Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 13/6, các quốc gia thuộc khối ASEAN ghi nhận thêm khoảng 26.062 ca mắc COVID-19 mới và 384 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 4.346.807 ca, trong đó có khoảng 84.512 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Lusin_da_ra/Shutterstock)

Trong 24 giờ qua, quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc nhất là Indonesia với 9.868 ca, tiếp theo là Philippines (7.302 ca), Malaysia (5.304 ca), Thái Lan (2.804 ca), Campuchia (468 ca), Việt Nam (297 ca), Singapore (13 ca) và Lào (6 ca).

Về số ca tử vong, có 6 quốc gia ghi nhận ca tử vong mới. Cụ thể là nước Indonesia (149 ca), Philippines (137 ca), Malaysia (64 ca), Thái Lan (18 ca), Campuchia (15 ca) và Việt Nam (1 ca).

Tại Indonesia, nước này ghi nhận số ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua cao nhất kể từ cuối tháng 2/2021. Theo thống kê của Bộ Y tế, với 9.868 ca mắc mới, Indonesia hiện có tổng cộng khoảng 1.901.490 ca mắc – cao nhất ASEAN.

Do số ca mắc mới tăng cao trở lại trong những ngày qua, giới chức Indonesia đã kêu gọi tăng cường chiến dịch tiêm chủng vắc-xin COVID-19. Tổng thống Joko Widodo đã yêu cầu đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng nhằm đáp ứng chỉ tiêu 700.000 liều/ngày trong tháng 6 này và 1 triệu liều/ngày trong tháng 7. Nhà lãnh đạo Indonesia cũng kêu gọi người đứng đầu các khu vực đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng nhằm đáp ứng mục tiêu quốc gia.

Trước đó, Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin đặt mục tiêu tiêm chủng 1 triệu liều mỗi ngày trong tháng 6. Tuy nhiên, con số này sau đó đã được điều chỉnh phụ thuộc vào lượng vắc-xin nhận được. Hiện ước tính Indonesia đã mua tổng cộng 426 triệu liều vắc-xin, trong đó 90 triệu liều nhận trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6, số còn lại dự kiến sẽ nhận từ tháng 7 đến tháng 12 năm nay.

Cho đến nay, đã có 20.158.937 người được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin, trong đó có 11.568.443 người đã tiêm đủ cả 2 liều.

Tại Philippines, Bộ Y tế ghi nhận khoảng 7.302 ca mắc COVID-19 trong ngày 13/6, qua đó nâng tổng số ca mắc lên 1.315.639. Số ca tử vong mới trong ngày 13/6 là 137 ca, nâng tổng số ca lên 22.788.

Philippines đã tiêm cho trên 13 triệu người trong tổng số 110 triệu dân kể từ tháng 1/2020. Chính phủ nước này đang tăng cường tiêm chủng để đạt mục tiêu tiêm cho 70 triệu người trong năm nay. Tới nay, hơn 1,68 triệu dân đã được tiêm đầy đủ vắc-xin COVID-19.

Tuần trước, Philippines bắt đầu tiêm cho người lao động làm trong các dịch vụ cần thiết, hy vọng đưa nền kinh tế hoạt động trở lại.

Ông Karl Kendrick Chua, Bộ trưởng Kế hoạch Kinh tế xã hội, cho biết: “Thêm lớp bảo vệ chống COVID-19 sẽ giúp người lao động tự tin hơn để ra ngoài kiếm sống mà vẫn giảm lây lan virus cho gia đình”.

Tại Malaysia, sau khi ghi nhận 5.793 ca mắc COVID-19 trong ngày 12/6, nước này lại có số ca mắc mới trong ngày 13/6 tăng lên 7.302, nâng tổng số ca mắc lên 657.508. Số ca tử vong mới trong ngày 13/6 là 64 ca, qua đó nâng tổng số ca lên 3.908.

Selangor là nơi ghi nhận số ca mắc mới cao nhất, tiếp đó là Sarawak và Kuala Lumpur.

Trước đó, vào ngày 12/6, Bộ Thương mại và Công nghiệp Quốc tế Malaysia (MITI) cho biết chính phủ nước này chuẩn bị thực hiện sáng kiến có tên gọi Chương trình Tiêm vắc-xin COVID-19 trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp (PIKAS). Thông báo nêu rõ chương trình trên sẽ được triển khai vào ngày 16/6 tới và được khởi động như “Giai đoạn IV” của Chương trình Tiêm chủng quốc gia phòng COVID-19 (NIP). MITI đồng thời nhấn mạnh rằng việc tham gia sẽ là tự nguyện đối với các công ty và nhân viên. NIP hiện có 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn III của chương trình với kế hoạch tiêm cho người trưởng thành đang bị trì hoãn.

Tại Lào, Bộ Y tế ngày 13/6 ghi nhận 6 ca mắc COVID-19 mới tại 3 tỉnh/thành phố, trong đó có 5 ca lây nhiễm cộng đồng và 1 ca nhập cảnh được cách ly ngay.

Ngoài 4 ca cộng đồng tại tâm dịch thủ đô Viêng Chăn, việc phát hiện thêm 1 ca cộng đồng ở một tỉnh phía Bắc gây nhiều lo ngại bởi đã nhiều ngày qua không có các ca nhiễm cộng đồng ngoài thủ đô Viêng Chăn.

Đại diện Bộ Y tế Lào cảnh báo tình hình dịch trên thế giới, đặc biệt là tại các nước láng giềng, vẫn diễn biến phức tạp với nhiều biến chủng mới nguy hiểm hơn, lây lan dễ hơn, trong khi vẫn xảy ra tình trạng nhập cảnh trái phép. Ở trong nước, nguy cơ bùng phát trở lại vẫn còn do các ca nhiễm vẫn được ghi nhận tại thủ đô Viêng Chăn, trong đó không ít trường hợp chưa rõ nguồn lây.

Bộ Y tế Lào kêu gọi người dân không chủ quan, cần tiếp tục tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch để đạt mục tiêu 28 ngày không có ca cộng đồng, thời điểm có thể dỡ bỏ các quy định nghiêm ngặt để có thể phục hồi lại nền kinh tế và đời sống.

Tính đến nay, Lào ghi nhận tổng cộng khoảng 1.996 ca nhiễm COVID-19 và 3 trường hợp tử vong.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: