Một thượng nghị sĩ Nga đề xuất, Nga nên tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ ở châu Âu để đáp trả việc chính quyền Biden quyết định cung cấp các hệ thống rocket cho Ukraine.

Frants Klintsevich
Thượng nghị sĩ Frants Klintsevich (Ảnh chụp màn hình video)

Phát biểu với đài truyền hình nhà nước Nga, Thượng nghị sĩ (TNS) Frants Klintsevich kêu gọi, Nga nên “phá hủy” các căn cứ của Hoa Kỳ bằng cách sử dụng “vũ khí tầm xa chính xác cao” của nước này, sau khi Hoa Kỳ tuyên bố sẽ gửi Hệ thống rocket pháo binh cơ động cao (HIMARS) M142 cho Ukraine.

Hôm thứ Năm (2/6), nhà báo Francis Scarr của chương trình BBC Monitor, người chuyên theo dõi đài truyền hình nhà nước Nga, đã chia sẻ đoạn clip bài phát biểu của TNS Klintsevich. Phát biểu của thượng nghị sĩ Nga được đưa ra trước thứ Sáu (3/6), ngày thứ 100 của cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

TNS Klintsevich là một thành viên trong một hội đồng của Nga đang thảo luận về việc chính quyền Biden quyết định gửi hệ thống HIMARS cho Ukraine. Ông chỉ trích, việc Ukraine tuyên bố sẽ chỉ sử dụng hệ thống rocket của Mỹ trong việc phòng thủ là “hoàn toàn vô nghĩa”.

Ông lưu ý: “Không thể nói chuyện với người Mỹ và người Ukraine trong tình huống này.”

Thượng nghị sĩ Nga nhấn mạnh, Nga đang nói chuyện với phương Tây “với một thái độ khoan dung”“đưa ra các tín hiệu khi chúng tôi nói rằng không thể vượt qua ranh giới đó”.

TNS Klintsevich cảnh báo: “Nhưng thật đáng tiếc, họ xem sự khoan dung và chính trực của chúng tôi là sự nhu nhược. Và bây giờ, những nơi mà các chuyến hàng vũ khí đang đến, đặc biệt là những nơi ở châu Âu, đang được đưa vào tầm ngắm của vũ khí tầm xa chính xác cao của Nga, đã đến lúc chúng tôi phải thực hiện các bước để cảnh báo họ.”

TNS Klintsevich tiết lộ, Nga đã bắn rơi máy bay Mỹ trong cuộc chiến Triều Tiên vào đầu những năm 1950. Có khả năng ông đang đề cập đến các phi công Liên Xô, những người đã lái những chiếc máy bay mang dấu hiệu của Trung Quốc và Triều Tiên trong cuộc xung đột giữa hai miền Nam Bắc Triều Tiên. Hoa Kỳ và Liên Xô cũ đã không chính thức chiến tranh vào thời điểm đó.

Thượng nghị sĩ Nga tuyên bố, khi Liên Xô bắn rơi các máy bay Mỹ, “thế giới đã không kết thúc”.

Ông tiếp tục: “Hiện giờ, đã đến lúc phá hủy các căn cứ của Mỹ, những căn cứ ở châu Âu.”

Tuy nhiên, ông than thở: “Thật đáng tiếc, đó chỉ là ý kiến cá nhân của tôi.” Dù vậy, ông vẫn khuyến cáo, Nga nên làm như vậy “nếu chúng tôi không được lắng nghe, nếu điều đó đe dọa người dân chúng tôi trên lãnh thổ chúng tôi”.

Hoa Kỳ có khá nhiều căn cứ ở châu Âu. Tính đến năm 2021, chỉ tính riêng ở Đức, Hoa Kỳ đã có 119 căn cứ, trong đó lớn nhất là căn cứ Không quân Ramstein với diện tích 3.000 mẫu Anh.

Các quốc gia ở châu Âu, nơi Hoa Kỳ đặt các căn cứ quân sự, đều là thành viên của liên minh quân sự NATO. Nếu các quốc gia này bị Nga tấn công, hành động như vậy sẽ kích hoạt điều khoản phòng vệ lẫn nhau của NATO. Trong trường hợp này, tất cả thành viên NATO có thể coi cuộc tấn công là một hành động chiến tranh.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố, Hoa Kỳ sẽ không cung cấp cho Ukraine Hệ thống phóng đa rocket (MLRS) M280, vốn có khả năng tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga. Tuy nhiên sau đó, chính quyền Biden cho biết, Hoa Kỳ sẽ cung cấp cho Ukraine hệ thống HIMARS M142 và Ukraine đã cam kết sẽ không sử dụng hệ thống này để phát động các cuộc tấn công vào bên trong lãnh thổ Nga.

Gia Huy (Theo Newsweek)