Anh Quốc hôm thứ Sáu (25/9) đã chỉ trích chế độ cộng sản Trung Quốc lạm dụng quyền và tự do tại Hồng Kông và Tân Cương. London cũng gây áp lực lên Bắc Kinh phải cho phép Liên Hiệp Quốc (LHQ) được tiếp cận Tân Cương không hạn chế.

Embed from Getty Images

Ông Tariq Ahmad, Bộ trưởng Anh Quốc về LHQ và Nhân quyền, hôm thứ Sáu (25/9) đã phát biểu tại Hội đồng Nhân quyền LHQ, kéo sự chú ý của cơ quan này vào “tình hình nghiêm trọng tại Trung Quốc”.

Ông Ahmad đã kêu gọi chế độ Trung Quốc phải “tuân thủ quyền và tự do theo Tuyên bố chung [Trung-Anh], tôn trọng độc lập của nền tư pháp Hồng Kông, cho phép tiếp cận Tân Cương không hạn chế, và thả tất cả những người đã bị bắt giữ tùy tiện”.

Hồng Kông

Ông Ahmad nói Luật An ninh Quốc gia được áp đặt tại Hồng Kông từ ngày 1/7 là “vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố Chung Trung- Anh có tính ràng buộc pháp lý”, vi phạm quyền tự trị của Hồng Kông, và là mối đe dọa tới quyền và tự do. Quan chức của chính phủ Anh nhấn mạnh luật an ninh này “đang được thực thi với mục đích rõ ràng để loại bỏ bất đồng chính kiến”.

Nó cho phép truy tố các trường hợp nhất định tại Trung Quốc đại lục, nơi thường giam giữ các bị cáo thời gian dài mà không buộc tội hoặc không cho tiếp cận luật sư, và cũng là nơi chúng ta lo ngại về độc lập tư pháp, chuẩn mực tố tụng và có các báo cáo về tra tấn người bị giam giữ”, ông Ahmad nói.

Luật An ninh Quốc gia cho phép Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) quyền lực sâu rộng để nhắm tới các cá nhân có bất kỳ hành động nào mà Bắc Kinh gọi là ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với thế lực bên ngoài. Những tội danh này có thể chịu hình phạt tối đa tù chung thân.

Trong số những người đã từng bị bắt giữ theo luật hà khắc này có Chu Đình (Agnes Chow) – một nhà hoạt động ủng hộ dân chủ nổi tiếng; Lê Trí Anh (Jimmy Lai) – trùm truyền thông tại Hồng Kông; Wilson Li – nhà báo tự do làm việc cho ITV News của Anh; và Samuel Chu – nhà hoạt động ủng hộ dân chủ có quốc tịch Mỹ.

Công dân nước ngoài gặp rủi ro bị bắt giữ tùy tiện

Các công dân Đức tại Hồng Kông hôm 30/6 đã nhận được một cảnh báo từ Văn phòng Đối ngoại Liên bang, trong đó nói rằng họ nên cẩn trọng đối với các tuyên bố chính trị, bởi vì “cơ quan này không thể loại trừ hoàn toàn” rằng công dân Đức tại Hồng Kông sẽ không phải chịu các biện pháp theo luật an ninh mới.

Ngoài ra, Văn phòng Đối ngoại Liên bang Đức cho biết “những hành động do công dân nước ngoài thực hiện bên ngoài lãnh thổ Hồng Kông cũng được bao gồm trong phạm vi chế tài của luật an ninh”. Điều này có nghĩa rằng, chẳng hạn, một lời phê bình công khai được lên tiếng tại Đức về cách hành xử của chế độ Trung Quốc có thể dẫn tới hậu quả pháp lý nếu người lên tiếng chỉ trích đó nhập cảnh vào Hồng Kông.

Hãy đặc biệt cẩn thận và chú ý về các tuyên bố chính trị, kể cả những tuyên bố trên mạng xã hội, đều có thể bị xem xét liên quan”, Văn phòng Đối ngoại Liên bang Đức cảnh báo.

Một nhân chứng chuyên gia hôm 17/8 đã nói với ủy ban Canada-Trung Quốc của Quốc hội Canada rằng tất cả người dân quốc gia Bắc Mỹ này đều gặp rủi ro theo luật an ninh mở rộng mà Bắc Kinh áp đặt lên Hồng Kông.

Công dân Canada có mối quan hệ với Hồng Kông bây giờ phải cân nhắc về những gì họ nói tại Canada có thể sẽ bị sử dụng chống lại họ trong trường hợp họ mới chỉ đặt chân lên một hãng hàng không được đăng ký ở Hồng Kông”, vị nhân chứng này nói với ủy ban.

Chính phủ Mỹ hôm 15/9 đã ban hành bản cập nhật khuyến cáo di trú, trong đó cảnh báo đi lại Trung Quốc và Hồng Kông, viện dẫn rủi ro về “bắt giữ tùy tiện” và “thực thi các luật địa phương tùy tiện”.

Tân Cương

Ông Ahmad trong cuộc họp Hội đồng Nhân quyền LHQ cũng nhấn mạnh đến “những vi phạm nhân quyền mang tính hệ thống” tại Tân Cương.

Văn hóa và tôn giáo bị hạn chế nghiêm ngặt và chúng tôi đã xem các báo cáo đáng tin cậy về lao động cưỡng bức và kiểm soát sinh sản cưỡng chế”, ông Ahmad nói. “Đáng kinh hoàng, có tới 1,8 triệu người đã bị giam giữ mà không qua xét xử”.

Giới chức Trung Quốc đã nhiều lần chỉ trích các cáo buộc về tội diệt chủng, triệt sản cưỡng ép, và giam giữ tập trung gần 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương. Họ gọi những cáo buộc này là những lời dối trá do các thế lực chống Trung Quốc tô vẽ.

Một báo cáo gần đây cho thấy các trung tâm đào tạo kiểu quân đội bây giờ cũng đã được xây dựng tại Tây Tạng, gợi nhớ đến hệ thống được sử dụng tại Tân Cương.

Ông Ahmad cho biết thêm rằng Anh Quốc vẫn “cực kỳ quan ngại” về áp lực lên tự do báo chí khắp Trung Quốc.

Đức Thiện (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: