Thụy Sĩ đã triệu tập đại sứ Trung Quốc để bày tỏ quan ngại về tình hình nhân quyền ở khu vực Tân Cương, Bộ Ngoại giao ở Bern cho biết hôm thứ Năm (8/9).

“Thụy Sĩ tin rằng cách tốt nhất để bảo vệ lợi ích của mình và tôn trọng các quyền cơ bản là tiến hành một cuộc đối thoại quan trọng và mang tính xây dựng với Bắc Kinh”, Bộ này cho biết.

Bộ trích dẫn một báo cáo tuần trước của ủy viên nhân quyền Liên Hợp Quốc rằng “việc giam giữ tùy tiện và phân biệt đối xử” của Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo khác ở Tân Cương có thể cấu thành tội ác chống lại loài người.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc và mô tả báo cáo của Liên Hợp Quốc là “hoàn toàn bất hợp pháp và vô hiệu”. Thụy Sĩ từ lâu là một đất nước trung lập và đã từ chối việc áp dụng các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Trung Quốc vì hồ sơ nhân quyền của nước này. Thụy Sĩ đã thắt chặt ngoại giao với Bắc Kinh và cho biết họ theo đuổi “con đường đặc biệt” với đối tác thương mại lớn như Trung Quốc.

Tuy nhiên, khi công bố chiến lược mới về Trung Quốc vào năm ngoái, Bern đã công bố một số thay đổi chính sách cụ thể và nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ song phương, nhưng cũng cho biết không chấp nhận hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc.

Năm 1950, Thụy Sĩ là một trong những nước phương Tây đầu tiên công nhận Trung Quốc Cộng sản. Kể từ năm 2010, đối với Thụy Sĩ, Trung Quốc đã là đối tác thương mại lớn nhất ở châu Á và lớn thứ ba trên toàn cầu sau Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ.

Một hiệp định thương mại tự do song phương có hiệu lực vào tháng 7 năm 2014 và hai nước trong năm nay đã ra mắt một nền tảng chung về niêm yết và giao dịch chứng khoán.

Nhật Minh (theo Reuters)