Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm thứ Hai (18/12) đã nhóm họp để bỏ phiếu thông qua nghị quyết kêu gọi Hoa Kỳ rút lại quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Đại diện của Washington đã dùng quyền phủ quyết để ngăn chặn nghị quyết này.

Embed from Getty Images

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thông báo công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel hôm 6/12.

Reuters cho biết nghị quyết do Ai Cập soạn thảo chỉ gồm 1 trang, trong đó không đề cập trực tiếp tới Hoa Kỳ hoặc Tổng thống Donald Trump, nhưng bày tỏ “rất lấy làm tiếc về các quyết định gần đây liên quan đến tình trạng của Jerusalem”.

Dự thảo nghị quyết khẳng định rằng “bất kỳ quyết định và hành động nào nhằm làm thay đổi đặc tính, tình trạng hoặc thành phần nhân khẩu học của Thành phố Thánh Jerusalem đều không có hiệu lực pháp luật, không có giá trị và phải bị hủy bỏ chiếu theo các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an”.

>>Tại sao ông Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel?

Ngoại giới không bất ngờ khi 14 nước đã tán đồng với dự thảo do Ai Cập soạn thảo, nhưng Hoa Kỳ đã dùng quyền phủ quyết để ngăn chặn thông qua nghị quyết. Đây là lần đầu tiên sau hơn 6 năm, Washington mới dùng quyền của thành viên thường trực Hội đồng Bảo an để bảo vệ quan điểm của mình.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley phát biểu sau phiên bỏ phiếu rằng: “Thực tế rằng việc phủ quyết này được thực hiện để bảo vệ chủ quyền của Mỹ và bảo vệ vai trò của Mỹ trong tiến trình hòa bình Trung Đông không phải là điều khiến chúng tôi xấu hổ; nó sẽ là sự xấu hổ cho những thành viên còn lại Hội đồng Bảo an”.

“Điều chúng ta chứng kiến tại Hội Đồng Bảo An hôm nay là một sự sỉ nhục. Nó sẽ không bị lãng quên”.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã đăng tải lên facebook cá nhân đoạn video cảm ơn bà Haley và ông Trump vì đã ngăn chặn nghị quyết của Hội đồng Bảo an.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập cho biết các nước Ả Rập sẽ sớm nhóm họp để đánh giá tình huống hiện tại nhằm quyết định các bước đi có thể thực hiện tiếp theo.

Ngoại trưởng Palestine Riyad al-Maliki nói rằng Palestine sẽ kêu gọi tổ chức một phiên họp đặc biệt khẩn cấp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc với đầy đủ 193 thành viên để thảo luận về quyết định liên quan đến Jerusalem của ông Trump.

Được biết, theo nghị quyết 1950, các thành viên có quyền kêu gọi một phiên họp đặc biệt khẩn cấp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc để xem xét một vấn đề “nhằm đưa ra các khuyến nghị thích hợp cho các thành viên về các biện pháp tập thể” nếu Hội đồng Bảo an không hành động.

Kể từ khi thành lập tới nay, mới chỉ có 10 phiên họp đặc biệt như vậy được tổ chức. Lần cuối cùng Đại hội đồng họp đặc biệt khẩn cấp là vào năm 2009, bàn thảo về hành động Israel chiếm đóng lãnh thổ Palestine. Bất kỳ kết quả nào do Đại hội đồng đưa ra đều không có tính ràng buộc, nhưng nó mang ý nghĩa chính trị rất lớn.

Yên Sơn

Xem thêm: