Ông Imran Khan đã bị bãi nhiệm chức thủ tướng Pakistan ngày 10/4 sau khi thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội. Trước đó, ông bị các đối tác liên minh bỏ rơi, bị đổ lỗi khiến nền kinh tế sụp đổ và không thực hiện được những lời cam kết trong chiến dịch tranh cử của mình.

Embed from Getty Images

Kết quả của cuộc bỏ phiếu sau một phiên họp kéo dài 13 giờ bao gồm nhiều lần trì hoãn, đã được công bố ngay vào lúc 01h00 sáng Chủ nhật theo giờ địa phương bởi quyền chủ tịch hạ viện Ayaz Sadiq.

Theo đó, ông Khan, 69 tuổi, đã bị phế truất sau 3 năm rưỡi tại vị với tư cách là nhà lãnh đạo của một đất nước có tới 220 triệu dân, cũng là nơi quân đội đã cầm quyền trong gần một nửa lịch sử 75 năm kể từ khi giành độc lập.

Ông Khan đã nỗ lực bằng mọi cách để duy trì quyền lực, bao gồm giải tán quốc hội và kêu gọi tổ chức cuộc bầu cử mới, nhưng Tòa án Tối cao tuần trước xem tất cả hành động của ông là bất hợp pháp, lệnh cho quốc hội triệu tập lại và bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Cuộc bỏ phiếu này đã diễn ra sau nhiều lần hoãn lại bởi sự phản đối từ một số thành viên đảng của ông Khan. Những người này tuyên bố có một âm mưu nhằm lật đổ chính trị gia từng là ngôi sao cricket nổi tiếng này.

Ông Sadiq cho hay,  174 trong 342 nghị sĩ Hạ viện đã bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Imran Khan, “Do đó, đề nghị phế truất Thủ tướng Imran Khan đã được thông qua.”

Quốc hội Pakistan sẽ bỏ phiếu bầu thủ tướng mới vào ngày 11/4. Người đứng đầu Đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan Shehbaz Sharif (70 tuổi) đang là ứng viên sáng giá cho chức vụ thủ tướng. Ông Sharif là em trai của ông Nawaz Sharif, người từng 3 lần giữ cương vị thủ tướng Pakistan.

Ông Sharif nhìn nhận việc ông Khan bị bãi nhiệm là cơ hội cho một khởi đầu mới. “Một bình minh mới đã bắt đầu… Liên minh này sẽ xây dựng lại Pakistan,” ông nhấn mạnh tại Quốc hội Pakistan. “Chúng tôi sẽ xoa dịu vết thương của đất nước này.”

Các cuộc bầu cử chính thức dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 8 năm 2023. Tuy nhiên, phe đối lập cho biết họ muốn bầu cử sớm. Việc nắm quyền sẽ cho họ cơ hội để thiết lập chương trình nghị sự riêng và chấm dứt loạt cuộc điều tra mà họ cho rằng ông Khan đã đưa ra để chống lại họ.

Ông Khan lên nắm quyền vào năm 2018 với sự hỗ trợ của quân đội, nhưng gần đây đã mất đa số sự ủng hộ trong quốc hội khi các đồng minh từ bỏ chính phủ liên minh của ông.

Các đảng đối lập cũng chỉ trích ông Khan đã thất bại trong việc vực dậy nền kinh tế bị tàn phá bởi COVID-19, cũng như thất bại trong việc thực hiện lời hứa đưa Pakistan trở thành một quốc gia thịnh vượng, không tham nhũng và được tôn trọng trên trường thế giới.

Biến động chính trị tại Pakistan có ý nghĩa thế nào với thế giới?

Pakistan, một quốc gia hơn 220 triệu dân này có tầm chiến lược quan trọng khi tiếp giáp với Afghanistan ở phía Tây, chung biên giới với Trung Quốc tại Đông Bắc và nằm cạnh Ấn Độ ở phía Đông.

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2018, ông Khan ngày càng có xu thế chống Mỹ hơn và xích lại gần Trung Quốc, gần đây còn có Nga. Ngoài ra, các chuyên gia chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ và châu Á lưu ý, quân đội hùng mạnh của Pakistan có truyền thống kiểm soát chính sách đối ngoại và quốc phòng, nhưng lời lẽ công khai đầy sắc bén của ông Khan đã tác động đến một số mối quan hệ trọng yếu.

Vậy biến động chính trị tại Pakistan sẽ có ý nghĩa thế nào đối với các quốc gia khác trên thế giới?

Afghanistan

Mối quan hệ giữa cơ quan tình báo quân sự của Pakistan và phiến quân Hồi giáo Taliban đã nới lỏng trong những năm gần đây.

Hiện Taliban đã trở lại nắm quyền ở Afghanistan và đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo do thiếu tiền và bị cô lập trên trường quốc tế. Qatar được cho là đối tác nước ngoài quan trọng nhất của họ.

Căng thẳng gia tăng giữa Taliban và quân đội Pakistan, lực lượng đã mất một số binh sĩ trong các cuộc tấn công gần biên giới của họ. Pakistan muốn Taliban làm nhiều hơn nữa để trấn áp các nhóm cực đoan và lo ngại họ sẽ gieo rắc bạo lực vào Pakistan. Trên thực tế, điều đó đã bắt đầu diễn ra.

Trung Quốc

Ông Khan luôn nhấn mạnh về vai trò tích cực của Trung Quốc tại Pakistan và trên thế giới. Tuy nhiên, hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) trị giá 60 tỷ USD thực chất được lên khái niệm và triển khai bởi hai đảng chính tại Pakistan, vốn đều muốn ông Khan rời bỏ quyền lực và thiết lập chính quyền mới.

Ông Sharif, ứng cử viên sáng giá cho vị trí tân thủ tướng, đã ký các thỏa thuận trực tiếp với Trung Quốc với tư cách là lãnh đạo tỉnh Punjab, miền Đông nước này. Và danh tiếng của ông trong việc thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng lớn trong khi tránh những nổi cộm về chính trị trên thực tế có thể tác động đến Bắc Kinh.

Ấn Độ

Hai quốc gia láng giềng được trang bị vũ khí hạt nhân đã có 3 lần bùng phát tranh chấp kể từ khi giành độc lập vào năm 1947, hai trong số đó là trên lãnh thổ tranh chấp với đa số người Hồi giáo là Kashmir.

Đối với Afghanistan, quân đội Pakistan kiểm soát chính sách ở khu vực nhạy cảm và căng thẳng dọc theo biên giới trên thực tế ở đó đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2021, nhờ lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, chưa hề có đối thoại ngoại giao chính thức giữa hai nước láng giềng trong nhiều năm qua bởi còn tồn tại ngờ vực liên quan đến nhiều vấn đề, trong đó có việc ông Khan chỉ trích Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vì việc ông xử lý các cuộc tấn công vào người Hồi giáo thiểu số ở Ấn Độ.

Nhà bình luận chính trị người Ấn Độ Karan Thapar cho rằng quân đội Pakistan có thể tạo áp lực lên chính phủ mới tại Islamabad để đi đến ngừng bắn thành công ở Kashmir.

Gần đây, ngày 2/4, Tướng quân đội Pakistan Qamar Javed Bajwa cho biết nước này sẵn sàng tiến về phía trước với vấn đề Kashmir nếu Ấn Độ đồng ý.

Hoa Kỳ

Nhiều chuyên gia cho rằng, cuộc khủng hoảng chính trị ở Pakistan khó có thể là ưu tiên của Tổng thống Joe Biden vào thời điểm này, khi ông còn đang phải chú ý đến cuộc chiến ở Ukraine, trừ khi biến động chính trị Pakistan dẫn đến bất ổn hàng loạt hoặc gia tăng căng thẳng với Ấn Độ.

Theo họ, với việc quân đội Pakistan vẫn kiểm soát từ phía sau đối với các chính sách an ninh và đối ngoại, thì việc thay đổi chính phủ không phải lo ngại chính.

Bà Lisa Curtis, người giữ cương vị Giám đốc cấp cao của Hội đồng An ninh Quốc gia về Nam Á dưới thời Tổng thống Donald Trump lập luận, các vấn đề mà Hoa Kỳ thực sự quan tâm là Afghanistan, Ấn Độ và vũ khí hạt nhân, do đó các diễn biến chính trị nội bộ của Pakistan phần lớn không liên quan đến Hoa Kỳ.

Bà bổ sung rằng chuyến thăm của ông Khan đến Moskva được coi là “thảm họa” trong quan hệ với Hoa Kỳ. Do vậy, theo bà, chính phủ mới tại Islamabad ít nhất nên giúp “hàn gắn quan hệ ở một mức độ nào đó”.

Ông Khan đã đổ lỗi cho Hoa Kỳ về cuộc khủng hoảng chính trị hiện tại, nói rằng Washington muốn ông bị loại bỏ vì chuyến đi Moscow gần đây. Washington vẫn luôn phủ nhận điều này.

Minh Ngọc (Theo Reuters)