Lần đầu tiên Thủ tướng cánh hữu mới của Ý Giorgia Meloni sẽ gặp các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) vào ngày thứ Năm (3/11) kể từ khi bà được bầu. Cuộc khủng hoảng năng lượng dự kiến sẽ là trọng tâm của chương trình nghị sự.

Embed from Getty Images

Nữ lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc Meloni đã cam kết sẽ đặt quyền lợi của Ý lên hàng đầu. Chuyến công du của bà đang được chú ý rất nhiều bởi vì nhiều người lo ngại về mối quan hệ không kiểm soát được giữa chính phủ dân túy ở Rome với các cường quốc khác trong EU.

Trong một cuốn sách sẽ được xuất bản vào thứ Sáu (4/11), Thủ tướng Meloni chỉ trích: “Một châu Âu xâm lấn vào những việc nhỏ và vắng mặt trong những vấn đề lớn,” đồng thời đề xuất: “Brussels không nên làm những gì Rome có thể làm tốt nhất.”

Trong chuyến công du quốc tế đầu tiên của mình kể từ khi nhậm chức, Thủ tướng Meloni sẽ gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Lãnh đạo Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola.

Đây sẽ là cuộc chạm chán trực tiếp đầu tiên của thủ tướng mới của Ý với các nhà lãnh đạo châu Âu kể từ khi bà von der Leyen chọc giận các đảng cánh hữu của Ý trước cuộc tổng tuyển cử vào tháng 9 bằng cách cảnh báo những hậu quả nếu quốc gia hình chiếc ủng quay lưng lại với các nguyên tắc dân chủ.

Tuy nhiên, phát biểu với đài AFP, nhà phân tích chính trị Lorenzo Codogno nhận định, nữ thủ tướng đầu tiên của Ý, người đứng đầu chính phủ cực hữu nhất kể từ Thế chiến thứ hai, sẽ đến thủ đô Brussels của Bỉ để ngoại giao, chứ không phải chiến tranh.

Ông nhận xét: “[Thủ tướng] Meloni là người thực dụng và muốn được thừa nhận là một nhà lãnh đạo chính thống và ôn hòa.”

Bước đi một cách thận trọng

Nhà lãnh đạo của nền kinh tế lớn thứ ba trong khu vực đồng euro dự kiến sẽ nhấn mạnh tính cấp thiết đối với các biện pháp cụ thể của châu Âu nhằm cắt giảm giá năng lượng cao ngất trời, cuộc chiến mà người tiền nhiệm của bà, Thủ tướng Mario Draghi đã khởi xướng.

Nhà phân tích Codogno chỉ ra: “Trọng tâm thực sự sẽ là năng lượng … vấn đề cấp bách nhất khi mùa đông đang đến gần,” đồng thời ông dự đoán, Thủ tướng Meloni sẽ quyết tâm “thể hiện sự liên tục với chính phủ Draghi”.

Trước đây, Thủ tướng Draghi đã cùng các nước khác trong EU kêu gọi tiến hành các giải pháp trong toàn khối để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng do cuộc chiến ở Ukraine gây ra, thay vì cách tiếp cận đơn độc gây tranh cãi của Đức.

Thủ tướng Meloni cũng tin rằng cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất của cựu lục địa phải được giải quyết “ở cấp độ EU.”

Nhật báo Messagero của Ý bình luận, chuyến công du của bà “sẽ không có kết quả thực tế ngay lập tức,” nhưng nó sẽ giúp Thủ tướng Melogi đánh giá “triển vọng là gì” để kêu gọi sự giúp đỡ từ EU trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách nhất của đất nước.

Ông Sebastien Maillard, giám đốc Viện Jacques Delors cho hay, về phần mình, các nhà lãnh đạo EU hy vọng sẽ sử dụng cuộc họp để “hiểu rõ hơn những gì [Thủ tướng] Meloni dự định làm”.

Ông Maillard nhận xét, “Ngoài các thông điệp xoa dịu”, trong đó Thủ tướng Meloni cam kết ủng hộ NATO và phương Tây cũng như tách ly đảng “Brothers of Italy” của mình khỏi chủ nghĩa phát xít, thì “bà vẫn còn khá mơ hồ về các mục tiêu của mình”.

Brussels sẽ bước đi một cách thận trọng, để tránh đẩy Thủ tướng Meloni về phía các chính phủ chủ nghĩa dân tộc khác trong EU như Hungary và Ba Lan.

Khó có khả năng xảy ra một trận tranh đấu quyết định giữa Ý và EU về quỹ phục hồi sau đại dịch của EU, vốn đang tài trợ gần 200 tỷ euro (197 tỷ đô la) cho Ý với điều kiện nước này phải thực hiện các cải cách quan trọng.

Nhà phân tích Codogno lưu ý, mặc dù Thủ tướng Meloni cho biết bà muốn “điều chỉnh” kế hoạch để tính đến chi phí năng lượng và nguyên liệu thô ngày càng tăng, nhưng những điều chỉnh đó, nếu có, sẽ được xử lý ở mức độ kỹ thuật.

Ông Maillard đồng ý rằng “về các vấn đề kinh tế, [Thủ tướng Meloni] không có lợi ích gì trong việc chọn một cuộc chiến với châu Âu. Nếu bà cư xử tồi với châu Âu, điều đó sẽ đi ngược lại với lợi ích của người Ý.”

Tuy nhiên, Brussels khó có thể tránh được một cuộc xung đột với Ý ở một mức độ nào đó về vấn đề nhập cư, một vấn đề nóng bóng về nhân quyền ở Ý. Ý từ lâu đã trở thành quốc gia tiền tuyến đối với người di cư muốn đến châu Âu.

Ngân Hà (Theo AFP)