Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hôm thứ Bảy (27/11) đã hứa sẽ thúc đẩy Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản nhằm đương đầu với những mối đe dọa an ninh do Trung Quốc và Bắc Hàn đặt ra. Ông Kishida nhắc lại lời hứa sẽ cân nhắc “mọi lựa chọn”, gồm cả phát triển khả năng tấn công vào căn cứ quân sự của kẻ thù.

Embed from Getty Images

Hôm 27/11, ông Kishida lần đầu chủ trì một cuộc họp của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản với tư cách Tổng tư lệnh, sau khi ông vừa đắc cử Thủ tướng hồi tháng Mười. Buổi họp này có sự tham dự của khoảng 800 binh lính và sĩ quan, diễn ra tại Camp Asaka, căn cứ lục quân lớn nằm ở phía Bắc thủ đô Tokyo.

Phát biểu với đông đảo quân nhân, ông Kishida cho hay: “Tôi sẽ cân nhắc tất cả các lựa chọn, gồm cả việc sở hữu khả năng tấn công căn cứ kẻ thù, để theo đuổi củng cố sức mạnh phòng thủ cần thiết”.

Chủ đề sở hữu khả năng tấn công căn cứ kẻ thù mà Thủ tướng Kishida đề cập đã đang là vấn đề gây tranh cãi từ lâu tại Nhật Bản. Những người phản đối ý tưởng này tuyên bố rằng nó vi phạm Hiến pháp hiện hành của Nhật vốn tuyên bố rõ đất nước này không dính líu và các cuộc chiến tranh bên ngoài nước Nhật.

Ông Kishida cho biết ông để ngõ việc tăng gấp đôi chi tiêu và khả năng quân sự. Nhưng tân Thủ tướng Nhật cũng nói thêm rằng chính phủ do ông lãnh đạo sẽ dẫn dắt các cuộc thảo luận “ôn hòa và thực tế” nhằm xác định những hành động cần thiết để bảo vệ đời sống của người dân và giành được sự đồng thuận của họ.

Chính phủ Nhật hôm 26/11 đã chuẩn thuận yêu cầu về gói chi tiêu quốc phòng bổ sung trị giá 770 tỷ yen (6,8 tỷ USD). Đây là mức phân bổ lớn nhất từ trước tới nay cho chi tiêu quốc phòng. Yêu cầu này được chính phủ của Thủ tướng Kishida chấp thuận khi quân đội Nhật đang tìm cách xúc tiến nhanh các dự án phòng thủ tên lửa nhằm ứng phó với các mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc, Nga và Bắc Hàn.

Gói chi tiêu quốc phòng bổ sung nêu trên còn cần phải được Quốc hội Nhật phê chuẩn. Nếu được chính thức thông qua, gói bổ sung này sẽ làm tăng ngân sách quốc phòng năm 2021 của Nhật Bản lên 6,1 nghìn tỷ yen (53,2 tỷ USD), mức cao kỷ lục mới, tăng 15% so với gói chi tiêu quốc phòng 5,31 nghìn tỷ yen năm 2020.

Tuy nhiên, gói ngân sách bổ sung đề xuất nêu trên cho năm 2021 sẽ vẫn chỉ chiếm hơn 1% GDP của Nhật Bản, nằm trong giới hạn trần thông lệ của nước này.

Gói chi tiêu quốc phòng bổ sung bao gồm 100 tỷ yen (870 triệu USD) sử dụng vào thúc đẩy phòng thủ tên lửa và phòng không tích hợp, đặc biệt là trang bị thêm các tên lửa đánh chặn đất đối không cơ động PAC-3 và các thiết bị liên quan, cũng như các tên lửa hành trình.

Hơn 800 tỷ yen (7 tỷ USD) sẽ chi vào việc tăng tốc mua các máy bay trinh sát và các thiết bị liên quan để tăng cường khả năng giám sát xung quanh vùng biển và vùng trời Nhật Bản. Trang thiết bị sẽ bổ sung gồm ba máy bay P-1, thiết bị cho các máy bay P-3 và các hệ thống phóng thẳng đứng lắp vào hai tàu khu trục.

Gói ngân sách quốc phòng bổ sung nêu trên cũng nhằm mục đích giảm bớt gánh nặng lên các nhà cung cấp thiết bị và linh kiện quốc phòng Nhật Bản. Các công ty này đang phải vật lộn để duy trì ngành công nghiệp quốc phòng đang trên đà suy thoái.

Như Ngọc (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: