Trong bài phát biểu theo thường lệ hôm Thứ Sáu (2/6), ông Viktor Orban, Thủ tướng Hungary, cho rằng chiến dịch quân sự của Kyiv sẽ không đem lại lợi ích gì nếu so với một đàm phán hòa bình, và cho rằng chính quyền Kyiv nên chọn theo con đường hòa đàm hơn là quân sự “tắm máu” vì thiệt hại lớn nhất ở đây là những người dân Ukraine. Ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của tổng thống Ukraine, đã phản ứng gay gắt và gọi đó là sự “lăng nhục có chủ đích”.

shutterstock 1649868625
Thủ tướng Hungary Viktor Orban tại Ý năm 2020 (Nguồn: Alessia Pierdomenico/ Shutterstock)

Khi đề cập đến kế hoạch được gọi là ‘chiến dịch mùa xuân’ sắp tới ở Ukraine với sự hậu thuẫn của các đồng minh Âu Mỹ, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã nói đó là “việc của người Ukraine, chứ tôi không muốn đạt được vòng nguyệt quế quân sự gì. Nhưng ngay cả một người từng trong quân ngũ mới được một năm rưỡi như tôi cũng minh bạch rằng —ngay cả khi không có kiến ​​thức hàn lâm về quân sự, bởi vì đã học được điều đó trong quân đội thực tế— rằng nếu tôi tấn công, tôi sẽ tổn thất gấp 3 lần so với quân phòng thủ. Cho nên đối với một quốc gia có dân số chỉ là số nhỏ so với dân số của phe đối lập, thì phát động chiến dịch tấn công quân sự quy mô lớn trong hoàn cảnh như vậy là một cuộc tắm máu.”

Căn cứ theo lập luận đó, ông thủ tướng của một thành viên NATO này đưa ra lời khuyên rằng “Chúng ta phải làm mọi thứ, trước khi phát động cuộc phản công, để thuyết phục các bên rằng ngừng bắn và tiến hành đàm phán hòa bình là cần thiết.”

Ông Orban cũng nhận định rằng ngay cả khi chiến dịch tấn công được triển khai tốt, thì kết quả cuối cùng cũng không bằng đi theo con đường đàm phán hòa bình, bởi vì tiền tuyến “không tha cho con người.”

Ông Orban cũng nhìn nhận rằng dường như tiếng nói kêu gọi hòa đàm của ông là hy hữu trong NATO vào thời điểm này, khi tự miêu tả ông là thành viên “duy nhất ủng hộ hòa bình.” Ông cũng nói rõ rằng theo đuổi giải pháp hòa bình cũng một phần là vì lợi ích của đất nước ông —một thành viên NATO, nhưng hiện nay vẫn không công khai đoạn tuyệt các mối quan hệ lợi ích kinh tế với Nga— “nếu bạn là người Hungary, bạn phải đứng lên bảo vệ quyền lợi của mình.”

Trên thực tế, tuy không chính thức quan hệ với Nga vì lý do chiến tranh, nhưng vẫn có các hoạt động kinh tế một cách gián tiếp của các thành viên NATO khác với Nga đang diễn ra, vì lợi ích bản thân quốc gia của họ.

230603 polodyak 01
(Ảnh chụp màn hình lời phản đối của quan chức cao cấp Kyiv.)

Ngay lập tức, ông Mykhailo Podolyak, một cố vấn của chánh văn phòng tổng thống Ukraine, và cũng là người thường có tiếng nói trong những dịp thế này đại biểu cho chính quyền Kyiv, đã lên tiếng phản đối, và gọi đó là “lăng nhục có chủ đích nhắm vào Châu Âu” —lưu ý rằng ông Polodyak không miêu tả đó là việc không tin tưởng vào năng lực quân Kyiv như được thấy trong lời lẽ của ông Orban về tương quan số quân các bên, mà ông nói đó là “có chủ đích nhắm vào Châu Âu” và thậm chí là “dung túng cho các hành động khủng bố của Nga”.

“Thái độ công khai vô lý của Thủ tướng Viktor Orban một lần nữa xúc phạm một cách rõ ràng các giá trị của Liên minh châu Âu và luật pháp quốc tế nói chung. Đây là sự lăng nhục có chủ đích đối với Châu Âu và dung túng cho các hành động khủng bố của Nga. Đây là sự biện minh có chủ ý của kẻ xâm lược và khuyến khích tiếp tục tàn phá Ukraine/Châu Âu…”

Như vậy ông Polodyak lập luận đứng trên quan điểm Kyiv đại biểu cho Châu Âu. Tiếp đó quan chức Kyiv cho rằng ông Orban nên kêu gọi Nga rút quân vì ông Orban có quan hệ “người bạn” với Tổng thống Nga Vladimir Putin:

“Đã đến lúc Hungary nhận ra rằng thông qua các hành động phản công, Ukraine đang trả lại lãnh thổ và người dân của mình. Và điều này là công bằng và bắt buộc. Và nếu Thủ tướng Hungary thực sự lo lắng về thương vong, ông ấy nên gọi cho “người bạn Putin” của mình và yêu cầu ông ấy rút các lực lượng vũ trang Nga khỏi biên giới được quốc tế công nhận của Ukraine. Và rồi chiến tranh sẽ kết thúc, không còn thương vong. Chỉ có việc rút toàn bộ lực lượng vũ trang và thiết bị của bên chiếm đóng mới là điều kiện tiên quyết để kết thúc chiến tranh. Có ai đã nghe những lời kêu gọi như vậy từ Orban đến Nga chưa?”

Quan chức Ukraine tuy không giải thích những khúc mắc mà ông Orban nêu ra —quan ngại về số phận những người dân Ukraine do kiên trì chiến tranh, cũng như những tổn thất khi đóng vai là bên chủ động tấn công— nhưng đã nêu rõ ràng về chủ trương của Kyiv và phe đồng minh rằng sẽ kiên trì dùng quân sự để giải quyết xung đột ở Ukraine, bất chấp những thua thiệt và tổn thất do chiến tranh tàn khốc gây ra.

Hồi giữa tháng 4, ông Orban từng nói về kinh tế Ukraine hiện nay đã đến tình trạng chủ yếu sống nhờ vào sự chèo chống của các đồng minh Âu Mỹ, và miêu tả rằng Ukraine là “quốc gia không tồn tại về phương diện kinh tế,” điều cũng từng làm giới chức Kyiv rất không hài lòng.

Các chính khách Âu Mỹ vẫn nói rằng họ trợ giúp chính quyền Kyiv là vì mục đích cho một thế giới dân chủ tốt đẹp. Nhưng một số ý kiến của giới quan sát cho rằng những người, mà trong đó có một số trước chiến tranh còn không biết Ukraine ở vị trí nào trên bản đồ ấy, kỳ thực không quan tâm gì nhiều tới quốc gia mà điểm mạnh chủ yếu là xuất khẩu lương thực cho các nước thứ 3 trên thế giới. Mục đích họ đưa vũ khí vào chiến trường Ukraine là để kéo đổ Nga mà thôi.

230602 uca 01
22 triệu người Ukraine đã qua đường biên giới để rời khỏi nước này kể từ chiến tranh 2/2022, theo con số của Liên Hợp Quốc vào ngày thứ 463 của cuộc chiến. Trước chiến tranh, Ukraine có 41 triệu dân. (ảnh chụp màn hình trang web)

Nhật Tân