Trong bối cảnh lưỡng đảng thúc đẩy luật cấm TikTok ở Quốc hội, một số tiểu bang Hoa Kỳ đã bắt đầu ban hành lệnh cấm nền tảng này, vì lo lắng cho an ninh mạng ở công sở của tiểu bang. Ngày 6/12, tiểu bang Maryland đã thông báo cấm TikTok, theo Reuters đưa tin.

Thống đốc bang Maryland Larry Hogan đã ban hành một chỉ thị khẩn cấp hôm 6/12, cấm ứng dụng TikTok do Trung Quốc sở hữu trên các thiết bị và mạng của chính phủ tiểu bang. Không chỉ nhắm vào TikTok, lệnh này cũng ảnh hưởng đến một loạt các hãng và sản phẩm liên quan đến Trung Quốc và Nga như Huawei, Tencent, WeChat, QQ, Alibaba và Kaspersky Lab.

Lý do cấm những sản phẩm này là vì “mức độ rủi ro an ninh mạng không thể chấp nhận được đối với nhà nước”.

Tuần trước, tiểu bang Nam Dakota, và gần đây nhất là tiểu bang Nam Carolina cũng có các lệnh cấm tương tự nhắm vào TikTok.

TikTok cho rằng giới chức Hoa Kỳ đã bị những “thông tin sai lệch” dẫn đến lo ngại, và rằng “chúng tôi rất thất vọng vì nhiều cơ quan nhà nước, văn phòng và trường đại học đang sử dụng TikTok để xây dựng cộng đồng và kết nối với với nhau, sẽ không còn khả năng truy cập vào nền tảng của chúng tôi nữa”, công ty cho hay hôm 6/12.

Ông Brendan Carr, một thành viên Đảng Cộng hòa của Ủy ban Truyền thông Liên bang, đã ca ngợi hành động của ông Hogan, khi nói rằng đó là “bảo vệ Maryland khỏi các mối đe dọa do các tác nhân nước ngoài ác ý gây ra.”

Tháng trước, Giám đốc FBI Chris Wray nhận định, các hoạt động của TikTok tại Hoa Kỳ làm dấy lên mối lo ngại về an ninh quốc gia, cho thấy nguy cơ chính phủ Trung Quốc có thể thông qua TikTok để tác động đến người dùng cũng như kiểm soát và lén trộm thông tin từ thiết bị của họ.

Ông Wray cho biết thêm, Bắc Kinh cũng có thể lợi dụng sự phổ biến của ứng dụng do Trung Quốc sở hữu để “kiểm soát phần mềm trên hàng triệu thiết bị”, tạo cơ hội để ép buộc quốc gia nào sử dụng các ứng dụng này phải “thỏa hiệp về mặt kỹ thuật”.

Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ (CFIUS) của chính phủ, cơ quan chủ quản xem xét việc nước ngoài mua tài sản của Hoa Kỳ và về rủi ro an ninh quốc gia tiềm ẩn, vào năm 2020 đã ra lệnh cho công ty Trung Quốc là ByteDance thoái vốn khỏi TikTok, vì lo ngại số liệu người dùng Hoa Kỳ có thể bị rò rỉ cho Bắc Kinh.

CFIUS và TikTok trong nhiều tháng đã tìm cách đạt được thỏa thuận an ninh quốc gia để bảo vệ số liệu của hơn 100 triệu người dùng TikTok tại Hoa Kỳ nhưng các nguồn tin cho thấy, có vẻ như họ sẽ không đạt được thỏa thuận trước tháng 1.

Giám đốc điều hành TikTok Vanessa Pappas nói với các nhà lập pháp hồi tháng 9, TikTok đang đạt được tiến bộ để đi đến thỏa thuận cuối cùng với chính phủ Hoa Kỳ.

Cựu Tổng thống Donald Trump vào năm 2020 đã cố gắng chặn người dùng mới của Hoa Kỳ tải xuống WeChat và TikTok, điều này lẽ ra đã chặn việc sử dụng ứng dụng này ở Hoa Kỳ một cách hiệu quả, nhưng ông đã thua trong một loạt vụ kiện tụng.

Đến tháng 6/2021, Tổng thống Joe Biden rút lại sắc lệnh hành pháp của ông Trump và chỉ đạo Bộ Thương mại tiến hành xem xét các mối lo ngại về bảo mật do ứng dụng này gây ra.

Thiên Đức (Theo Reuters)