Ngày 9/8, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken chỉ trích hành vi bắt nạt của chính quyền Trung Quốc đang đe dọa trật tự hàng hải dựa trên luật lệ ở Biển Đông.

Embed from Getty Images

Ông Blinken nói: “Ở Biển Đông, chúng tôi đã chứng kiến ​​những cuộc chạm trán nguy hiểm giữa các tàu thuyền trên biển, cũng như các hành động khiêu khích nhằm thúc đẩy các yêu sách hàng hải trái pháp luật. Hoa Kỳ đã nêu rõ những quan ngại liên quan đến các hành động đe dọa và bắt nạt các quốc gia khác [của Trung Quốc] nhằm tiếp cận hợp pháp các nguồn tài nguyên hàng hải của họ.”

Khi nhắc đến các nguyên tắc được ghi trong Hiến chương Liên Hợp Quốc, ông Blinken nói thêm: “Những nỗ lực giải quyết tranh chấp hàng hải thông qua đe dọa hoặc sử dụng vũ lực đã làm mất đi những nguyên tắc này.”

Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã đưa ra nhận xét trên trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về an ninh hàng hải vào ngày 9/8 vừa qua. Cuộc họp trực tuyến do Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chủ trì.

Ông cảnh báo: “Khi một quốc gia không phải chịu hậu quả cho hành vi phớt lờ những quy định này, điều đó sẽ làm gia tăng tình trạng được miễn trừng phạt và làm gia tăng bất ổn khắp nơi.”

Chế độ Trung Quốc vô cùng tích cực trong việc bảo vệ các tuyên bố chủ quyền của họ ở Biển Đông bất chấp phán quyết quốc tế năm 2016. Thời điểm đó, Tòa án Trọng tài Thường trực của La Hay đã bác bỏ yêu sách “Đường chín đoạn” (Đường lưỡi bò} của Trung Quốc đối với khoảng 85% diện tích 2,2 triệu dặm vuông của Biển Đông. Phán quyết tuyên bố, yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh không phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Hồi tháng 3, hơn 200 tàu Trung Quốc – được cho là của lực lượng dân quân hàng hải của Bắc Kinh – đã neo đậu tại Đá ngầm Whitsun, một trong những bãi đá ngầm, đảo và đảo san hô đang tranh chấp ở Biển Đông mà Brunei, Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam đều khẳng định chủ quyền.

Cả Việt Nam và Philippines đều lên án hành động này của Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền lãnh thổ của họ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price cũng đăng tweet kêu gọi Trung Quốc “ngừng sử dụng lực lượng dân quân hàng hải của mình nhằm đe dọa và khiêu khích các quốc gia khác”.

Đầu tháng 7 vừa qua, Reuters đưa tin về sự hiện diện ngày càng tăng của Bắc Kinh ở các vùng biển xung quanh Philippines, khi các ngư dân Philippines phàn nàn về việc họ bị tàu Trung Quốc theo dõi, đâm húc hoặc bắn vòi rồng.

Nỗ lực quân sự hóa liên tục của Trung Quốc ở Biển Đông, bao gồm việc thiết lập các sân bay và tiền đồn trên các bãi đá ngầm và đảo, cũng đang khiến các nước láng giềng bất an. Vào tháng 7, The Washington Times đưa tin, Bắc Kinh đã triển khai máy bay quân sự từ các đảo trong vùng biển tranh chấp, trích dẫn các hình ảnh vệ tinh mà hãng tin tức này thu được.

Việc triển khai lực lượng quân sự đồng nghĩa với việc quân đội Trung Quốc “có thể đã sớm bắt đầu các hoạt động không quân thường lệ từ các sân bay đó”, hãng tin này dẫn lời cựu sĩ quan tình báo Hải quân J. Michael Dahm.

Ông Blinken cũng nhân cơ hội này nhấn mạnh rằng, tất cả các quốc gia, không chỉ các quốc gia có yêu sách đối với vùng biển tranh chấp, đều có trách nhiệm giải quyết tranh chấp.

Blinken nói: “Đó là công việc, và hơn thế nữa là trách nhiệm của mọi quốc gia thành viên trong việc bảo vệ các quy tắc mà tất cả chúng ta đã đồng ý tuân theo, đồng thời giải quyết các tranh chấp trên biển một cách hòa bình.”

Ông cho biết thêm: “Xung đột ở Biển Đông hay ở bất kỳ vùng biển nào đều sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng trên toàn cầu đối với an ninh và thương mại.”

Biển Đông là một tuyến đường thương mại hàng hải chính, chiếm khoảng 20% – 33% thương mại hàng hải toàn cầu. Vùng biển này cũng rất giàu trữ lượng cá và khí đốt.

Phát biểu tại cuộc họp còn có ông Đới Bình (Dai Bing), phó đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc. Theo Tân Hoa xã của nhà nước Trung Quốc, ông Đới đã cáo buộc Hoa Kỳ có “động cơ chính trị” khi đưa ra vấn đề Biển Đông ra trước cuộc họp của Hội đồng Bảo an.

“Bản thân Hoa Kỳ không đủ tư cách để đưa ra những nhận xét vô trách nhiệm về vấn đề [Biển Đông],” ông Đới nhận xét. “Chính quốc gia này (Mỹ) đã trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình và ổn định ở Biển Đông.”

Tháng trước, Liên minh châu Âu và Đức đã tận dụng lễ kỷ niệm 5 năm ngày ra phán quyết về Biển Đông, ngày 12/7, để lên tiếng ủng hộ một quyết định mang tính bước ngoặt về vấn đề này. Trong khi đó, Canada và Mỹ cũng nhân cơ hội này kêu gọi Trung Quốc tuân thủ. phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực của La Hay.

Minh Ngọc (T/h)

Xem thêm: