Các quốc gia phụ thuộc vào vắc-xin do Trung Quốc sản xuất đang có số ca mắc COVID-19 tăng vọt. Điều đó chỉ ra rằng loại vắc-xin này có thể không mang lại hiệu quả trong việc ngăn chặn sự bùng phát của virus corona, đặc biệt là những chủng biến thể có khả năng lây lan cao.

vắc-xin
(Ảnh minh họa: Par Roger Brown Photography/Shutterstock)

Các loại vắc-xin COVID-19 của hãng Sinovac và Sinopharm Trung Quốc đã được đón nhận ở một số quốc gia được xem là kém phát triển. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vắc-xin Sinovac đạt hiệu quả thấp khoảng 51%, còn vắc-xin Sinopharm đạt hiệu quả khoảng 78%. Trong khi đó, loại của Pfizer-BioNTech và Moderna được chứng minh đạt có hiệu quả lần lượt là 95%94,1%.

Các hãng sản xuất vắc-xin do chính phủ điều hành đã giữ lại phần lớn dữ liệu lâm sàng của họ về các ca nhiễm bệnh dù đã tiêm chủng. Trao đổi với tờ New York Times, ông William Schaffner (giám đốc y tế của Quỹ Quốc gia về Bệnh Truyền nhiễm tại Đại học Vanderbilt) đã nói rằng tỷ lệ hiệu quả tương đối thấp của các liều vắc-xin đồng nghĩa với việc virus vẫn có thể gây bệnh cho những người đã tiêm chủng với số lượng đáng kể.

Trên thực tế, có 4 quốc gia phụ thuộc vào vắc-xin COVID-19 của Trung Quốc để hạn chế sự lây lan của virus đã chứng kiến ​​số ca mắc mới tăng vọt, dù đã tiêm chủng với tỷ lệ rất cao. Cụ thể:

Tại Seychelles, quần đảo ngoài khơi Đông Phi dẫn đầu thế giới về tỷ lệ tiêm chủng khi sử dụng loại vắc-xin Sinopharm của Trung Quốc. Khoảng 73% dân số ở Seychelles đã được tiêm ít nhất 1 liều, trong khi 69% đã được tiêm chủng đầy đủ, theo Bloomberg.

Tuy nhiên, số ca nhiễm mới tại Seychelles đã tăng hơn gấp đôi trong nửa đầu tháng 5, đạt số ca mắc trung bình cao nhất mà nước này từng ghi nhận, với trung bình hơn 4.000 ca nhiễm mới được xác nhận trong tuần thứ 2 của tháng 5. Theo tờ New York Times, số ca COVID-19 đã tăng 17% trong 2 tuần qua.

Tại Bahrain, trên 70% dân số đã được tiêm ít nhất 1 liều, trong đó 61% được tiêm chủng đầy đủ. Dẫu vậy, Bahrain vẫn phải chứng kiến số ca COVID-19 tăng mạnh vào tháng trước, với kỷ lục khoảng 3.300 trường hợp vào ngày 29/5.

Theo tờ Wall Street Journal, vắc-xin Sinopharm chiếm hơn 60% lượng vắc-xin được dùng ở nước này, hiện chính phủ đang khuyến khích người dân tiêm liều vắc-xin tăng cường của hãng Pfizer trong vòng 6 tháng sau khi tiêm 2 liều vắc-xin Sinopharm.

Tại Chile, hơn 63% dân số quốc gia này đã tiêm ít nhất 1 liều, khoảng 93% trong số đó là sử dụng vắc-xin CoronaVac, do công ty Sinovac thuộc chính phủ Trung Quốc sản xuất. Tuy nhiên, tình trạng nhiễm bệnh ở Chile lại tăng lên.

Tại Mông Cổ, khoảng 57% người dân tại nước này đã được tiêm 1 liều hoặc nhiều hơn cho đến nay, trong đó gần 50% dân số đã tiêm chủng đầy đủ. Mông Cổ là một trong số những quốc gia sớm sử dụng vắc-xin Sinopharm, loại vắc-xin chiếm phần lớn nguồn cung của đất nước. Tuy nhiên, tờ New York Times đưa tin rằng số ca mắc COVID-19 ở Mông Cổ vẫn tăng đến 95% chỉ trong 2 tuần qua.

Theo Washington Examiner,

Phan Anh

Xem thêm: