Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng Thụy Điển không nên mong đợi sự hỗ trợ của Ankara trong nỗ lực gia nhập liên minh quân sự.

Embed from Getty Images

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã cảnh báo Thụy Điển rằng họ không nên mong đợi sự ủng hộ của ông để gia nhập NATO sau vụ người biểu tình đốt kinh Koran bên ngoài đại sứ quán của Ankara ở Stockholm.

“Những người cho phép hành vi báng bổ như vậy trước đại sứ quán của chúng tôi [ở Stockholm] không còn có thể mong đợi sự ủng hộ của chúng tôi đối với tư cách thành viên NATO của họ”, ông Erdogan cho biết hôm thứ Hai, trong phản ứng chính thức đầu tiên của ông đối với hành động của một chính trị gia cực hữu trong cuộc biểu tình cuối tuần qua.

Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary là những thành viên NATO duy nhất chưa phê chuẩn quyết định cho phép các nước láng giềng Bắc Âu gia nhập NATO.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã hứa rằng quốc hội của ông sẽ thông qua hai hồ sơ vào tháng tới.

Nhưng ông Erdogan đã cố gắng chứng tỏ bản thân trong cuộc bầu cử sắp tới, cho biết: “Nếu các vị không thể hiện sự tôn trọng với niềm tin tôn giáo của Cộng hòa Turkiye hoặc người Hồi giáo, các vị sẽ không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào cho tư cách thành viên NATO từ chúng tôi,” đồng thời gọi việc đốt Kinh Qur’an là một cuộc tấn công vào 85 triệu công dân Thổ Nhĩ Kỳ.

Thụy Điển đã phản ứng hết sức thận trọng trước nhận xét của ông Erdogan.

“Tôi không thể bình luận về tuyên bố tối nay. Đầu tiên, tôi muốn hiểu chính xác những gì đã được nói,” Ngoại trưởng Tobias Billstrom nói với Thông tấn xã TT của Thụy Điển.

Việc đốt kinh Qur’an được thực hiện bởi Rasmus Paludan, lãnh đạo đảng chính trị cực hữu Hard Line của Đan Mạch. Paludan, người cũng có quốc tịch Thụy Điển, đã từng tổ chức một số cuộc biểu tình trong quá khứ và cũng từng đốt kinh Koran.

Một số quốc gia Ả Rập bao gồm Ả Rập Xê Út, Jordan và Kuwait đã lên án vụ việc.

Các nhà lãnh đạo Thụy Điển đã lên án mạnh mẽ hành động của Paludan nhưng bảo vệ định nghĩa rộng về tự do ngôn luận của đất nước họ.

“Tôi muốn bày tỏ sự cảm thông với tất cả những người Hồi giáo bị xúc phạm bởi những gì đã xảy ra ở Stockholm ngày hôm nay,” Thủ tướng Ulf Kristersson viết trên Twitter hôm thứ Bảy.

Ông Erdogan đã đặt ra một loạt điều kiện cứng rắn, bao gồm yêu cầu Thụy Điển dẫn độ hàng chục nghi phạm chủ yếu là người Kurd mà Ankara cáo buộc là “khủng bố” hoặc dính líu đến cuộc đảo chính bất thành năm 2016.

Lê Vy