Bà Fiame Naomi Mataafa, nữ thủ tướng đầu tiên của đảo quốc Samoa ở Nam Thái Bình Dương sắp nhậm chức, tuyên bố sẽ gác lại dự án phát triển cảng Vaiusu khổng lồ theo kế hoạch​​“Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, vốn tốn kém 100 triệu Đô la Mỹ. Đây không chỉ là một thay đổi lớn trong lập trường của Samoa đối với Trung Quốc, mà còn là một bước lùi khác của dự án “Vành đai và Con đường” của Bắc Kinh.

Thủ tướng Samoa 2
Thủ tướng Fiame Naomi Mataafa của Samoa (Nguồn: Reda Raouchaia / Wikipedia)

Theo báo cáo của Reuters, dự án phát triển cảng Vaiusu trị giá 100 triệu đô la Mỹ đã trở thành tâm điểm tranh luận trong cuộc bầu cử ở Samoa vào tháng Tư. Nó cũng khiến ông Tuilaepa Sailele Malielegaoi, nhà lãnh đạo 20 năm của đất nước này, mất vị thế chiếm đa số trong Quốc hội, và biến bà Mataafa trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Samoa.

Bà Mataafa nói với Reuters rằng trên thực tế, có nhiều nhu cầu cấp thiết hơn là việc xây dựng một cảng mới: “Samoa chỉ là một quốc gia nhỏ, cảng biển và sân bay của chúng tôi đã có thể đáp ứng nhu cầu của mình. Thật khó tưởng tượng rằng trong khi Chính phủ cần ưu tiên các dự án cấp bách hơn, thì chúng ta lại phải phát triển một dự án tầm cỡ như thế này?”

Lập trường của bà dường như tượng trưng cho sự đảo ngược lập trường của Samoa. Trong suốt 20 năm trước, dưới sự lãnh đạo của ông Malielegaoi, Trung Quốc luôn coi Samoa là đồng minh thân thiết của Bắc Kinh. ĐCSTQ thường mô tả công trình Vaiusu như ​​một “dự án do Trung Quốc tài trợ”, có thể tạo cơ hội việc làm, cũng như thúc đẩy thương mại và du lịch. Tuy nhiên, cả thiết kế cảng cũng như các thỏa thuận tài trợ đều không được hoàn toàn công khai.

Bà Mataafa chỉ ra rằng Samoa đã nợ Trung Quốc một khoản nợ khổng lồ, điều này khiến người dân phải chịu áp lực rất lớn. Bắc Kinh là quốc gia chủ nợ lớn nhất của Samoa, nhưng Samoa chỉ có dân số 200.000 người. Nước này nợ Trung Quốc khoảng 160 triệu đô la Mỹ, chiếm 40% nợ nước ngoài của Samoa.

Vị trí của cảng Vaiusu gần với Apia, cảng chính hiện nay của Samoa. Trên thực tế, cảng Apia gần đây đã được mở rộng với sự hỗ trợ của Nhật Bản.

Úc thông báo: Thỏa thuận “Một vành đai, một con đường” bị bãi bỏ 

Ngày 21/4, bà Marise Payne, Bộ trưởng Ngoại giao Úc, cho biết trong một tuyên bố rằng bà đã quyết định hủy bỏ 4 thỏa thuận. Trong đó có 2 thỏa thuận đã ký kết giữa Victoria và Bắc Kinh vào năm 2018 và năm 2019.

Bà Payne nói rằng theo “Dự luật Quan hệ Đối ngoại” của Úc năm 2020, tôi tin rằng 4 thỏa thuận này không phù hợp hoặc không có lợi cho chính sách đối ngoại của chúng tôi. Cùng ngày, chính quyền bang New South Wales cũng tuyên bố rằng bang này đã dừng 2 dự án liên quan đến khai thác mỏ than.

Ngày 8/12 năm ngoái, “Đạo luật Quan hệ Đối ngoại” của Úc đã được Quốc hội Liên bang chính thức thông qua. Kể từ đó, Chính phủ Liên bang Úc đã chính thức có được quyền hạn mới, có thể bãi bỏ các thỏa thuận liên quan đến nước ngoài do chính quyền các bang ký kết, nhưng vi phạm lợi ích quốc gia. Ví như thỏa thuận ​​“Vành đai và Con đường”.

Montenegro rơi vào bẫy nợ của dự án ​​Vành đai và Con đường, và tìm kiếm sự giúp đỡ từ EU

Montenegro, một quốc gia Balkan, dự kiến ​​sẽ gia nhập Liên minh châu Âu, đã rơi vào bẫy nợ Vành đai và Con đường của Trung Quốc (ĐCSTQ). Nợ của Montenegro lên tới 4,33 tỷ euro, chiếm 103% GDP của nước này. Về vấn đề này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế từng cho rằng Montenegro không có khả năng gánh thêm các khoản nợ mới.

Montenegro đề nghị EU hỗ trợ trả nợ, nhưng bị từ chối. Tuy nhiên, EU cho biết họ có thể tài trợ cho quốc gia này thông qua các chương trình đầu tư.

Sri Lanka không trả được nợ, phải cho Trung Quốc thuê cảng nước sâu trong 99 năm

Các quốc gia dọc theo Vành đai và Con đường đã nhận được số tiền khổng lồ. Cơ sở hạ tầng mới cũng đã giúp các quốc gia này giao thương với Trung Quốc và xuất nhập khẩu dễ dàng hơn. Nhưng người ta vẫn nghi ngờ rằng ĐCSTQ có thể đã dụ các nước nghèo vào bẫy nợ.

Đến tháng 12/2017, Sri Lanka không trả được nợ Cảng nước sâu phía nam Hambantota, đã phải “cho Trung Quốc thuê” trong 99 năm. Điều này thực sự đã khiến toàn thế giới thức tỉnh.

Ít nhất 23 quốc gia có nguy cơ nợ cao do dự án ​​Vành đai và Con đường

Tháng 3/2018, Trung tâm Phát triển Toàn cầu Think tank của Mỹ đã báo cáo rằng hầu hết các dự án Vành đai và Con đường đã thông qua các hợp đồng cho vay không rõ ràng. Đồng thời quy định rằng dự án này phải do các công ty Trung Quốc chịu trách nhiệm xây dựng.

Điều này đã khiến các đối tượng ký kết hợp đồng mắc vào những khoản nợ khổng lồ. Ít nhất 23 quốc gia đã rơi vào “rủi ro nợ khá cao”. Cùng năm, 27 Đại sứ EU tại Trung Quốc (trừ Hungary) cùng nhau ký một báo cáo chỉ trích dự án ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Báo cáo cho biết dự án là không rõ ràng và không công bằng, gây nguy hiểm cho khái niệm thương mại tự do và thiên vị các công ty Trung Quốc.

Vương Quân, Vision Times

Xem thêm: