9% trong tuần và Nasdaq tăng 0,4%.

Khoảng 6,2 tỷ cổ phiếu đã được giao dịch trên thị trường chứng khoán Hoa Kỳ trong ngày thứ Sáu (20/10). Con số này cao hơn nhiều so với giao dịch trung bình hàng ngày là 5,9 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua, theo số liệu của Thomson Reuters.

Một số nhà đầu tư không nhìn thấy nhiều dấu hiệu phải lo lắng về việc tăng trưởng kéo dài.

Ông Hank Smith, đồng Giám đốc đầu tư tại Haverford Trust ở Radnor, bang Pennsylvania, trao đổi với Reuters rằng: “Đây là sự tăng trưởng lành mạnh. Các chỉ số đều từ từ tiến lên ổn định. Sự biến động của thị trường là cực kỳ thấp”.

Reuters nhận định các nhà đầu tư sẽ tiếp tục theo dõi sát sao các tin tức về các ứng viên tiềm năng cho vị trí giám đốc Quỹ dự trữ Liên bang.

Theo tờ Politico, ông Jerome Powell – thành viên của Hội đồng Thống đốc Quỹ dự trữ Liên bang (FED), đang là ứng viên hàng đầu dành được sự đề cử của Tổng thống Trump. Nhiều chuyên gia nhận định rằng nếu ông Powell tiếp quản vai trò lãnh đạo FED, khả năng các chính sách tiền tệ có lợi cho thị trường chứng khoán hiện nay sẽ tiếp tục được duy trì.

Phát biểu trong cuộc phỏng vấn với Fox Business Network hôm thứ Sáu (20/10), ông Trump nói rằng ông đang cân nhắc việc sử dụng cả ông Powell và nhà kinh tế học John Taylor của Đại học Stanford cho hai vị trí hàng đầu của ngân hàng trung ương.

Hùng Cường

Xem thêm: