Thủ tướng Anh Boris Johnson đã kết thúc hơn 1 năm áp đặt các quy định hạn chế nhằm phòng chống dịch COVID-19. Ông kêu gọi người dân thận trọng khi bắt đầu “Ngày Tự do (19/7)”, đồng thời tin tưởng rằng việc tiêm vắc-xin có thể giúp bảo vệ đất nước ngay cả khi số ca nhiễm bệnh tại “xứ sở xương mù” đang tăng mạnh. Chỉ trong ngày 18/7 vừa qua, quốc gia này đã ghi nhận số trường hợp mắc mới cao nhất thế giới, với khoảng 48.161 ca.  

Boris Johnson
Thủ tướng Anh Boris Johnson. (Ảnh: paparazzza/Shutterstock)

Theo các phương tiện truyền thông địa phương, quyết định của ông Boris Johnson về việc gỡ bỏ các hạn chế sẽ giúp ích cho việc tái khởi động nền kinh tế bị tổn hại bởi một loạt các đợt phong tỏa kể từ tháng 3/2020, qua đó đánh dấu một chương mới trong vấn đề ứng phó với virus corona trên toàn cầu.

Nếu vắc-xin chứng minh được hiệu quả trong việc giảm thiểu số trường hợp nhiễm bệnh nặng và tử vong ngay cả khi số ca mắc đạt mức kỷ lục, thì quyết định của ông Johnson có thể được xem là ví dụ để cho các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao tham khảo, dưới góc độ cách thức tiếp cận để có thể trở lại bình thường.

Tuy nhiên, chiến lược này cũng đi kèm với rủi ro, trong đó đáng chú ý nhất là việc có thể xuất hiện một biến thể có khả năng chống lại vắc-xin, hoặc số ca nhiễm bệnh tăng mạnh dẫn đến hoạt động kinh tế bị đình trệ. Do đó, ông Boris Johnson đã kêu gọi người dân thận trọng khi mở cửa trở lại.

“Nếu chúng ta không làm điều đó ngay bây giờ, thì chúng ta phải tự hỏi mình rằng, đến bao giờ chúng ta mới làm điều đó?” ông cho biết hôm 18/7.

“Đây là thời điểm thích hợp nhưng chúng ta phải làm điều đó một cách thận trọng. Chúng ta phải nhớ rằng điều đáng buồn là loại virus này vẫn còn tồn tại ở đó”.

Nước Anh ghi nhận số ca tử vong cao thứ 7 trên thế giới với khoảng 128.708 người, và được dự báo sẽ sớm có thêm nhiều ca nhiễm mới mỗi ngày hơn so với thời kỳ đỉnh điểm của làn sóng dịch bệnh thứ 2 diễn ra vào đầu năm 2021. Vào ngày 18/7, quốc gia này thông báo số trường hợp mắc mới cao nhất thế giới, với khoảng 48.161 ca.

Tại xứ sở xương mù, 87% dân số trưởng thành đã tiêm 1 liều vắc-xin, và hơn 68% đã tiêm 2 liều.

Bắt đầu từ ngày 19/7, yêu cầu đeo khẩu trang trong cửa hàng và các quy định trong nhà khác tại Anh sẽ không còn hiệu lực. Những quy định về giới hạn sức chứa trong các quán bar, nhà hàng và giới hạn số người có thể giao lưu cùng nhau cũng được gỡ bỏ.

Mục đích của động thái trên là nhằm tăng tốc độ phục hồi nền kinh tế của Anh sau khi nước này phải hứng chịu một trong những ảnh hưởng lớn nhất từ ​​đại dịch trong số các nền kinh tế phát triển vào năm 2020.

Tuy nhiên, tham vọng đó có thể bị cản trở, với sự xuất hiện của hàng chục nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày, buộc hàng trăm nghìn người lao động phải tự cách ly, không chỉ những người bị mắc bệnh mà cả những người mà họ đã tiếp xúc gần.

Các doanh nghiệp đã buộc phải đóng cửa và những dịch vụ đào tạo cũng rơi vào tình cảnh tương tự do thiếu nhân viên làm việc.

Mới đây, thủ tướng Boris Johnson và bộ trưởng tài chính Rishi Sunak nằm trong số những người tự cách ly sau khi bộ trưởng y tế Sajid Javid có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona vào hôm 17/7. Kế hoạch để ông Johnson và Sunak không phải thực hiện việc cách ly trong 10 ngày đã bị hủy bỏ vào hôm 18/7 sau khi vấp phải sự phản đối kịch liệt từ phía người dân.

Đó là một trong số những sự việc đã làm tổn hại đến lòng tin của công chúng đối với vấn đề xử lý đại dịch của chính phủ.

Trưởng cố vấn y tế của chính phủ Anh Chris Whitty đã cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng có thể quay trở lại một cách nhanh chóng đến kinh ngạc nếu số ca nhiễm bệnh tăng nhanh. Bản thân ông Johnson đã nêu bật nguy cơ của các biến thể virus mới, đồng thời kêu gọi người dân hoàn thành việc tiêm chủng.

Theo Reuters,

Phan Anh

Xem thêm: