Ngày 19/4 hàng năm trong mắt nhiều người là một ngày bình thường, nhưng đối với Hoàng Vạn Thanh, một tiến sĩ người Hoa ở Mỹ, thì đó là ngày mà ông không bao giờ quên. Ngày 19/4 năm nay đã 20 năm kể từ lần cuối ông nghe được giọng nói của em trai mình là Hoàng Hùng.

haong van Thanh
Tiến sĩ Hoàng Vạn Thanh ở Hoa Kỳ kêu gọi giải cứu em trai Hoàng Hùng. (Ảnh: Epoch Times)

Tuy nhiên, đến nay, ông Thanh vẫn chờ đợi tin tức về em trai mình.

“Nếu biết rằng cậu ấy thực sự đã ra đi, tôi sẽ cảm thấy nhẹ nhõm. Bởi vì cậu ấy sẽ không còn phải sống một cuộc sống đầy áp lực và nguy hiểm như vậy nữa. Tôi cũng sẽ không phải lo lắng cho cậu ấy nữa”, ông nói. Thế nhưng 20 năm qua, Hùng vẫn bặt vô âm tín, sống không thấy người, chết không thấy xác, khiến ông Thanh và cha mẹ ông luôn sống trong sự dằn vặt.

Một mặt, người nhà cảm thấy không còn hy vọng, bao nhiêu năm qua đều không có tin tức gì, nhất định Hoàng Hùng đã bị giết. Mặt khác, họ vẫn hy vọng kỳ tích sẽ xảy ra, em trai ông Thanh sẽ đột nhiên xuất hiện trước mặt họ.

Cuộc điện thoại cuối cùng từ 20 năm trước

Ngày 19/4/2003, ông Hoàng Vạn Thanh tốt nghiệp Đại học Idaho, Hoa Kỳ, với bằng tiến sĩ về luyện kim, và làm việc tại Atlanta. Khi đó, ông nhận được một cuộc điện thoại của em trai mình từ Trung Quốc. Hoàng Hùng nói với anh trai rằng cậu đang ở Thượng Hải và bị cảnh sát truy nã, vì đã phân phát 5.000 đĩa CD nói sự thật về Pháp Luân Công, và định chạy trốn ở Vân Nam.

Pháp Luân Công là một phương pháp tu luyện Phật gia do Đại sư Lý Hồng Chí truyền dạy, kể từ khi được phổ truyền vào năm 1992, môn này rất được người Trung Quốc đón nhận. Trong vòng 7 năm, số lượng học viên đã lên tới hàng trăm triệu người. Ngày 20/7/1999, Giang Trạch Dân, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khi đó, đã phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công.

Đối mặt với sự vu khống và áp lực quá lớn, các học viên Pháp Luân Công không biết kêu oan ở đâu, họ đã tự phát đi thỉnh nguyện, viết thư, phát tờ rơi, phát đĩa, phát băng ghi âm, v.v., cố gắng giải thích sự thật về Pháp Luân Công cho chính quyền và người dân Trung Quốc.

Hoàng Hùng là một trong những học viên Pháp Luân Công như vậy. Khi bắt đầu cuộc bức hại vào năm 1999, Hùng đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Sau đó bị cảnh sát bắt giữ tại quê hương Cát An, tỉnh Giang Tây, và bị đưa đến một trại lao động hơn 1 năm.

Sau khi được thả, ĐCSTQ buộc Hùng phải viết một bản báo cáo tư tưởng và từ bỏ Pháp Luân Công. Vì vậy Hùng đã bị buộc phải rời bỏ quê hương, lang thang phiêu bạt khắp nơi, như tới Tứ Xuyên và Quảng Châu.

Đi đến đâu, Hoàng Hùng cũng tự làm đĩa CD nõi rõ sự thật (chân tướng) và phân phát chúng. Cứ mỗi lần phân phát được khoảng 5.000 đĩa, Hùng lại bị công an truy lùng gắt gao. Khi đó, Hùng lại phải rời khỏi nơi đó, và chuyển đến nơi tiếp theo. Lần này Hùng bị cảnh sát Thượng Hải truy nã, và định đến Vân Nam ẩn mình.

“Anh ơi, đừng lo cho em, em sẽ gọi cho anh ngay khi đến Vân Nam,” Hoàng Hùng nói. Đây là những lời cuối cùng Hùng nói với anh trai mình.

Đặt điện thoại xuống, ông Thanh vẫn còn có chút lo lắng. Từ cuộc gọi trước, ông biết rằng em trai mình vốn đã rời Thượng Hải, nhưng lần này cậu ấy quay lại để lấy thiết bị chèn sóng. Cậu ấy sẽ tìm cơ hội chèn sóng truyền hình cáp của một thành phố nào đó, và phát đĩa DVD nói sự thật về Pháp Luân Công.

035f86ad82b40ec0e4ee5303d07183ad 600x338 1
Ông Hoàng Vạn Thanh tìm kiếm tung tích về Hoàng Hùng, người em trai đã mất tích ở Trung Quốc Đại Lục của ông. (Ảnh ghép Epoch Times)

Năm 2003, cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ đã lên đến đỉnh điểm. Tin tức về các học viên Pháp Luân Công bị tra tấn đến chết liên tiếp lan ra từ các trại lao động, nhà tù và trung tâm giam giữ trên khắp Trung Quốc.

Trong 2 năm đầu của cuộc đàn áp, do sự phổ biến của Pháp Luân Công, hiệu quả của cuộc bức hại không được như mong muốn của ĐCSTQ và Giang Trạch Dân. Vì vậy, họ đã dàn dựng một vụ tự thiêu giả ở quảng trường Thiên An Môn vào dịp năm mới 2001, nhằm đổ lỗi cho Pháp Luân Công và kích động lòng thù hận của người dân Trung Quốc.

Kể từ đó, các học viên Pháp Luân Công đã cố gắng hết sức làm sáng tỏ sự thật về vụ tự thiêu giả ở Quảng trường Thiên An Môn.

Ngày 5/3/2002, lần đầu tiên, các học viên Pháp Luân Công ở Trường Xuân sử dụng biện pháp chèn sóng, phát sóng sự thật về vụ tự thiêu ở quảng trường Thiên An Môn, và các bộ phim khác trên mạng truyền hình cáp của thành phố trong gần 50 phút.

Kể từ đó, các học viên Pháp Luân Công trên khắp Trung Quốc đều muốn sử dụng biện pháp này để nói rõ sự thật trên diện rộng. Hoàng Hùng nói với anh trai rằng anh cũng muốn làm như vậy.

Khi biết điều này, ông Thanh thậm chí còn lo lắng hơn. Sau khi chèn sóng ở Trường Xuân, Giang Trạch Dân đã hạ lệnh “giết không tha”, và bắt giữ hàng ngàn học viên Pháp Luân Công ở Trường Xuân. Có thể tưởng tượng được hành động của em trai ông lần này nguy hiểm đến mức nào.

Trước đó, Hùng Hoàng đã gửi nhiều đồ đạc của mình, gồm cả chứng minh thư và một bộ âu phục cho anh trai, phòng khi bị ĐCSTQ bắt, anh sẽ không xưng tên, để tránh bị trục xuất về quê và bị giam giữ.

“Cậu ấy đã chuẩn bị rất nhiều cho việc chèn sóng”, ông Vạn Thanh nhớ lại. “Cậu ấy chỉ rời đi với quyết tâm ‘tráng sĩ một đi không trở lại’”.

Sau cuộc điện thoại vào ngày 19/4, Vạn Thanh vẫn chờ tin tức của em trai mình, nhưng đều bặt vô âm tín. Ông liên lạc với người nhà, nhờ luật sư đi hỏi khắp các sở công an ở Thượng Hải, Giang Tây và Vân Nam nhưng không tìm được gì.

Vạn Thanh suy đoán rằng rất có thể em trai ông đã bị ĐCSTQ bắt cóc và giam giữ, ngoài ra không có lý do nào khác khiến cậu ấy mất tích. Ông biết em trai mình là người thế nào, cậu ấy rất trung thực và không hay sinh chuyện.

Cha mẹ ly hôn khi họ còn nhỏ, hai anh em chỉ có thể sống nương tựa vào nhau và cùng nhau lớn lên ở nhà bà ngoại. Em trai ông rất ít nói. Cậu ấy nói nhỏ đến mức người khác không nghe rõ, và luôn được yêu cầu phải nói to hơn.

20 năm tìm kiếm

Tháng 1/1996, từ một người bạn cùng lớp, Vạn Thanh nhận được cuốn Chuyển Pháp Luân“, cuốn sách chính chỉ đạo tu luyện của Pháp Luân Công. Cuốn sách lý giải nguyên lý “nguyên khí bất diệt” dưới góc độ khoa học, đã hé mở cho ông nhiều bí ẩn về cuộc đời. Ông liền ngộ ra: “Đây chính là Phật đang truyền Pháp”. Vạn Thanh đã giới thiệu Pháp Luân Công cho em trai mình.

Khi đó ông Vạn Thanh tự nhủ: “Tôi nghĩ đây là cơ hội ngàn năm có một. Những người sống với Phật trong cùng một đời đều là những người lưu danh thiên cổ. Đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni chính là như vậy”. Điều kỳ diệu hơn nữa là chứng mất ngủ của ông Thanh đã biến mất ngay sau khi tập các bài công pháp.

Trong kỳ nghỉ hè, ông Vạn Thanh về quê và nói với em trai mình về Pháp Luân Công. Cậu luôn nghe lời anh trai, và bước vào tu luyện mà không nói lời nào. Năm đó Hoàng Hùng 18 tuổi.

“Em trai tôi từ nhỏ đã là một cậu bé ngoan.” Vạn Thanh nói: “Một lần khi đang mua rau ngoài chợ, cậu ấy nhất quyết đòi bà tôi quay lại trả lại tiền, vì cảm thấy bà trả giá thấp quá, khiến mấy người bán rau phải chịu thiệt”.

Trong điện thoại, Hoàng Hùng không nói cho anh trai biết rằng anh đang dự định chèn sóng ở thành phố nào. Nhưng sau đó Vạn Thanh được biết các học viên Pháp Luân Công chèn sóng lần đó đều bị ĐCSTQ bắt giữ.

Năm 2004, Vạn Thanh ủy thác cho luật sư Quách Quốc Đinh tại Thượng Hải truy tìm tung tích của Hoàng Hùng từ Phòng An ninh Quốc gia thuộc Văn phòng Công an Quận Dương Phố.

Trưởng phòng họ Hồ của Văn phòng An ninh Nhà nước đã viện nhiều lý do khác nhau để tránh mặt luật sư Quách, sau đó luật sư cũng bị bức hại và phải rời khỏi Trung Quốc. Trưởng phòng Hồ từng nói với một phóng viên: “Tôi biết rất rõ về tình hình của Hoàng Hùng, nhưng tôi không thể nói bất cứ điều gì.”

Vào một ngày năm 2005, người nhà của Vạn Thanh đến Cục Công an, thì tình cờ phát hiện ra hộ khẩu của em trai mình đã bị Cục Công an gạch bỏ. Người này gặng hỏi chuyện gì đã xảy ra, lúc đầu công an ấp úng, cuối cùng họ nói “lỡ tay” rồi lấp liếm cho qua.

Sự việc này khiến ông Vạn Thanh cảm thấy rất có thể em trai mình đã bị sát hại, không còn sống nữa. Ở Trung Quốc Đại Lục, nơi ĐCSTQ đối xử với các học viên Pháp Luân Công như lang sói, điều gì sẽ xảy ra với một học viên như Hoàng Hùng, một người luôn bận rộn nói sự thật về Pháp Luân Công mỗi ngày?

Vạn Thanh nghĩ về những cuộc bức hại mà em trai mình đã trải qua trước đây, đó là những ngày đêm bị bắt, giam giữ, đánh đập trong nhiều năm. Nếu Cơ quan Công an gạch bỏ hộ khẩu của em trai, thì khả năng cao là cậu ấy đã bị bức hại đến chết.

Năm đó, Hoàng Vạn Thanh đã tìm đến Nghị sĩ John Linder và Thượng nghị sĩ Zell Miller của bang Georgia nhờ họ viết thư cho tỉnh trưởng Giang Tây và Bộ Ngoại giao của ĐCSTQ, yêu cầu cung cấp tung tích của Hoàng Hùng, nhưng những nỗ lực này đều vô ích.

Tháng 3/2006, một thông tin thậm chí còn đáng sợ hơn đã xuất hiện. Hai nhà báo và y tá người Trung Quốc đã dùng bút danh vạch trần tội ác gây chấn động thế giới và toàn nhân loại: ĐCSTQ đã mổ cướp nội tạng các học viên Pháp Luân Công còn sống trên quy mô lớn!

Vạn Thanh không thể không nghĩ tới người em trai đã mất tích của mình. Ông nghĩ, cứ cho rằng cậu ấy đã bị cảnh sát đánh chết, thì ĐCSTQ cũng sẽ viện cớ như cậu ấy bị đau tim hoặc đột tử, và thông báo cho người nhà. Khi nào thì một người có thể biến mất sống không thấy người, chết không thấy xác như thế này?

Sau một cuộc điều tra, các luật sư nhân quyền người Canada David Matas và David Kilgour đã kết luận, những cáo buộc của người dân về việc ĐCSTQ mổ cướp nội tạng sống là “có thật”, họ gọi đây là “tội ác chưa từng thấy trên hành tinh này”.

Sau 10 năm điều tra độc lập, hai ông Matas, Kilgour và nhà văn người Mỹ Ethan Gutmann đã công bố “Báo cáo điều tra về tội ác cưỡng bức thu hoạch nội tạng người của ĐCSTQ”.

Kết quả khảo sát cho thấy, số ca cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc là khoảng 60.000 – 100.000 ca mỗi năm, và có thể lên tới 1,5 triệu ca từ năm 2000 – 2016. Nguồn tạng chủ yếu đến từ các học viên Pháp Luân Công.

Quảng cáo trên trang web của Trung tâm Cấy ghép Nội tạng Đông phương Thiên Tân cho biết, thời gian chờ đợi trung bình cho các bệnh nhân được ghép tạng là 2 tuần.

Trung tâm cấy ghép quốc tế của Bệnh viện trực thuộc đầu tiên của Đại học Y Trung Quốc cũng quảng cáo trên trang web của mình rằng họ có thể tìm được người hiến thận phù hợp để cấy ghép thận “nhanh nhất là 1 tuần”, “lâu nhất không quá 1 tháng”.

Trong cuộc phỏng vấn ngầm của điều tra viên của “Tổ chức Thế giới Điều tra bức hại Pháp Luân Công” đối với nhân viên y tế Trung Quốc Đại Lục, một số người đã ngang nhiên tuyên bố rằng những người hiến tạng của họ là các học viên Pháp Luân Công khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần.

1190161 600x338 1
Tháng 9/2018, Tiến sĩ Hoàng Vạn Thanh thông báo rằng em trai ông đã mất tích 15 năm, và yêu cầu nhà triển lãm đang tổ chức triển lãm cơ thể người nhựa hóa ở Sydney cung cấp DNA của thi thể, để xác nhận DNA. (Ảnh: An Bình Nhã / Epoch Times)

Tất cả các bằng chứng đều cho Vạn Thanh lý do để nghi ngờ rằng sau khi bị bắt, em trai ông còn đủ trẻ khỏe để trở thành người hiến tạng cho ĐCSTQ mưu lợi.

Tháng 9/2018, Vạn Thanh nghe nói Công ty Công nghệ sinh học Hoffen ở Trung Quốc Đại Lục sẽ tổ chức một “cuộc triển lãm thi thể người thật” ở Sydney, Úc. Ông bay từ Mỹ đến Sydney, và yêu cầu ban tổ chức cung cấp nguồn gốc thi thể, cũng như xác định ADN của các mẫu nhựa hóa được trưng bày. Ông tự hỏi liệu có di hài của em trai mình trong những thi thể đó hay không, nhưng yêu cầu của ông đã bị phớt lờ.

Tháng 6/2020, “Tòa án Nhân dân Độc lập” một tòa án ở London, Anh, ra phán quyết: “Tội ác chống lại loài người của ĐCSTQ đã được xác lập.” Bản án thừa nhận rằng hoạt động thu hoạch nội tạng quy mô lớn từ các tù nhân lương tâm còn sống của ĐCSTQ đã tồn tại trong nhiều năm và vẫn đang tiếp diễn; các học viên Pháp Luân Công là nguồn cung cấp nội tạng chính.

Giờ đây, với việc ngày càng có nhiều học viên Pháp Luân Công bị sát hại, cùng với các vụ án người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, và những vụ án kỳ lạ khác xuất hiện, những người Trung Quốc từng cho rằng học viên Pháp Luân Công tung tin đồn thất thiệt đã bắt đầu tin vào sự tồn tại của nạn thu hoạch nội tạng sống.

Bất cứ khi nào nhìn thấy những tin tức này, Vạn Thanh đều nghĩ tới người em trai ít nói và ngoan ngoãn mà ông thường cõng trên lưng khi còn nhỏ. Em trai ông chỉ mới 25 tuổi khi mất tích, cậu ấy đã không được hưởng bất kỳ niềm hạnh phúc nào trong cuộc đời, “em ơi, rốt cuộc em đang ở đâu?”

Vạn Thanh nói rằng ông sẽ tiếp tục tìm kiếm tung tích của em trai mình, và dù phải tìm đến ngày ĐCSTQ sụp đổ và tất cả sự thật đều được phơi bày ra trên thế giới. Ông vẫn luôn muốn tìm ra sự thật về em trai mình.