Tại buổi điều trần trước Thượng viện Hoa Kỳ hôm 11/1, ông Rex Tillerson, người được ông Trump chọn là tân Ngoại trưởng nói rằng phải chặn đường tiếp cận của Trung Quốc đến các đảo nhân tạo xây trong khu vực biển Đông đang có tranh chấp. 

Rex Tillerson, cựu chủ tịch và CEO của Tập đoàn Exxon Mobil, người được Donald Trump bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Hoa Kỳ

Bắc Kinh thời gian vài năm qua đã xây dựng nhiều đảo nhân tạo trên các bãi san hô trong khu vực biển mà nhiều nước khác cũng tuyên bố chủ quyền.

Những hình ảnh vệ tinh được đưa ra cuối năm ngoái cho thấy có sự hiện diện của lực lượng quân sự tại một số đảo này. Trung Quốc nói họ không sử dụng đảo chiếm đóng vào mục đích quân sự, nhưng thừa nhận có căn cứ quân sự phòng vệ.

Ông Tillerson, người phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, nói rằng Hoa Kỳ cần phải mạnh tay trước các hoạt động lâu nay của Bắc Kinh tại biển Đông:

Chúng ta cần gửi đến Trung Quốc một dấu hiệu rõ ràng. Thứ nhất, việc xây dựng đảo phải chấm dứt, và thứ hai, họ sẽ không được phép tiếp cận các đảo đó nữa.

Động thái xây đảo của Trung Quốc đã gây nhiều căng thẳng trong khu vực và cả quốc tế.

Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên phần lớn lãnh thổ biển Đông, chồng lấn lên các tuyên bố của Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Malaysia và Brunei.

Theo ông Tillerson, việc bồi đắp đảo nhân tạo tại biển Đông, cũng như việc tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên quần đảo Senkaku, dưới quyền kiểm soát của Nhật Bản ở Biển Hoa Đông, là những hành vi phi pháp vì đó là “xâm chiếm lãnh thổ hoặc giành quyền kiểm soát hoặc tuyên bố kiểm soát những vùng lãnh thổ không thuộc về Trung Quốc một cách hợp pháp”.

Ông còn so sánh việc xây dựng các hòn đảo biển Đông, triển khai thiết bị quân sự trên đó, với hành vi của Nga xâm chiếm bán đảo Crimea của Ukraine.

Đây là lần đầu tiên mà người được đề cử làm nhân vật lãnh đạo ngành ngoại giao Mỹ lại bộc lộ một cách rõ ràng, công khai một quan điểm rất cứng rắn đối với Trung Quốc như vậy. Phiên điều trần hôm 1/11 diễn ra để Thượng viện Mỹ chẩn thuận việc bổ nhiệm ông vào chức ngoại trưởng.

Tuy nhiên Ngoại trưởng tương lai không cho biết Hoa Kỳ có thể có những biện pháp cụ thể nào nhằm buộc Trung Quốc đình chỉ việc xây dựng đảo hay cấm không cho tiếp cận các đảo này. Trong hơn một năm qua, Hải Quân Mỹ đã nhiều lần cho chiến hạm tiến hành các chiến dịch tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải trong khu vực biển Đông, gây ra các đợt căng thẳng với Trung Quốc.

Chính quyền Obama đã có thông điệp phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc xây đảo, đồng thời nỗ lực xây dựng quan hệ với các nước Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc. Nhà Trắng cũng cam kết sẽ đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông và đã điều tàu hải quân đến vùng biển có tranh chấp.

Nhưng chính quyền Obama không đe dọa chặn đường đến các đảo này, một tuyên bố nhiều khả năng sẽ làm Bắc Kinh tức giận.

Đáp lại lời phát biểu của ông Tillerson, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói Trung Quốc có quyền thực hiện “những hoạt động bình thường” trên lãnh thổ của mình.

Khi được hỏi về bình luận chặn đường đến đảo của ông Tillerson và phản ứng của Trung Quốc, ông Lục Khảng nói ông không trả lời những câu hỏi mang tính giả thuyết.

Phát biểu của ông Tillerson dường như làm rõ thái độ của chính quyền Trump tương lai đối với hoạt động tại biển Đông của Trung Quốc.

Ông Trump không hay nhắc đến tranh chấp tại khu vực này khiến người ra không rõ thái độ của ông, không biết liệu Tổng thống Mỹ tương lai có bỏ ngỏ biển Đông để Trung Quốc tung hoành ở đây hay không. Hồi tháng Ba 2016 khi còn vận động tranh cử, ông Trump từng chê trách chính quyền Obama mềm yếu trước các hành động xây pháo đài quân sự trên biển Đông của Trung Quốc. Ông viết trên Twitter rằng Bắc Kinh đã ngang nhiên làm như vậy, vì họ “không có sự tôn trọng đối với tổng thống Mỹ và không có sự tôn trọng đối với nước Mỹ”.

Đức Trí (T/H)

Xem thêm: