Tình trạng khan hiếm giường bệnh ở Thái Lan đã gây áp lực lên hệ thống y tế cộng đồng của nước này, giữa bối cảnh làn sóng COVID-19 mới đã lây nhiễm cho hơn 34.000 bệnh nhân trong tháng 4/2021.

Thái Lan
(Ảnh minh họa: Par Cat Box/Shutterstock)

Hôm 29/4 vừa qua, Trung tâm Quản lý Tình huống COVID-19 của Thái Lan (CCSA) đã báo cáo 1.871 trường hợp mắc mới và thêm 10 ca tử vong. Mặc dù số trường hợp nhiễm bệnh hàng ngày đã giảm xuống dưới 2.000 (lần đầu tiên trong 6 ngày), nhưng các bệnh viện ngày càng chật kín các bệnh nhân nặng.

Dữ liệu từ Bộ Y tế Công cộng cho thấy sự gia tăng dần đều số bệnh nhân có nhu cầu đặt nội khí quản và những người bị viêm phổi hoặc viêm các mô phổi, có thể dẫn đến tình trạng suy hô hấp và tử vong. Số lượng bệnh nhân như vậy đã vượt quá 1.000 vào hôm 29/4.

Sự gia tăng liên tục của các ca nhiễm bệnh đã dẫn đến việc phải mở một số bệnh viện dã chiến và bệnh viện khách sạn trên toàn quốc, nơi vẫn còn trống 10.000 giường bệnh.

Tuy nhiên, những cơ sở này chỉ có thể tiếp nhận những bệnh nhân không có triệu chứng và những người có triệu chứng nhẹ. Đối với những người có triệu chứng nặng, họ cần được điều trị tại các bệnh viện thông thường.

Theo Bộ Dịch vụ Y tế, có 44.560 giường bệnh trên khắp Thái Lan. Tính đến ngày 27/4, có 22.865 giường có thể dùng được.

Nhưng hơn một nửa trong số này được đặt tại các bệnh viện dã chiến và bệnh viện khách sạn, trong khi một số lượng lớn giường bệnh ở các bệnh viện thông thường đã được sử dụng.

“Các phòng cách ly bệnh lây nhiễm qua không khí (AIIR) được trang bị hầu hết cho những bệnh nhân nặng cần đặt nội khí quản. AIIR đã được sửa sang cũng có thể thích ứng với những người có tình trạng nghiêm trọng. Hai loại phòng này hiện đã có 70% đến 80% người dùng,” Phó Giám đốc Bộ Dịch vụ Y tế Nattapong Wongwiwat cho biết trong một cuộc họp báo hôm 27/4.

“Vì vậy, thành thật mà nói, chúng tôi rơi vào hoàn cảnh khan hiếm giường dành cho bệnh nhân mới trừ khi được quản lý tốt”.

Theo Nattapong, điều quan trọng là phải dần dần đưa bệnh nhân ra khỏi AIIR và các khu chăm sóc tích cực (ICU) khi họ đã hồi phục để có chỗ cho những người cần dùng đến. Đồng thời, ông cũng lưu ý rằng Thái Lan cũng cần nhiều hơn những phòng như vậy ở cả bệnh viện tư nhân và bệnh viện công.

Nattapong cho biết: “AIIR vẫn thể sử dụng trong các bệnh viện tư nhân nhưng đối với bất kỳ bệnh nhân nào được nhận vào đây, điều đó phụ thuộc vào chẩn đoán của bác sĩ. Những bệnh nhân có nhiều triệu chứng sẽ được đưa vào đầu tiên. Còn đối với những bệnh nhân mới xuất hiện triệu chứng thì họ có thể đợi, hệ thống sẽ ứng phó dần dần. Điều tương tự cũng áp dụng cho các bệnh viện tư nhân”.

Dữ liệu từ Bộ Y tế Công cộng cho thấy số ca nhiễm mới hàng ngày đã tăng vọt từ 194 ca trong ngày 5/4 lên 2.070 ca vào ngày 23/4. Số ca mắc mới hàng ngày vẫn cao hơn 2.000 cho đến hôm 29/4.

Theo CNA,

Phan Anh

Xem thêm: