Thượng viện Mỹ hôm thứ Năm (7/4) đã bỏ phiếu chuẩn thuận Thẩm phán Ketanji Brown Jackson vào Tối cao Pháp viện.

Embed from Getty Images

Theo The Epoch Times, Thượng viện đã xác nhận đề cử viên Ketanji Brown Jackson vào Tối cao Pháp viện với 53 phiếu thuận, 47 phiếu chống. Toàn bộ 50 thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ cùng 3 thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa bỏ phiếu thuận. Ba thượng nghị sĩ của Đảng Cộng hòa đứng về phe đảng đối lập gồm các thượng nghị sĩ: Mitt Romney (bang Utah), Lisa Murkowski (bang Alaska) và Susan Collins (bang Maine).

Như vậy, bà Ketanji Brown Jackson đã trở thành phụ nữ da màu đầu tiên được xác nhận vào tòa án cao nhất nước Mỹ. Bà sẽ gia nhập Tối cao Pháp viện thay vị trí của Thẩm phán Stephen Breyer khi ông này nghỉ hưu vào cuối kỳ làm việc hiện tại.

Trong nhiều giờ hướng đến phiên bỏ phiếu cuối cùng, các thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ đã nhấn mạnh đến năng lực của bà Jackson và khẳng định việc xác nhận bà vào Tối cao Pháp viện sẽ là “thành tựu chói sáng cho nước Mỹ”.

Phát biểu trước khi bỏ phiếu, Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer cho hay: “Tổng thống [Biden] đã chuyển cho chúng ta một đề cử viên ấn tượng. Chiều nay, Thượng viện sẽ hoàn thành nghĩa vụ hiến định để xác nhận vị thẩm phán xuất sắc và đột phá này”.

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Chuck Grassley (Đảng Cộng hòa, bang Iowa) giải thích rằng ông và các đồng nghiệp khác phán đối chuẩn thuận bà Jackson vào Tối cao Pháp viện vì bà không có triết lý tư pháp rõ ràng.

Những đề cử viên vào nhánh tư pháp, thì triết lý của họ, cách họ quyết định các vụ án, phải được xem xét trước tiên”, ông Grassley nói.

Một phần của triết lý tư pháp là có hiểu biết về các nguyên tắc cơ bản của hiến pháp nước ta. Những quyền tự nhiên là một phần của hệ thống đó. Thẩm phán Jackson đã giải thích với chúng ta rằng bà không ‘có lập trường về việc liệu các cá nhân có các quyền tự nhiên hay không’. Trả lời thế là rất sốc. Các quyền tự nhiên là cơ bản của hệ thống hiến pháp chúng ta và các nguyên tắc về chính phủ giới hạn”, ông Grassley nói.

Nguyên tắc về chính phủ giới hạn là điều làm nước Mỹ trở thành một quốc gia biệt lệ và làm nổi bật Hiến pháp của chúng ta. Các thẩm phán phải có hiểu biết đúng đắn về những nguyên tắc cơ bản này. Cách mà Thẩm phán Jackson trả lời những câu hỏi này… cho thấy rằng bà ta thiếu hiểu biết về những nền tảng rất cần thiết này”, ông Grassley bày tỏ.

Xuân Thành