Hôm 16/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh rút nước Nga ra khỏi Tòa Án Hình Sự Quốc Tế ICC. Sau đó một ngày, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte loan báo rằng nước này muốn noi theo Nga, rút khỏi định chế pháp lý “vô dụng” này.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (Ảnh: facebook)
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (Ảnh: facebook)

Các quan chức Nga được AFP dẫn lời mô tả toà án quốc tế trụ sở tại The Hague này không thực sự “độc lập” và không đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên theo giới phân tích, có nhiều lý do liên quan tới lợi ích cá nhân đã khiến Moscow và sắp tới có thể là Manila ra quyết định trên.

Trước tiên là ICC trong 14 năm hoạt động đã chỉ ra được 4 phán quyết và tất cả đều liên quan đến các sự kiện diễn ra ở Châu Phi. Nhưng đến tháng Giêng năm nay, ICC đã động chạm tới lợi ích của Nga khi mở điều tra về cuộc chiến giữa Nga và Gruzia năm 2008 và về tranh chấp ở Ukraine, nơi mà Nga bị tố cáo hậu thuẫn phe nổi dậy.

Ngoài ra còn cuộc chiến ở Syria, Nga can thiệp quân sự, ủng hộ chế độ Assad, và trút bom xuống Aleppo. Hội Đồng Bảo An đã từng muốn đưa vấn đề ra trước Tòa Án Hình Sự nhưng đã bị Nga chặn lại.

Sau cùng, việc rút ra khỏi ICC cũng là một hành động của ông Putin, muốn phủ nhận một định chế bị ông cho là do “phương Tây thành lập”.

Quyết định của ông Putin đã lập tức được một lãnh đạo châu Á muốn kết thân với ông bắt chước. Hôm qua (17/11), Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết sẵn sàng rút khỏi định chế CPI, theo gương Nga.

Vốn rất bất mãn trước những lời tố cáo của phương Tây nhắm chiến dịch chống ma túy của ông đã khiến hàng ngàn người bị giết, ông Duterte đã gọi ICC là một định chế “vô ích”, chỉ biết nhắm vào những nước nhỏ.

“Họ vô dụng, những người tại toà hình sự quốc tế. Họ (Nga) đã rút. Tôi có thể sẽ theo. Tại sao? Chỉ có nước nhỏ như chúng tôi bị bầm dập”, ông Duterte nói.

Tháng trước một công tố viên của ICC nói rằng Toà hình sự tại Hague có thể có quyền truy tố những kẻ đang giết người trong cuộc chiến ma tuý tại Philippines, trong đó hơn 2.400 người đã bị sát hại.

Sau 14 năm hoạt động bị cho là không hiệu quả, Tòa Án Hình Sự Quốc Tế đang đứng trước nguy cơ bị mất dần thành viên. Trước Nga, ba nước châu Phi là Gambia, Nam Phi và Burundi đã tuyên bố rút khỏi ICC.

Đức Trí (T/H)

Xem thêm: