Chỉ vài tuần trước, Ấn Độ vẫn còn là nhà cung cấp vắc-xin và dược phẩm trên toàn cầu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, quốc gia thuộc khu vực nam Á này hiện đang phải phụ thuộc vào sự giúp đỡ từ hơn 40 nước.

Ấn Độ
(Ảnh minh họa: Par Exposure Visuals/Shutterstock)

Ngoại trưởng Harsh Vardhan Shringla cho biết trong cuộc họp báo hôm 29/4 vừa qua rằng các quốc gia đã gửi gần 550 hệ thống tạo oxy công nghiệp, 4.000 máy tạo oxy và 10.000 bình oxy, cũng như các loại thuốc như thuốc kháng virus remdesivir và favipiravir. .

Hỗ trợ quốc tế đã trở nên quan trọng đối với Ấn Độ trong bối cảnh người dân ở các thành phố như Delhi đang rất cần oxy và thuốc men.

Không quân Singapore đã chuyển 256 bình oxy trên 2 máy bay C-130 từ Singapore đến Tây Bengal vào hôm 28/4, trong khi 4 công ten nơ (container) oxy đông lạnh đã được Không quân Ấn Độ vận chuyển vào ngày 24/4.

Ấn Độ hiện đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt lây nhiễm COVID-19 thứ 2. Quốc gia này báo cáo hơn 386.000 trường hợp mắc mới vào hôm 30/4, mức tăng đột biến cao nhất trong một ngày.

Một số viện trợ do Ấn Độ yêu cầu, và một số khác là do các nước đề xuất, trong đó có cả các quốc gia láng giềng nhỏ hơn là Bhutan và Bangladesh, đã cung cấp 10.000 lọ thuốc chống virus dạng tiêm.

“Chúng tôi chưa từng thấy tình huống này trước đó, và sẽ không bao giờ thấy. Chúng tôi đã ưu tiên các mặt hàng chúng tôi cần nhưng nhiều quốc gia đã tự đưa ra đề nghị hỗ trợ”, ông Shringla nói. Ông lưu ý rằng sự giúp đỡ cũng đến từ các công ty Ấn Độ và các cộng đồng Ấn Độ trên khắp thế giới. Vị quan chức này cho biết đại dịch đã nêu bật ý nghĩa của việc sống trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau.

Trước đó, quốc gia Nam Á này đã triển khai một chương trình xuất khẩu vắc-xin đầy tham vọng nhằm cạnh tranh với chính sách ngoại giao về vắc-xin của Trung Quốc trong một động thái nhằm củng cố sự ảnh hưởng trên trường quốc tế. Ngoài việc tài trợ và xuất khẩu vắc-xin, Ấn Độ cũng đã gửi thuốc đến các quốc gia khác nhau, trong đó có hydroxychloroquine đến Mỹ.

Ấn Độ là nhà sản xuất thuốc lớn thứ 3 thế giới và cung cấp gần 60% nhu cầu vắc-xin toàn cầu, nhưng hiện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt trong nước.

Ông Shringla cho biết nước này sản xuất 60.000 liều remdesivir mỗi ngày nhưng nhu cầu đã tăng vọt lên 300.000 đến 400.000 mỗi ngày.

Một số nhà quan sát đã ghi nhận sự thay đổi trong chính sách lâu nay của quốc gia Nam Á là không chấp nhận sự trợ giúp từ bên ngoài trong khủng hoảng. Ấn Độ đã từ chối cứu trợ sóng thần vào năm 2004 và từ chối các đề nghị viện trợ sau trận lụt ở Uttarakhand năm 2013.

Giáo sư Harsh V. Pant, giám đốc nghiên cứu tại Observer Research Foundation ở New Delhi, cho hay rằng trong trường hợp này, Ấn Độ đang gặp một tình huống ngoại lệ nên sẽ phải có động thái khác.

“Đây là một cuộc khủng hoảng nhân đạo. Ấn Độ muốn nhận được càng nhiều sự giúp đỡ từ bất cứ nơi nào có thể. Nhiều quốc gia nói rằng chúng tôi đã đứng lên trong thời điểm cần thiết và họ đang đáp lại”, Giáo sư Pant nói.

Theo The Straits Times,

Phan Anh

Xem thêm: