Nhiệt độ hạ thấp ở Ukraine đặt ra thêm một thách thức nghiêm trọng khác đối với cuộc xâm lược của quân đội Nga, trong bối cảnh toàn thế giới đang đổ dồn con mắt vào cái gọi là “hoạt động quân sự đặc biệt” của Tổng thống Vladimir Putin.

Embed from Getty Images

Qua đêm thứ Ba (8/3), nhiệt độ đã giảm xuống khoảng -10 độ C tại nhiều khu vực của Ukraine và các nhà dự báo cho biết, thời tiết sẽ còn lạnh hơn nhiều khi kết hợp với gió lớn.

Một khối không khí lạnh đáng kể hơn nữa đang tăng cường và khiến nhiệt độ sẽ xuống mức thấp nhất trong vài tuần sắp tới tại một số khu vực. CNN đưa tin, vào ban đêm, các yếu tố như gió lạnh sẽ khiến nhiệt độ thường xuyên ở mức dưới 0 độ C.

Trong khi đợt giá rét tàn khốc là một trở ngại bất ngờ đối với hàng nghìn công dân Ukraine đang tìm cách thoát khỏi các cuộc chiến, nó cũng có thể gây ra nhiều khó khăn cho quân đội Nga.

Cựu Thiếu tá Lục quân Anh Kevin Price nói với tờ Times of London, cái lạnh “sẽ làm suy yếu lực lượng Nga” và mặc dù nó có thể cải thiện khả năng di chuyển xuyên quốc gia nhưng rõ ràng là “người Nga chưa sẵn sàng cho các điều kiện ở Bắc Cực”.

Quân đội Nga với đoàn xe kéo dài 40 dặm vốn bị mắc kẹt bên ngoài Kyiv trong vài ngày qua “sẽ phải chịu đựng” rất nhiều thứ. Một nguồn tin quân sự Ukraine đã chia sẻ với Newsweek nhận định của ông Glen Grant, một chuyên gia quốc phòng cấp cao tại Quỹ An ninh Baltic, người đã tư vấn cho Ukraine về cải cách quân sự của họ.

Ông cho hay, việc ở trong một chiếc xe quân sự trong điều kiện lạnh giá như vậy là vô cùng khó khăn, “bởi vì tôi có thể nói với bạn từ kinh nghiệm của mình, nó quả thực giống như một chiếc tủ lạnh.”

Ông nhấn mạnh với Newsweek: “Để ăn một suất ăn, các bạn phải có nước nóng và nếu không có nhiên liệu hoặc khí đốt, thì các bạn sẽ không thể chịu nổi.”

Ông Grant cũng nhận xét về quân đội Nga: “Dù sao thì họ cũng gặp phải những vấn đề lớn về hậu cần. Họ không thể chỉ di chuyển và tấn công mọi người như vậy.”

Ông tiếp tục: “Về cơ bản, Nga luôn rao giảng là họ gặt hái thành công, nhưng trong cuộc chiến này, hết lần này đến lần khác, họ lại chuốc lấy thất bại. Họ không phải đang tuân theo một kế hoạch – mà là tuân theo một kịch bản.”

Kịch bản đó dường như dựa trên tiền đề rằng quân đội Nga sẽ nhanh chóng chiếm Ukraine, nhưng kịch bản này đã gặp rất nhiều chướng ngại bởi các vấn đề hậu cần, sự kháng cự quyết liệt của người Ukraine và tinh thần của binh lính Nga dường như không hề tốt.

Kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu vào ngày 24/2, các lực lượng Nga đã chiếm được nhiều khu vực rộng lớn ở Đông Bắc và ven biển Ukraine, đồng thời tuyên bố đã chiếm được cảng Kherson chiến lược ở phía Nam.

Các lực lượng Nga cũng đã bắn phá Kharkiv, bao vây và tấn công Mariupol, mặc dù khu vực này được cho là vẫn nằm trong sự kiểm soát của Ukraine.

Tuy nhiên, ông Michael Clarke, cựu Tổng giám đốc của Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia (RUSI) nói với Sky News, các lực lượng Nga đã mất khoảng 860 thiết bị, chẳng hạn như xe tăng và xe bọc thép, trích dẫn số liệu có thể xác minh từ các nguồn độc lập.

Một quan chức quân sự NATO cũng nhận định với CNN rằng, Nga đang đạt được rất ít tiến bộ, “chúng tôi không cho rằng họ sẽ đạt được bất kỳ lợi thế nào trong vài ngày tới”.

Trung tướng Scott D. Berrier, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ còn nói với các nhà lập pháp Hạ viện, có tới 4.000 binh sĩ Nga đã chết kể từ cuộc xâm lược bắt đầu.

Quân nhân Michael Kofman đăng tweet, tỷ lệ đào ngũ của quân đội Nga là “cực kỳ cao” và rằng, sự thất bại của các lực lượng Moscow “không phải là một thất bại chung trong việc hiện đại hóa, mà hơn thế, là thất bại trong việc bảo trì và hỗ trợ các thiết bị đúng cách.”

Có không ít suy đoán rằng, những sai lầm chiến lược có thể đẩy ông Putin tới vũ khí hạt nhân như một phương án dự phòng, mặc dù như Newsweek đã đưa tin trước đó, các chuyên gia quân sự tin rằng vụ tấn công như vậy là khó xảy ra vào thời điểm này.

Dù thế nào đi nữa, hiện vẫn có suy đoán về việc liệu thất bại quân sự ở Ukraine có gây ra mối đe dọa cho nhiệm kỳ tổng thống của ông Putin hay không.

Ông Michael Kimmage, giáo sư lịch sử tại Đại học Công giáo Mỹ nhìn nhận: “Về chính sách đối ngoại, ông ấy từng có sự bí ẩn của nhà chiến thuật vĩ đại”, khi nhắc đến vụ chiếm đóng Crimea năm 2014 và can dự vào cuộc xung đột Syria một năm sau đó, nhưng “hiện giờ ông ấy đã thực sự đã gây ra một vụ việc hỏng bét.”

Ông lưu ý với Newsweek: “Ông ấy đã làm một việc tồi tệ khi biện minh cho cuộc chiến trước khi nó xảy ra, giờ ông ấy sẽ cố gắng bù đắp tổn thất của nó thông qua việc thao túng và đàn áp truyền thông.”

Minh Ngọc (Theo Newsweek)