Hôm thứ Năm (19/3), lãnh đạo Phe Đa số Thượng viện Mitch McConnell giới thiệu dự luật đối phó khẩn cấp trị giá 1 nghìn tỷ USD cứu nguy nền kinh tế Mỹ trước tác động thảm họa của đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19). Trong khi đó, các nghị sĩ 2 đảng sẽ gặp nhau vào thứ Sáu để thảo luận về việc xúc tiến dự luật.

Embed from Getty Images

Lãnh đạo Phe Đa số Thượng viện Mitch McConnell

Gói kích thích kinh tế 1 nghìn tỷ đô, gói cứu trợ thứ ba và lớn nhất của Quốc hội Mỹ nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch virus corona, sẽ bao gồm các khoản tiền mặt gửi thẳng cho người dân, các trợ cấp cho doanh nghiệp nhỏ, người lao động và công cụ để ổn định nền kinh tế cũng như hỗ trợ bổ sung cho các nhân viên y tế và bệnh nhân nhiễm virus, ông McConnell nói.

Chúng tôi sẵn sàng hành động ngay khi có được thỏa thuận với các đồng nghiệp ở hàng ghế bên kia [Đảng Dân chủ]. Thượng viện sẽ không đi đâu cho đến khi chúng ta có hành động”, ông nói thêm.

Ông cũng cho biết Tòa Bạch Ốc tích cực tham gia vào công tác hoàn thành dự luật, trong đó có Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và cố vấn kinh tế Larry Kudlow.

Reuters dẫn nguồn một tài liệu từ chính phủ cho hay tổng thống Donald Trump là người đề xuất gói cứu trợ và kích thích kinh tế 1 nghìn tỷ đô này. Trong đó, ông Trump muốn “chi mạnh” 500 tỷ USD tiền mặt để phát cho các hộ gia đình, 500 tỷ còn lại để hỗ trợ các ngành kinh tế bị ảnh hưởng. Ông Trump cũng “tuyên chiến với virus Trung Quốc” khi kích hoạt một đạo luật trong chiến tranh để tập trung sản xuất trang thiết bị y tế phục vụ chống dịch, đồng thời gọi mình là “tổng thống thời chiến”.

Lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer cũng cho hay Đảng Dân chủ cũng sẵn sàng làm việc.

“Chúng tôi mong chờ được làm việc với họ để tạo ra một sản phẩm thuộc cả 2 đảng”, ông nói.

Đây là gói cứu trợ thứ 3 nhằm đối phó với đại dịch được Quốc hội Mỹ bàn thảo, trong bối cảnh hơn 150 người Mỹ đã chết vì nhiễm virus Vũ Hán. Nền kinh tế Mỹ cũng cảm nhận được những cú sốc thực sự của dịch bệnh khi thị trường chứng khoán lao thẳng đứng, trường học đóng cửa, hoạt động kinh doanh bị đình trệ, một số thành phố bị phong tỏa và hàng triệu người có nguy cơ đột ngột mất việc làm.

Thông báo của Ủy ban Tài chính Thượng viện cho biết trọng tâm trong đề xuất của ông McConnell là khoản tiền mặt 1.200 USD cho mỗi cá nhân hoặc 2.400 USD cho mỗi cặp vợ chồng có mức thu nhập dưới một ngưỡng nào đó, cộng thêm 500 USD cho mỗi trẻ em trong gia đình.

Mỗi cá nhân có thu nhập từ 75.000 USD/năm, hay một cặp vợ chồng thu nhập từ 150.000 USD/ năm trở xuống sẽ được nhận khoản trợ cấp tiền mặt tối đa. Trên ngưỡng thu nhập này thì số tiền sẽ giảm dần tới bằng 0 đối với những người có thu nhập 99.000 USD hay cặp vợ chồng có thu nhập tổng cộng 198.000 USD.

Theo thông báo, ngân sách cũng sẽ dự trụ 208 tỷ USD cho các tập đoàn lớn trong nền kinh tế, trong đó 58 tỷ USD cứu nguy ngành hàng không và 150 tỷ USD cho “các đối tượng phù hợp khác” dưới dạng cho vay hay bảo đảm tín dụng.

Các doanh nghiệp nhỏ – xương sống của nền kinh tế Mỹ – được ưu tiên trợ cấp 299,4 tỷ USD dưới dạng cho vay hoặc trợ cấp nhà nước.

Ngoài ra, dự luật này cũng sẽ cho phép người nộp thuế Mỹ có thêm thời gian để nộp bản khai thuế với Sở Thuế Vụ (IRS), hạn chót thông thường 15/4 sẽ được lùi lại thành ngày 15/7.

Trong dự luật cũng có điều khoản về y tế, theo đó sẽ có ngân sách để tăng cường xét nghiệm virus, thuê thêm nhân lực ngành y tế và đẩy nhanh tốc độ phát triển vắc-xin và thuốc đặc hiệu. Thêm vào đó, sinh viên sẽ được cho phép giãn nợ học phí đại học.

Trong buổi họp báo hôm thứ Tư, Tổng thống Trump ủng hộ đề nghị việc tặng tiền mặt ít nhất 1.000 USD cho mỗi người Mỹ chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên không phải tất cả các nghị sĩ đều tán thành ý kiến này.

Cứ gửi thẳng chi phiếu tiền mặt cho tất cả những ai ở Mỹ có thu nhập tới 75.000 USD à? Tôi không thấy logic trong việc này”, Chủ tịch Ủy ban phân bổ Ngân sách Richard Shelby nói trong khi dự luật được công bố.

Trần Minh

Xem thêm: