Hôm 14/7, Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua luật cấm nhập khẩu tất cả các sản phẩm từ khu vực Tân Cương của Trung Quốc. Đây là nỗ lực mới nhất của Washington để trừng phạt Bắc Kinh vì hành vi diệt chủng đang diễn ra đối với người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm Hồi giáo khác.

Embed from Getty Images

Đạo luật Phòng chống Lao động Cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ sẽ tạo ra một giả định rằng hàng hóa được sản xuất ở Tân Cương được làm bằng lao động cưỡng bức và do đó bị cấm theo Đạo luật Thuế quan năm 1930, trừ khi có chứng nhận khác của cơ quan chức năng Hoa Kỳ.

Được sự đồng thuận nhất trí, biện pháp mới này của lưỡng đảng sẽ chuyển trách nhiệm chứng minh cho các nhà nhập khẩu. Quy tắc hiện hành cấm hàng hóa nếu có bằng chứng hợp lý về việc cưỡng bức lao động.

Dự luật sẽ phải thông qua tại Hạ viện trước khi được gửi đến Nhà Trắng để Tổng thống Joe Biden ký thành luật. 

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Marco Rubio, người giới thiệu dự luật cùng với đồng nghiệp đảng Dân chủ Jeff Merkley, đã kêu gọi Hạ viện hành động nhanh chóng.

“Chúng tôi sẽ không nhắm mắt làm ngơ trước những tội ác liên tục chống lại nhân loại của ĐCSTQ và chúng tôi sẽ không cho phép các công ty được phép tự do kiếm lợi từ những vụ lạm dụng khủng khiếp đó”, ông Rubio tuyên bố.

Còn ông Merkley nói: “Không một công ty Mỹ nào nên được hưởng lợi từ những vụ lạm dụng này. Không một người tiêu dùng Mỹ nào nên vô tình mua các sản phẩm từ lao động nô lệ này”.

Các đảng viên Dân chủ và Cộng hòa cho biết họ kỳ vọng biện pháp này sẽ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ tại Hạ viện, lưu ý rằng Hạ viện đã thông qua một biện pháp tương tự vào năm ngoái.

Hiện Hoa Kỳ đã có các lệnh cấm nhập khẩu đối với cà chua Tân Cương, bông và một số sản phẩm tấm pin năng lượng mặt trời.

Hôm thứ Ba, chính quyền Biden đã đưa ra một khuyến cáo cảnh báo các doanh nghiệp rằng họ có thể vi phạm luật pháp Hoa Kỳ nếu các hoạt động được liên kết gián tiếp với mạng lưới giám sát ở Tân Cương.

Các nhóm nhân quyền đã cáo buộc chính quyền Tân Cương tạo điều kiện cho lao động cưỡng bức bằng cách giam giữ khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số chủ yếu theo đạo Hồi khác kể từ năm 2016.

Xuân Lan

Xem thêm: