Đã gần 4 tháng kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24/2, dù các nước phương Tây đã tích cực hỗ trợ quân sự cho Ukraine với hy vọng Nga rút quân hoặc thậm chí tuyên bố thất bại, nhưng gần đây đã bắt đầu có những lo ngại phương Tây không đủ kiên trì do cuộc chiến kéo dài.

50838230762 88e1810de9 b
Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis (Nguồn: J. Azanovo/ Flickr)

Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine thì Litva (Lithuania) luôn là một trong những nước ủng hộ Ukraine kiên định nhất, là nước đầu tiên coi Nga là một quốc gia khủng bố. Ngày 10/6, tạp chí chính trị của Mỹ “Foreign Policy” đã đăng một cuộc phỏng vấn độc quyền với Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis.

Trả lời về cuộc chiến Ukraine-Nga, ông Landsbergis thẳng thắn nói rằng để giành chiến thắng thì Ukraine vẫn còn cả một chặng đường dài phía trước, và ít nhất ông đã nhận được một số tin không vui, mặc dù quân đội Nga chưa đạt được mục tiêu cụ thể nào, nhưng tình hình hiện tại của quân đội Ukraine ở khu vực phía đông đang cấp bách, nên khả năng Nga không thất bại vẫn là rất cao. Mặc dù Nga đã phải hứng chịu các lệnh trừng phạt của quốc tế và chịu rất nhiều tổn thất nhưng họ không có ý định dừng lại, nếu Nga có thể tiếp tục kéo dài cuộc chiến thì sẽ đến lúc tình hình địa chính trị thế giới rất nguy hiểm.

Về việc liệu sự ủng hộ của các nước phương Tây dành cho Ukraine có đủ hay không, ông Landsbergis cho biết hiện chưa thấy cam kết rõ ràng từ các cường quốc để Ukraine chiến thắng, để hiện thực hóa cam kết này thì vẫn còn phải nỗ lực rất nhiều về mặt chính trị và ngoại giao.

Ông Landsbergis đặc biệt nhấn mạnh nếu để Ukraine mất lãnh thổ thì vấn đề “đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ” của các nước xung quanh cũng sẽ gặp nguy cơ nghiêm trọng, khi đó không nước nào có thể đảm bảo an toàn tuyệt đối, mọi người đều gặp rủi ro.

Ukraine lo lắng phương Tây không thể mãi kiên nhẫn giúp Ukraine

Khi cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine bước sang tháng thứ 4, các quan chức ở Kyiv lo ngại rằng các nước phương Tây sẽ bắt đầu cảm thấy mệt mỏi vì cuộc chiến và điều này có thể làm xói mòn quyết tâm hỗ trợ Ukraine chống lại sự xâm lược của Nga.

Tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine vốn đã bực tức với phương Tây đề nghị ông nên chấp nhận một số loại thỏa hiệp, cho biết Ukraine sẽ tự quyết định các điều khoản của hòa bình.

Ông Zelensky nói rằng hiện nay tâm trạng mệt mỏi của phương Tây đối với cuộc chiến tranh đang gia tăng, mọi người muốn một kết quả nhất định (tốt cho họ), nhưng chúng tôi muốn (một kết quả khác) tốt cho chúng tôi.

Nhà phân tích chính trị Volodymyr Fesenko tại Trung tâm Penta cho biết, cuộc chiến đã tiêu tốn của Ukraine 5 tỷ USD mỗi tháng, khiến Kyiv phụ thuộc nhiều hơn vào liên minh các cường quốc phương Tây.

Ukraine cần những vũ khí tối tân hơn để đảm bảo có thể thắng lợi trong cuộc chiến, nhưng cũng phụ thuộc vào quyết tâm của phương Tây trong việc tiếp tục các biện pháp trừng phạt nhằm làm suy yếu nền kinh tế Nga.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin AP, chuyên gia Fesenko nói rằng rõ ràng Nga đang quyết tâm để có thể khiến phương Tây mất kiên nhẫn, họ xây dựng chiến lược giả định các nước phương Tây sẽ mệt mỏi và dần dần thay đổi thái độ từ chủ động sang nhượng bộ.

Quan chức Ukraine: Nga còn khả năng duy trì cuộc chiến kéo dài

Theo Washington Post, Phó Cục trưởng Cục Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine là Vadym Skibitsky cho biết, theo đánh giá của chúng tôi, Nga vẫn có khả năng phát động một cuộc chiến lâu dài xâm lược Ukraine.

Ông chỉ ra rằng ngoài 103 tổ hợp tác chiến cấp tiểu đoàn (BTG) đã được đưa vào chiến trường Ukraine, Nga có 40 BTG làm đội dự bị; ngoài ra trong bối cảnh không cần chế tạo vũ khí mới như hiện nay thì Nga vẫn có thể duy trì được thêm ít nhất một năm về cường độ chiến đấu như hiện tại.

Ông Skibitsky nói thêm rằng mục tiêu chính của cái gọi là “hoạt động quân sự đặc biệt” đã không đạt được, vì vậy ông Putin sẽ tiếp tục cuộc chiến chống lại Ukraine.