“Đồng bào Mỹ của tôi, những người mà tôi đã phục vụ một cách đầy trân trọng trong 60 năm, và đặc biệt là những người bang Arizona của tôi.

Cảm ơn các bạn đã cho tôi đặc ân được phục vụ các bạn và được sống một cuộc đời đáng giá trong bộ quân phục và trong văn phòng nhà nước. Tôi đã cố gắng phục vụ tổ quốc một cách đầy vinh dự. Tôi đã phạm sai lầm, nhưng tôi hy vọng tình yêu với nước Mỹ của tôi sẽ được đánh giá cao hơn những sai lầm đó.

Tôi thường nhận ra rằng tôi là người may mắn nhất thế giới. Tôi cảm thấy như vậy ở ngay thời điểm này, khi tôi chuẩn bị sẵn sàng cho sự kết thúc của cuộc đời mình. Tôi yêu cuộc sống của tôi, toàn bộ hành trình của nó. Tôi đã trải nghiệm, phiêu lưu và có những tình bạn đủ cho 10 cuộc đời viên mãn, và tôi rất biết ơn. Giống như hầu hết những người khác, tôi cũng có những ân hận. Nhưng tôi sẽ không đổi một ngày của đời mình, cả tốt lẫn xấu, lấy một ngày tốt đẹp nhất của người khác.

Tôi nợ niềm hạnh phúc này nơi tình yêu của gia đình tôi. Chưa có một người đàn ông nào có một người vợ yêu thương hay những đứa con mà ông ta tự hào nhiều hơn tôi được có. Và tôi nợ nước Mỹ. Được sống trong chính nghĩa của nước Mỹ – tự do, công lý bình đẳng, tôn trọng nhân phẩm của tất cả mọi người – khiến hạnh phúc cao thượng hơn nhiều những thú vui phù phiếm của cuộc đời. Bản sắc và cảm giác về giá trị của chúng ta không bị hạn chế mà được tôn lên bằng việc phục vụ cho những mục tiêu cao đẹp hơn bản thân chúng ta.

‘Đồng bào Mỹ’ – cụm từ này có ý nghĩa với tôi nhiều hơn bất cứ điều gì khác. Tôi đã sống và chết như một người Mỹ tự hào. Chúng ta là công dân của nền cộng hòa vĩ đại nhất thế giới, một quốc gia của ý tưởng chứ không phải của đất và máu. Chúng ta đã ban ơn và đang ban phước cho nhân loại khi chúng ta bảo vệ và thúc đẩy những ý tưởng này, cả ở quê hương và trên thế giới. Chúng ta đã giúp giải phóng nhiều người khỏi bạo quyền và nghèo khó hơn bất cứ ai khác trong lịch sử. Chúng ta đã tích góp được sự giàu có và sức mạnh trong quá trình đó.

Nhưng ta làm suy yếu sự vĩ đại của mình khi ta mơ hồ giữa lòng yêu nước và sự ganh đua bộ tộc vốn đã gieo mầm thù hận và bạo lực trên khắp mọi ngóc ngách của thế giới. Ta kém vĩ đại khi mà chúng ta nấp đằng sau bức tường, hơn là phá bỏ nó xuống, khi ta nghi ngờ sức mạnh của lý tưởng hơn là tin tưởng rằng nó là một sức mạnh to lớn để thay đổi, như nó đã luôn là.

Chúng ta là 325 triệu cá nhân lớn tiếng, cứng đầu và đầy chủ kiến. Chúng ta tranh luận và cạnh tranh với nhau và đôi khi còn nói xấu nhau trong những cuộc tranh luận công khai gay gắt. Nhưng chúng ta đã luôn luôn có nhiều điểm chung hơn là sự bất đồng. Chỉ cần chúng ta nhớ được điều đó và cho nhau niềm tin rằng tất cả chúng ta đều yêu tổ quốc và ta sẽ vượt qua thời gian đầy thử thách này. Chúng ta sẽ vượt qua chúng và trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Đó là điều mà chúng ta luôn làm.

Mười năm trước, tôi đã có vinh hạnh nhận thua trong một cuộc bầu cử tổng thống. Tôi muốn kết thúc lời từ biệt của mình với các bạn bằng niềm tin chân thành vào người Mỹ, một niềm tin mãnh liệt mà tôi đã được trải nghiệm trong đêm hôm đó.

Hôm nay tôi vẫn cảm thấy nó vô cùng mạnh mẽ.

Đừng tuyệt vọng trong những khó khăn hiện tại, hãy luôn tin tưởng vào những triển vọng và sự vĩ đại của nước Mỹ, bởi vì ở đây không gì là không thể vượt qua. Người Mỹ không từ bỏ. Chúng ta không đầu hàng. Chúng ta không trốn tránh lịch sử. Chúng ta tạo ra lịch sử.

Tạm biệt, đồng bào Mỹ của tôi. Cầu Chúa phù hộ các bạn, cầu Chúa phù hộ nước Mỹ”.

Thượng nghị sĩ Mỹ John Sidney McCain III qua đời hôm 25/8/2018 sau khi quyết định dừng điều trị ung thư não. Ông là một trong những người hoạt động mạnh nhất để thúc đẩy chính phủ Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam sau chiến tranh và coi Việt Nam là một đối trọng đáng giá giúp Mỹ đối đầu với Trung Quốc. Ông từng tham gia chiến tranh Việt Nam và bị bắt làm tù binh năm 1967 tại Hà Nội trong khoảng 5 năm rưỡi. Ông được thả vào năm 1973.

Đức Trí

Xem thêm: