Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 14/6, các quốc gia thuộc khối ASEAN ghi nhận thêm khoảng 23.995 ca mắc COVID-19 mới và 388 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 4.370.802 ca, trong đó có khoảng 84.900 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par Adirach Toumlamoon/Shutterstock)

Trong 24 giờ qua, ASEAN có 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới do COVID-19: Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Campuchia và Myanmar.

Tại Indonesia, nước này có số ca tử vong và số ca mắc mới cao nhất Đông Nam Á. Các chuyên gia cảnh báo Indonesia có thể sớm đối mặt với một đợt sóng dịch mới. Theo số liệu thống kê chính thức, Indonesia đã ghi nhận hơn 1,9 triệu ca mắc COVID-19, trong đó 53.116 ca tử vong.

Indonesia dự báo một làn sóng mới dịch COVID-19 sẽ đạt đỉnh điểm vào đầu tháng 7, với chủ yếu các ca nhiễm là biến thể Delta. Theo giới chức Jakarta, làn sóng dịch mới có thể sẽ khiến các bệnh viện tại thủ đô phải hoạt động gần tối đa công suất để điều trị bệnh nhân mắc COVID-19. Trong vài tuần gần đây, sau kỳ nghỉ lễ xả chay Eid al-Fitr, số ca nhiễm mới tại quốc gia đông dân thứ 4 thế giới đã tăng trở lại.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 14/6, Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho biết biến thể Delta hiện lây lan nhanh và chiếm đa số trong các ca nhiễm tại các khu vực như Jakarta và nhiều khu vực  trên đảo Java. Người phát ngôn của lực lượng đặc nhiệm COVID-19 Indonesia, ông Wiku Adisasmito cho biết đã phát hiện ít nhất 60 ca mắc biến thể Delta ở khu vực Kudus, miền Trung Java, nơi các bệnh viện đã huy động tới hơ 90% công suất điều trị các bệnh nhân COVID-19.

Trước đó, ngày 13/6, Thống đốc Jakarta Anies Baswedan cho biết hơn 75% công suất các bệnh viện trong thành phố 10 triệu dân này đã được vận hành. Với số ca mắc mới tăng 50% trong tuần qua và nếu tình hình tiếp tục trở nên tồi tệ hơn, giới chức thủ đô có thể phải xem xét khả năng tái áp đặt các biện pháp hạn chế để chống dịch.

Thống đốc Anies Baswedan nêu rõ cần theo dõi chặt chẽ tình hình tại thủ đô Jakarta. Nếu tình hình vượt ngoài tầm kiểm soát, chính quyền và người dân thành phố sẽ phải đối mặt với một giai đoạn cực kỳ nguy hiểm.

Theo Bộ trưởng Kinh tế Airlangga Hartarto, giới chức đang lên kế hoạch tăng công suất bệnh viện thêm 40%, trong khi các khách sạn sẽ được chuyển đổi thành trung tâm cách ly.

Mặc dù vậy, Tổng thống Indonesia Joko Widodo vẫn bày tỏ lạc quan rằng việc thủ đô Jakarta sẽ đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng vào tháng 8 tới. Phát biểu trên kênh YouTube chính thức của Phủ Tổng thống, Tổng thống Joko Widodo  cho rằng để đạt được mục tiêu trên, Jakarta phải sẽ tăng năng lực tiêm chủng lên mức 100.000 liều vắc-xin/ngày từ tuần tới.

Tại Philippines, tình hình dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới trong ngày 14/6 cao thứ 2 toàn khối, còn số ca tử vong cao thứ 3 trong số các nước Đông Nam Á.

Tại Malaysia, quốc gia này đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới trong ngày tăng nhanh suốt mấy tuần vừa qua.

Ngày 14/6, Malaysia ghi nhận số ca bệnh mới cao thứ 3 Đông Nam Á, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức đáng ngại với 60 trường hợp thiệt mạng (đứng thứ 2 trong khối ASEAN). Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia đã quyết định phong tỏa toàn quốc trong hơn 1 tuần qua với hy vọng xoay chuyển tình hình dịch bệnh.

Ngày 13/6, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin cho biết chính phủ nước này đang dự thảo Kế hoạch phục hồi quốc gia nhằm chuẩn bị vượt qua đại dịch COVID-19 ở mức độ tối ưu nhất.

Theo ông Muhyiddin, kế hoạch này được xây dựng dựa trên dữ liệu, cơ sở khoa học và tất cả các công việc chuẩn bị đã được hoàn thành trong đó có vấn đề kiểm soát đại dịch, phục hồi kinh tế, chương trình tiêm chủng quốc gia và một số nội dung quan trọng khác. Dự kiến, bản kế hoạch sẽ được trình bày trước Hội đồng An ninh quốc gia trong tuần tới.

Người đứng đầu chính phủ Malaysia cho hay ông và một số Bộ trưởng chủ chốt có liên quan đã cùng thảo luận về dự thảo kế hoạch. Theo Thủ tướng Muhyiddin, bản dự thảo về cơ bản đảm bảo, tuy nhiên cần tinh chỉnh, hoàn thiện thêm.

Ông Muhyiddin nhấn mạnh đã đến lúc Malaysia cần đưa ra một chiến lược, kế hoạch phục hồi quốc gia để thoát khỏi ảnh hưởng của đại dịch. Ông cho rằng đây là một thách thức lớn, phụ thuộc vào sự hợp tác và hỗ trợ của tất cả người dân, các nhân tố bên trong và bên ngoài.

Tại Myanmar, trong 24 giờ qua báo cáo 223 ca bệnh mới và có 4 trường hợp tử vong.

Tại Thái Lan, nước này đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc Thái Lan phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. Trong ngày 14/6, quốc gia này ghi nhận thêm trên 3.355 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong là 17 người.

Một loạt ổ dịch mới bùng phát tại các nhà máy ở Thái Lan thời gian gần đây làm gia tăng lo ngại rằng lĩnh vực xuất khẩu có thể bị ảnh hưởng nặng nề, tác động xấu đến nền kinh tế trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang nỗ lực phục hồi.

Virus corona đã lan rộng tại hơn 130 nhà máy, trong đó có các nhà máy cung ứng cho các thương hiệu quốc tế, với hơn 7.100 ca nhiễm tại 11 tỉnh, khiến lĩnh vực sản xuất trở thành một trong các nguồn lây nhiễm cao nhất, bên cạnh các công trường xây dựng và nhà tù. Các nhà máy có ca nhiễm chỉ là một phần trong số 63.000 nhà máy đang hoạt động trên khắp Thái Lan với 3,4 triệu nhân công, tuy nhiên nhà chức trách lo ngại tác động lên lĩnh vực xuất khẩu sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế đang vất vả sau khi ngành du lịch đã sụp đổ vì dịch COVID-19 thời gian qua.

Nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch này đã suy giảm 6,1% trong năm ngoái. Tháng trước, Chính phủ Thái Lan đã phải giảm dự báo tăng trưởng GDP trong năm nay từ 2,5 – 3,5% xuống còn 1,5 – 2,5%.

Tại Campuchia, dịch bệnh đang ở tình trạng nghiêm trọng và đáng ngại khi nước này có 542 bệnh nhân mới và 13 ca tử vong trong một ngày qua. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: