Các phương tiện truyền thông lớn đang đua nhau “chấn chỉnh” lại việc đưa tin về giả thuyết COVID-19 “rò rỉ phòng thí nghiệm” xuất hiện vào năm 2020 mà nhiều người trong số họ đã cười nhạo. Đây là được xem một trong những dấu hiệu cho thấy giả thuyết này đang thu hút được sự quan tâm rộng rãi hơn trong cuộc tranh luận về virus corona sau khi bị bác bỏ và bị coi là thuyết âm mưu trong phần lớn thời gian xảy ra đại dịch.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par r.classen/Shutterstock)

Giả thuyết trên được đưa ra lần đầu tiên vào năm 2020 (những ngày đầu xảy ra đại dịch COVID-19), trong đó cho rằng virus corona có thể bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm thuộc Viện Virus học Vũ Hán, cách nơi được cho là khu vực đầu tiên bùng phát dịch bệnh chỉ vài km.

Phòng thí nghiệm Vũ Hán trong nhiều năm đã tiến hành các thí nghiệm đối với virus corona nhằm xác định “khả năng xuất hiện”, lây lan sang người và gây ra đại dịch của chúng. Phòng thí nghiệm được cho là đã tham gia vào nghiên cứu “thăm dò chức năng” đầy rủi ro, trong đó các nhà khoa học đã tăng khả năng gây bệnh của virus để xác định khả năng gây ra đại dịch của chúng.

Trong những tháng đầu tiên xảy ra đại dịch, một số nhà bình luận và quan chức như Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa tiểu bang Arkansas Tom Cotton đã nhanh chóng lưu ý rằng điểm bùng phát đầu tiên nằm ở gần phòng thí nghiệm Vũ Hán và cho rằng cần phải tiến hành điều tra nơi này như một nguồn có thể gây ra đại dịch. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông đã dành phần lớn thời gian của năm 2020, theo cách gián tiếp hoặc trực tiếp, coi nhẹ những nghi ngờ trên, thay vào đó lập luận rằng virus nhiều khả năng có nguồn gốc tự nhiên.

Ví dụ, vào tháng 2/2020, tờ New York Times đã bác bỏ suy đoán của ông Cotton khi cho rằng đây là “thuyết âm mưu”. Vào tháng 5/2020, tờ báo này đã bác bỏ “những giả thuyết không có cơ sở” trong đó nói rằng virus rò rỉ phòng thí nghiệm. Vào cuối tháng 3/2021, tờ New York Times đã chỉ trích cựu Giám đốc CDC (Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh) Mỹ Robert Redfield vì cho rằng ông đã “không đưa ra được bằng chứng ủng hộ suy đoán COVID-19 có nguồn gốc từ một phòng thí nghiệm”.

Các phương tiện truyền thông lớn khác cũng đưa ra những đánh giá tương tự. Vào tháng 4/2020, NPR đã tuyên bố rằng các nhà khoa học đã “vạch trần” giả thuyết COVID-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Các hãng tin tức (được trợ cấp bởi người đóng thuế) phần lớn đưa tin phản bác giả thuyết trên, có thời điểm còn so sánh nó với những tuyên bố về những mối nguy hiểm do Iraq gây ra.

CNN cũng đưa ra những thông tin tương tự, trong đó bác bỏ giả thuyết vào tháng 4/2020, nói rằng nó “gần như chắc chắn không đúng”. Tuyên bố này được đưa ra tại thời điểm mà cố vấn về COVID-19 của Nhà Trắng, Tiến sĩ Anthony Fauci, đã “vùi dập” giả thuyết và đưa ra bài báo chỉ trích về sự ủng hộ giả thuyết của Tổng thống Donald Trump lúc bấy giờ.

“Hầu hết các phóng viên MSM đã không ‘bỏ qua’ giả thuyết COVID-19 rò rỉ phòng thí nghiệm”, Josh Rogin, phóng viên tờ Washington Post viết trên Twitter hôm 29/5 vừa qua, “họ tích cực đưa tin lung tung trong hơn 1 năm vừa qua, trong khi giả vờ tỏ ra khách quan”.

Tuy nhiên, trong vài tuần qua, những giọng điệu truyền thông đó đã thay đổi sau khi xuất hiện ngày càng nhiều các nhà khoa học, quan chức quốc hội và thậm chí cả Tổng thống Joe Biden đều cho rằng họ đã sẵn sàng xem xét giả thuyết này. Từ bỏ lập trường trước đó của mình, CNN trong tuần này đã thừa nhận rằng “chúng tôi còn lâu mới biết loại virus này … ra đời như thế nào” và “cần phải điều tra thêm” về vấn đề đó.

Trong khi đó, NPR đã có sự cân nhắc kỹ lưỡng hơn khi đưa tin về giả thuyết này trong những ngày gần đây, trong đó người dẫn chương trình “Morning Edition” Rachel Martin trích dẫn “việc phát hiện thêm bằng chứng” về giả thuyết.

Rogin đã thẳng thừng bác bỏ lập luận cho rằng bằng chứng mới giải thích cho sự “trở mặt” giới truyền thông. “Giả thuyết COVID-19 từ rò rỉ phòng thí nghiệm không thay đổi”, anh viết trên Twitter. “Nó không đột nhiên trở nên đáng tin cậy. Nó không từ điên rồ trở nên hợp lý. Giả thuyết này luôn là vậy. Những người sai lầm đã thay đổi suy nghĩ của họ. Họ đang tự viết bài trong khi bản thân không có sự nhận thức”.

Ngoài các hãng tin tức, các cơ quan truyền thông khác cũng đua nhau “đảo ngược” quan điểm trước đó của họ về giả thuyết. Trong tháng 5/2021, PolitiFact đã rút lại nhận xét “dối trá” mà họ đưa ra đối với giả thuyết COVID-19 rò rỉ trong phòng thí nghiệm vào năm 2020, trong đó tuyên bố nguồn gốc của virus “hiện đang gây ra nhiều tranh cãi hơn” so với năm 2020. Trong khi đó, Facebook trong tuần này đã thông báo rằng họ sẽ không còn cấm người dùng khẳng định rằng COVID-19 có thể có nguồn gốc nhân tạo.

Với rất ít bằng chứng mới xuất hiện kể từ khi giả thuyết trên lần đầu tiên được đưa ra, không rõ tại sao các hãng truyền thông lại có sự thay đổi đáng kể đến như vậy.

Stephen Morrison, giám đốc Trung tâm Chính sách Y tế Toàn cầu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), đã nói với NPR trong tuần này rằng: “Các nhà khoa học đã rút lại việc phản đối và ủng hộ giả thuyết rằng COVID-19 bị rò rỉ trong phòng thí nghiệm, chứ không phải xuất hiện từ quá trình tự nhiên”.

Những xung động chính trị hóa rất có thể đã khiến cho giới truyền thông – vốn nổi tiếng là thù địch với cựu Tổng thống Trump trong suốt nhiệm kỳ của ông – phải rút lui khỏi bất kỳ giả thuyết nào mà chính tổng thống đã ủng hộ.

Tất nhiên, phương tiện truyền thông tin tức ở một số khía cạnh bị giới hạn trong những gì họ có thể đề cập đến như một vấn đề chuyên môn kỹ thuật. Một phương tiện truyền thông ít có khả năng theo đuổi một giả thuyết khoa học hơn nếu chỉ có ít chuyên gia chấp nhận nó.

Tuy nhiên, khả năng bùng nổ của giả thuyết COVID-19 rò rỉ phòng thí nghiệm – và sự trùng hợp đáng kinh ngạc rằng phòng thí nghiệm Vũ Hán ở ngay gần với nơi bùng phát COVID-19 đầu tiên – có thể sẽ thu hút sự quan tâm lớn của báo chí, ngay cả khi không có sự đồng thuận rộng rãi về mặt khoa học. Rốt cuộc, các hãng truyền thông đã dành nhiều năm “tích cực” đưa tin về thuyết âm mưu không có căn cứ về sự thông đồng giữa ông Trump và Nga.

Việc phương tiện truyền thông có tiếp tục phương pháp tiếp cận mới đối với giả thuyết COVID-19 rò rỉ trong phòng thí nghiệm hay không có thể phụ thuộc vào những gì phát hiện được trong tương lai gần. Tuần này, ông Biden đã cho Cộng đồng Tình báo thời hạn 90 ngày để đưa ra một báo cáo toàn diện về nguồn gốc tiềm năng của COVID-19, vậy nên giả thuyết này có thể sẽ vẫn nhận được sự quan tâm của giới truyền thông. Ông Biden cho biết rằng Mỹ sẽ “tiếp tục làm việc với các đối tác cùng chí hướng trên toàn thế giới,” nhằm thúc ép Trung Quốc tham gia vào một cuộc điều tra quốc tế đầy đủ, minh bạch, dựa trên bằng chứng và cung cấp quyền tiếp cận vào tất cả các dữ liệu và bằng chứng có liên quan”.

Theo Just The News,

Phan Anh

Xem thêm: