Theo tờ New York Times tiết lộ, Apple đã thực hiện một số thỏa hiệp ở Trung Quốc để tiếp cận và trụ vững tại thị trường này, trong đó có việc lưu trữ dữ liệu trên các máy chủ của Trung Quốc, và kiểm duyệt các ứng dụng, qua đó cho phép chính quyền Bắc Kinh truy cập thông tin khách hàng.

Apple
(Ảnh minh họa: Par TonyV3112/Shutterstock)

Dẫn tài liệu nội bộ cùng thông tin thu thập từ các cuộc phỏng vấn với 17 nhân viên đã, đang làm việc tại Apple và 4 chuyên gia về bảo mật, tờ New York Times cho hay rằng Apple lưu trữ dữ liệu khách hàng Trung Quốc trong các máy chủ thuộc công ty quốc doanh. Sở dĩ hãng làm như vậy là để phù hợp theo yêu cầu của Luật An ninh mạng do Trung Quốc thông qua vào năm 2017. Đây chỉ là một trong vài nhượng bộ mà nhà sản xuất iPhone phải thực hiện trong 5 năm qua để có thể tiếp tục kinh doanh tại đây.

Theo New York Times, chính sách áp dụng đối với các khách hàng Trung Quốc hoàn toàn đi ngược với các tiêu chuẩn về quyền riêng tư nghiêm ngặt ở Mỹ.

Một số tổ chức và nhà lập pháp đã chỉ trích Apple trước các biện pháp mà họ thực hiện, trong đó có việc kiểm duyệt nội dung. Cụ thể, vào hôm 18/5 vừa qua, Thượng nghị sĩ Mỹ Marsha Blackburn cáo buộc rằng Apple đang trao cho Bắc Kinh những chìa khóa để theo dõi cuộc sống của hàng triệu người dùng Trung Quốc. Còn nhớ, vào hồi tháng 12/2020, chính trị gia Ken Buck thuộc đảng Cộng hòa đã lên án công ty vì xóa bỏ một số video game khỏi App Store Trung Quốc.

Năm 2017, Apple cho biết sẽ mở trung tâm dữ liệu tại Trung Quốc để tăng tốc các dịch vụ như iCloud cho người dùng địa phương và tuân thủ quy định yêu cầu doanh nghiệp toàn cầu lưu trữ dữ liệu trong nước. Khi đó, công ty nói sẽ xây dựng và vận hành trung tâm dữ liệu cùng với một pháp nhân do tỉnh Quý Châu đồng sáng lập.

Theo nguồn tin, CEO Tim Cook có động thái “bật đèn xanh” để sử dụng máy chủ của doanh nghiệp quốc doanh. Trung Quốc cũng được cho là không chấp nhận công nghệ mã hóa mà Apple sử dụng trong các trung tâm dữ liệu, vì thế họ không dùng nó. Điều này giúp nhà chức trách dễ dàng trích xuất thông tin nhạy cảm từ hàng triệu công dân như email, ảnh, địa chỉ. Hành vi chia sẻ thông tin nhạy cảm như vậy là phạm pháp tại Mỹ.

Apple cũng chủ động chặn các ứng dụng có thể khiến giới chức Trung Quốc “nổi giận”, theo Tờ New York Times. Hàng chục ngàn ứng dụng đã biến mất khỏi App Store từ năm 2017, nhiều hơn những gì được báo cáo. Tháng 8/2020, Viện nghiên cứu Qimai chỉ ra Apple xóa hơn 30.000 ứng dụng, trong đó 90% là game, tại đây. Ngoài ra, Apple từng công khai cho biết rằng họ đã chấp thuận 91% yêu cầu gỡ ứng dụng xuống, tương đương với 1.217 ứng dụng từ chính phủ Trung Quốc vào tháng 6/2020. Hãng cho biết họ tuân thủ luật pháp ở Trung Quốc và làm mọi thứ có thể để bảo vệ an ninh và quyền riêng tư đối với dữ liệu của khách hàng tại quốc gia này.

Cũng theo tờ New York Times, một nhân viên Apple tại trụ sở Cupertino, California (Mỹ) đã bị sa thải vì để lọt một ứng dụng của tỷ phú Quách Văn Quý (Guo Wengui) lên App Store. Apple phủ nhận sự việc có liên quan tới ứng dụng. Nhân viên này sau đó đã khởi kiện Apple.

Mối quan hệ giữa Apple và Trung Quốc đã tồn tại hàng thập kỷ. Phần lớn chuỗi cung ứng của hãng đặt tại Trung Quốc, nơi sản xuất và lắp ráp sản phẩm. Công ty thu về hơn 40 tỷ USD (tương đương gần 15% tổng doanh số) tại Trung Quốc đại lục trong năm tài chính 2020.

Trên thực tế, Trung Quốc là một khu vực quan trọng đối với Apple, cả về doanh số bán sản phẩm và dịch vụ, cũng như sự phụ thuộc sâu sắc vào chuỗi cung ứng của đất nước. Tóm lại, Trung Quốc đã giúp Apple trở thành công ty có giá trị lớn nhất thế giới, vậy nên, hãng này đã chọn cách nhượng bộ và thỏa hiệp để có thể trụ lại nơi đây, dù có phải vi phạm các tiêu chuẩn về quyền riêng tư được quy định rất khắt khe tại Mỹ.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: