Thủ tướng Anh Liz Truss đã lên tiếng xin lỗi vì “những sai lầm” trong chương trình nghị sự của mình đã đánh mất niềm tin của các nhà đầu tư và khiến kinh tế bất ổn, nhưng bà khẳng định sẽ không từ chức, theo Reuters.

Embed from Getty Images

“Tôi thực sự muốn nhận trách nhiệm và nói lời xin lỗi về những sai lầm đã gây ra,” bà Truss nói với BBC hôm 17/10. “Tôi muốn hành động để giúp mọi người giảm bớt chi phí năng lượng của họ nhằm đối phó với vấn đề thuế cao, nhưng chúng tôi đã đi quá xa và vội.”

Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt, người được bổ nhiệm hôm 14/10 sau khi bà Truss sa thải đồng minh thân cận Kwasi Kwarteng, đã thông báo sẽ đảo ngược hầu hết kế hoạch giảm thuế mà Thủ tướng Liz Truss đề ra ngày 23/9, bao gồm cả việc thu hẹp kế hoạch hỗ trợ năng lượng của bà từ 2 năm xuống còn đến tháng 4 năm sau.

Ông Hunt cho biết: “Thủ tướng và tôi đã đồng ý đảo ngược hầu hết các biện pháp về thuế đã công bố trong Kế hoạch Tăng trưởng cách đây ba tuần.”

“Mục tiêu quan trọng nhất đối với Anh lúc này là giữ ổn định. Chính phủ không thể kiểm soát thị trường nhưng có thể giúp thị ổn định thị trường,” ông nói thêm.

Về phía Thủ tướng Truss, bà đã trả lời báo giới rằng bà bổ nhiệm ông Hunt vì biết rằng bản thân phải thay đổi hướng đi. “Sẽ thật vô trách nhiệm nếu tôi không hành động vì lợi ích quốc gia,” bà nhấn mạnh.

Trước đó, chính phủ của bà Truss và đồng minh Kwasi Kwarteng đã công bố kế hoạch cắt giảm thuế trị giá 45 tỷ bảng (50,4 tỷ USD) cho các tập đoàn và người có thu nhập cao (trên 150.000 bảng/167.000 USD một năm).

Nhưng động thái này đã vấp phải phản ứng tiêu cực từ các nhà đầu tư trái phiếu, vì chi phí đi vay tăng cao. Các bên cho vay đã rút các đề nghị thế chấp và Ngân hàng Trung ương Anh cuối cùng phải vào cuộc để ngăn vỡ quỹ.

Theo truyền thông Anh, bà Truss – người chỉ vừa trở thành nhà lãnh đạo Anh cách đây chưa đầy 6 tuần – đang phải đối mặt với khả năng bị phế truất bởi các nhà lập pháp trong nội bộ Đảng Bảo thủ ngay trong tuần này.

Nhưng hôm 17/10, bà Truss khẳng định mình sẽ tiếp tục dẫn dắt Đảng Bảo thủ tham gia cuộc bầu cử tiếp theo. “Tôi đang ở lại đây vì tôi được bầu là người lãnh đạo thay đổi đất nước này. Và đó là điều tôi quyết tâm thực hiện.”

Đáng lưu ý, sự ủng hộ với bà Truss trong nội các Anh đã bốc hơi nhanh chóng trong vòng chưa đầy 50 ngày sau khi bà nhậm chức. Sóng gió bắt đầu với kế hoạch cắt giảm thuế bà đưa ra trong khi vận động tranh cử và bắt tay thực hiện sau khi nhậm chức, theo The Guardian.

Nhiều cuộc thăm dò phản ánh mức độ tín nhiệm với Thủ tướng Truss đã rơi xuống mức thấp nhất so với bất kỳ Thủ tướng Anh nào kể từ đầu những năm 1990.

Một khảo sát mới đây của Opium cho thấy nếu một cuộc tổng tuyển cử được tổ chức ngay lúc này, Công đảng sẽ giành thắng lợi áp đảo với 411/650 ghế trong Quốc hội. Trong khi đó, Đảng Bảo thủ sẽ mất 219 ghế và chỉ còn 137 ghế, trong khi đảng Dân chủ Tự do có 39 ghế và đảng Dân tộc Scotland (SNP) có 37 ghế.

Các nhà phân tích đánh giá triển vọng bà tiếp tục nhiệm kỳ ở Phố Downing có vẻ ảm đạm. Một số người thậm chí dự đoán bà có thể bị phế truất trong tuần này, trong bối cảnh nhiều thành viên trong Đảng Bảo thủ công khai kêu gọi bà Truss rời ghế thủ tướng. 

Guardian tiết lộ, các nghị sĩ cũng được cho là đã viết hơn 100 bức thư yêu cầu bà từ chức, đồng thời gửi thư bất tín nhiệm Thủ tướng tới cho ông Graham Brady, chủ tịch Ủy ban 1922, cơ quan giám sát việc bầu lãnh đạo đảng Bảo thủ.

Nhật Minh (T/h)