Thượng viện Mỹ hôm thứ Tư (11/9) đã thông qua dự luật lên án Trung Quốc phạm tội ác lạm dụng nhân quyền với người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakh và các nhóm sắc tộc thiểu số Hồi giáo khác tại Tân Cương. Dự luật này sẽ chờ Hạ viện thông qua và chuyển tới Tổng thống Donald Trump ký thành luật chính thức.

người Duy Ngô Nhĩ, người Duy Ngô Nhĩ lưu vong
Người Duy Ngô Nhĩ, Tân Cương phải sống dưới sự giám sát chặt chẽ của ĐCSTQ. (Ảnh: ShutterStock)

Dự luật được Thượng viện Mỹ bỏ phiếu thông qua hôm 11/9 có tên chính thức là “Đạo luật Chính sách Nhân Quyền Duy Ngô Nhĩ 2019”. Đạo luật này yêu cầu chính phủ Mỹ tích cực gây áp lực lên Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế đa phương khác phải hành động phản đối Trung Quốc lạm dụng nhân quyền và kêu gọi Bộ Thương mại Mỹ xem xét chấm dứt thương mại của Mỹ với các quan chức chính quyền Tân Cương, tỉnh miền cực tây Trung Quốc. Luật này cũng sẽ khuyến khích áp dụng các chế tài theo Đạo luật Magnitsky Toàn cầu lên các cá nhân chịu trách nhiệm thành lập và duy trì các trại tập trung ở Tân Cương.

Các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ năm nay ước tính rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đang bỏ tù và bắt làm nô lệ khoảng 3 triệu người Hồi giáo tại Tân Cương, phần lớn thuộc cộng đồng thiểu số Duy Ngô Nhĩ. Những nhân chứng trốn thoát khỏi các trại tập trung Tân Cương nói rằng họ đã thấy bằng chứng về lao động cưỡng bức, tra tấn và thu hoạch nội tạng.

Dự luật chính sách nhân quyền Duy Ngô Nhĩ 2019 này là sản phẩm của một sự đồng thuận lưỡng đảng ngày càng tăng tại Quốc Hội Mỹ về vấn đề phản đối Trung Quốc lạm dung nhân quyền. Dự luật được Thượng viện thông qua hôm 11/9 do Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio và Thượng nghị sĩ Dân chủ Robert Menedez đồng bảo trợ. Đây là hai thượng nghị sĩ có tiếng nói chỉ trích mạnh mẽ nhất tội ác chống lại chính nhân dân mình của ĐCSTQ. Dân biểu Cộng hòa Chris Smith và Dân biểu Dân chủ Totm Suozzi cũng đã giới thiệu phiên bản dự luật tương tự ra Hạ viện và đã nhận được sự ủng hộ mãnh mẽ của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi.

Phát biểu trong một sự kiện hồi tháng Sáu, bà Pelosi nói: “Điều họ đang làm với người Duy Ngô Nhĩ – bỏ tù hàng triệu người vì đức tin của họ là nằm ngoài vòng hành xử của nhân loại văn minh.

Nội dung của bản dự luật vừa được Thượng viện thông qua “lên án những vi phạm nhân quyền thô bạo đối với người Hồi giáo Turkic (Thổ Nhĩ Kỳ) tại Tân Cương” và kêu gọi “chấm dứt bắt giữ tùy tiện, tra tấn và quấy rối đối với những cộng đồng này cả bên trong và bên ngoài Trung Quốc”.

Dự luật cũng khuyến nghị: “Bộ Thương mại [Mỹ] nên đánh giá lại và xem xét cấm kinh doanh hoặc cung cấp bất kỳ hàng hóa và dịch vụ của Mỹ cho bất cứ nhân viên nhà nước nào tại Tân Cương, và thêm chi nhánh ĐCSTQ Tân Cương, Cục Công An Tân Cương và Văn phòng Tân Cương của Bộ Công tác Mặt trận Thống nhất, hoặc bất kỳ tổ chức nào hoạt động nhân danh các cơ quan nêu trên để tạo điều kiện cho giam giữ hàng loạt hoặc ép lao động cưỡng bức người Hồi giáo Turkic, vào ‘Danh sách Tổ chức [Đen]’ do Bộ Thương mại [Mỹ] quản lý.

Người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakh, Kyrgyz và các sắc tộc Trung Á khác phần lớn được coi là người Thổ Nhĩ Kỳ, dù vậy tuyên truyền của nhà nước Trung Quốc đã cố tình xếp những dân tộc này là hậu duệ của người Hán. Chế độ Bắc Kinh tuyên truyền như vậy là nhằm đáp trả áp lực từ chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt lạm dụng nhân quyền đối với người Thổ tại Tân Cương.

Dự luật cũng yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ ban hành bản đánh giá hàng năm về quy mô và điều kiện của các trại tập trung Tân Cương nhằm giúp các quan chức quyết định mức độ nghiêm trọng của việc thi hành chế tài hoặc lên án Bắc Kinh.

Thượng nghị sĩ Rubio đã gọi việc thông qua dự luật chính sách nhân quyền Duy Ngô Nhĩ tại Thượng viện hôm thứ Tư là “quá hạn lâu”.

Mỹ đã mất quá lâu để buộc chính quyền Trung Quốc và các quan chức ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, có hệ thống và các tội ác chống lại nhân loại có thể xảy ra tại Tân Cương, trong đó có việc giam giữ hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác trong các trại ‘cải tạo chính trị’. Tôi thúc giục Hạ viện [Mỹ] nhanh chóng thông qua dự luật này và gửi nó tới bàn của Tổng thống [Trump],” ông Rubio nói.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm thứ Năm (12/9) đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ việc Thượng viện Mỹ thông qua Đạo luật Chính sách Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ.

Hoàn toàn không quan tâm đến sự thật, dự luật này đã bôi nhọ và chỉ trích tình hình nhân quyền tại Tân Cương và các chính sách Tân Cương của chính phủ Trung Quốc. Sự can thiệp trắng trợn như vậy vào công việc nội bộ của Trung Quốc sẽ chỉ làm cho người dân Trung Quốc thêm phẫn nộ,” bà Hoa nói. “Chúng tôi kêu gọi phía Mỹ hãy tôn trọng sự thật, hãy lý trí trở lại, loại bỏ tư duy Chiến tranh Lạnh, chấm dứt lấy các vấn đề liên quan tới Tân Cương làm cái cớ để can thiệp vào các công việc nội bộ của Trung Quốc, và dừng ngay việc thúc đẩy dự luật này trở thành luật để ngăn chặn tổn hại cho mối quan hệ tổng thể giữa Trung Quốc và Mỹ”.

Trái với thái độ giận dữ của ĐCSTQ, Quốc hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới – một nhóm vận động quốc tế hoạt động để cứu người Duy Ngô Nhĩ khỏi sự áp bức của chế độ Trung Quốc, đã lên tiếng hoan nghênh dự luật vừa được Thượng viện Mỹ thông qua.

Nhóm này đăng tweet: “Quốc hội Duy Ngô Nhĩ hoan nghênh việc thông qua Đạo luật Chính sách Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ, được giới thiệu bởi Thượng nghị sĩ Marco Rubio và Thượng nghị sĩ Menendez”.

Chế độ Trung Quốc lâu nay đã nỗ lực gắn nhãn Quốc hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới là một nhóm khủng bố và yêu cầu Interpol truy tố lãnh đạo Dolkun Isa của tổ chức nhân quyền này. Một vài tháng sau khi Interpol từ chối yêu cầu của Trung Quốc vì lý do thiếu bằng chứng, Chủ tịch Interpol Mạnh Hồng Vĩ đã biến mất bí ẩn tại Trung Quốc. Sau đó một thời gian, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin ông Mạnh Hồng Vĩ đã bị bắt giam vì tội “tham nhũng” mơ hồ.

Xuân Thành (Theo Breitbart News)

Xem thêm: