Ngân hàng Thế giới đã bị cáo buộc “tài trợ cho một chiến dịch đàn áp” người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác ở Tân Cương trong một báo cáo mới tiết lộ sự can dự của cơ quan này đối với khu vực.

Screen Shot 2022 02 17 at 3.44.31 PM
Báo cáo của Hội đồng Đại Tây Dương về mối liên quan giữa World Bank và lao động cưỡng bức ở Tân Cương – Ảnh chụp màn hình.

Báo cáo của Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council), một tổ chức tư vấn nổi tiếng có trụ sở tại Washington, đã tìm thấy “bằng chứng quan trọng” rằng một số khách hàng của Tổ chức Tài chính Quốc tế (International Finance Corporation – IFC), một công ty con của Ngân hàng Thế giới, là “những người tham gia tích cực” trong một chiến dịch mà Trung Quốc đã bị cáo buộc sử dụng rộng rãi lao động cưỡng bức, ép buộc người dân di dời khỏi vùng đất của họ, xóa sổ văn hóa và hủy hoại môi trường ở Tân Cương.

Báo cáo dài 69 trang với tên gọi “Tài chính và Diệt chủng” dựa trên báo cáo của chính phủ và truyền thông nhà nước Trung Quốc, hình ảnh vệ tinh về hoạt động của khách hàng của IFC, tài liệu dự án IFC, báo cáo công khai và tiết lộ của công ty.

Vào năm 2019, IFC đã cho Tập đoàn Công nghệ sinh học Chenguang vay 40 triệu USD để hỗ trợ các yêu cầu về vốn lưu động liên tục trong sáu năm. Đây là công ty sản xuất và xuất khẩu các chất chiết xuất từ ​​thực vật và chất phụ gia và có nhiều khách hàng Mỹ.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy quảng cáo tuyển dụng cho các vị trí hành chính trong công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của Chenguang, Xinjiang Chenxi Pepper Industry Co., được yêu cầu phải là “dân tộc Hán”.

Công ty này đã xây dựng các cơ sở ở Yarkant, một quận ở phía nam Tân Cương, với mục đích cụ thể là tuyển dụng lao động nghèo “thông qua các chương trình giảm nghèo và chuyển đổi lao động do nhà nước tài trợ”, báo cáo viết.

Báo cáo cho biết thêm rằng các chương trình tuyển dụng lao động như vậy “thường được nhà nước bảo trợ và cưỡng chế phân công những người nghèo khó làm những công việc có kỹ năng thấp/lương thấp, thường là trái với ý muốn của họ”.

Tập đoàn Camel, một trong những nhà sản xuất pin lớn nhất Trung Quốc và là nhà cung cấp cho Volkswagen, Ford, Audi và General Motors, đã vay 81 triệu USD từ IFC trong năm 2019 để xây dựng các nhà máy tái chế và nâng cấp các cơ sở hiện có ở Tân Cương.

Tập đoàn Camel đã công khai xác nhận rằng họ đã tham gia vào các chương trình “xóa đói giảm nghèo” ở Tân Cương, bao gồm cả các kế hoạch chuyển đổi lao động gây tranh cãi.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng trong những kế hoạch như vậy, những công nhân Duy Ngô Nhĩ được Camel tuyển dụng đã được “huấn luyện về quân sự và tư tưởng, và họ được yêu cầu hát những bài hát yêu nước và học tiếng Trung Quốc”.

Báo cáo cho biết những hoạt động như vậy là “khóa đào tạo trước khi làm việc”, “chỉ ra rằng những người tham gia không được phép tự do đến và đi khỏi khóa đào tạo”.

Các cáo buộc tương tự được đưa ra về gói tài trợ 175 triệu USD của IFC từ năm 2014 đến 2016 cho nhà sản xuất phân bón và kim loại Century Sunshine Group Holdings và gần 200 triệu USD tài trợ trong năm 2019 và 2020 cho Jointown Pharmaceutical Group, nhà sản xuất thiết bị y tế và thiết bị bảo hộ cá nhân PPE.

Ví dụ, Jointown đã quảng cáo công khai việc tuyển dụng hơn 200 công nhân cho một cơ sở công nghiệp ở Urumqi, thủ phủ của vùng Tân Cương, thông qua các chương trình chuyển giao lao động do nhà nước tài trợ

“Cơ sở Urumqi, được tài trợ một phần bằng khoản vay năm 2019 của IFC, nằm ở một trong những khu nhà tù lớn nhất của Urumqi. Trong 20 năm qua, khu vực này đã chuyển đổi từ một huyện nông nghiệp sang một diện tích hơn 150 ha nhà tù, cơ sở giam giữ và trại giáo dục,” các nhà nghiên cứu viết.

Các nhà nghiên cứu kêu gọi Ngân hàng Thế giới rời khỏi khu vực, khẳng định khoản tài trợ – tổng cộng 486 triệu USD cho các khoản vay trực tiếp và đầu tư cổ phần cho 4 công ty hoạt động ở Tân Cương – đã vi phạm các tiêu chuẩn riêng của mình.

Các chính trị gia châu Âu đã lặp lại những yêu cầu này.

“Ngân hàng Thế giới tồn tại để hỗ trợ sự phát triển toàn cầu, không phải để tài trợ cho chế độ nô lệ hiện đại. Không thể có thêm lời thoái thác nào nữa. Họ phải thoái vốn khỏi những công ty có liên quan đến lạm dụng lao động cưỡng bức ngay lập tức”, Samuel Cogolati, một nghị sĩ Bỉ, người đã bị Trung Quốc trừng phạt năm ngoái vì bảo trợ cho cuộc tranh luận về cáo buộc diệt chủng ở Tân Cương tại quốc hội Bỉ.

Một lá thư có chữ ký của 20 nhà lập pháp châu Âu và Bắc Mỹ gửi cho chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass và được điều phối bởi Liên minh Liên Nghị viện về Trung Quốc cho biết “Ngân hàng Thế giới không được tham gia vào việc tài trợ cho những hành vi lạm dụng này”.

“Chúng tôi, với tư cách là các nghị sĩ trên toàn thế giới, kêu gọi Ngân hàng Thế giới và IFC thoái vốn khỏi các công ty vi phạm nhân quyền ở [khu tự trị Tân Cương],” bức thư viết.

Tân Cương đã trở thành một vấn đề địa chính trị rất lớn trong những năm gần đây.

Chính phủ Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc phạm tội “diệt chủng” tại khu vực, và mới đây đã cấm nhập khẩu các hàng hóa được sản xuất tại Tân Cương. Mỹ cũng dẫn đầu một cuộc tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh.

Những tuyên bố này đã được Quốc hội các nước bao gồm Anh, Pháp, Bỉ và Hà Lan ủng hộ.

Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc kiên quyết phủ nhận các cáo buộc. 

Một phát ngôn viên của IFC cho biết tổ chức này “rất coi trọng các cáo buộc về lao động cưỡng bức và đối xử tàn tệ với các nhóm dễ bị tổn thương”, nhưng không trả lời trực tiếp các câu hỏi về các cam kết của mình ở Tân Cương.

Báo cáo được viết chung với Trung tâm Công lý Quốc tế Helena Kennedy tại Đại học Sheffield Hallam và NomoGaia, một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận hoạt động nhằm giảm thiểu rủi ro về nhân quyền cho các doanh nghiệp.

Báo cáo cũng nêu tên Ngân hàng Đầu tư Châu Âu, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu, Ngân hàng Phát triển Châu Á, Tổng công ty Đầu tư Đức và Công ty Tài chính Phát triển Hà Lan là các tổ chức tài chính có liên quan đến các vấn đề xã hội, môi trường và lao động “có vấn đề” ở Tân Cương.

Xuân Lan (theo SCMP)

Xem thêm: