Các nhà lập pháp châu Âu đang thúc đẩy việc chỉ định các hành vi vi phạm nhân quyền bị cáo buộc chống lại người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo khác ở Tân Cương là “tội ác diệt chủng”. Nghị quyết mới sẽ được đưa ra Nghị viện vào tuần này.

Embed from Getty Images

Theo SCMP, nghị quyết mô tả các hành động ở Tân Cương là “tội diệt chủng” đã nhận được sự ủng hộ của bốn trong số các đảng lớn nhất trong Nghị viện châu Âu, bao gồm Đảng Nhân dân Châu Âu trung hữu (EPP), Nhóm Đổi mới trung tả, Đảng Xã hội và Dân chủ và Đảng Bảo thủ và Cải cách cánh hữu ở Châu Âu.

Sự ủng hộ của 4 đảng lớn này mở ra cơ hội lớn để nghị quyết được thông qua. .

Các bên sẽ đàm phán vào thứ Ba để hoàn thiện văn bản của nghị quyết khẩn cấp này, sau đó nó sẽ được đưa ra tranh luận vào thứ Tư và đưa ra bỏ phiếu vào thứ Năm.

Tuy vậy, nghị quyết như vậy không có tính ràng buộc, mà nó chỉ thể hiện nhận thức của đa số trong Nghị viện, bao gồm các thành viên được bầu trực tiếp từ mỗi quốc gia trong số 27 quốc gia thành viên của Liên minh Châu Âu.

Nghị viện đã thông qua nhiều nghị quyết về Tân Cương, nhưng đã không gắn cho các hành vi ở đó là tội “diệt chủng”. Một cuộc bỏ phiếu cho điều này sẽ phản ánh sự thay đổi mạnh mẽ trong tâm thức đối với Trung Quốc ở Brussels.

EPP, đảng của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và cựu thủ tướng Đức Angela Merkel, là một trong những đảng ủng hộ nhất việc hợp tác với Trung Quốc cho đến năm ngoái. Đảng Xã hội và Dân chủ của nhà lãnh đạo người Đức hiện tại Olaf Scholz, cũng ủng hộ rộng rãi mối quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh.

Tuy nhiên, những bằng chứng ngày càng gia tăng về các hành động tàn bạo ở Tân Cương – nơi Trung Quốc bị nghi ngờ đang giam giữ hơn 1 triệu người Duy ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác trong các trại đào tạo chính trị – đã góp phần thúc đẩy sự ra đời của nghị quyết. 

Theo dự thảo văn bản được tờ SCMP xem được, cho biết rằng có những “bằng chứng  đáng tin cậy về các biện pháp ngăn ngừa sinh đẻ và việc tách trẻ em Duy ngô Nhĩ khỏi gia đình là tội ác chống lại loài người và diệt chủng”.

Văn bản cho biết “Tòa án Duy ngô Nhĩ và các cơ quan điều tra và tổ chức nghiên cứu độc lập, đáng tin cậy khác” đã kết luận rằng các chính sách của chính phủ Trung Quốc ở Tân Cương “cấu thành tội ác chống lại loài người và diệt chủng”.

Tòa án Duy ngô Nhĩ là một hội đồng không chính thức gồm các luật sư và nhà vận động, năm ngoái đã chỉ định rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phải chịu trách nhiệm chính về các cáo buộc diệt chủng ở Tân Cương.

Văn bản cũng nêu bật các nghị quyết xác định tội ác diệt chủng của các nghị viện khác, bao gồm “Hoa Kỳ, Canada, Anh, Hà Lan, Bỉ, Pháp, Lithuania, Cộng hòa Séc”.

Bắc Kinh đã liên tục bác bỏ việc đàn áp ở Tân Cương, gọi các cáo buộc là “trò hề chính trị do một vài tên hề thực hiện” nhằm “phá hoại sự thịnh vượng và ổn định của Tân Cương và kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc”.

Xuân Lan (theo SCMP)