Thủ tướng Campuchia Hun Sen thề sẽ đập tan bất cứ một cuộc biểu tình nào của phe đối lập trong khi cảnh vệ của ông lùng sục thủ đô Pnom Penh để truy bắt lãnh đạo của đảng đối lập.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen
Thủ tướng Campuchia Hun Sen

Căng thẳng chính trị và an ninh tại thủ đô Phom Penh dâng cao trong nhiều tuần nay, kể từ khi ông Kem Sokha, phó chủ tịch Đảng Cứu nguy Dân tộc (CNRP) bị tuyên án vắng mặt 5 tháng tù trong một phiên toà được xem là có động cơ chính trị, theo tờ The Sydney Morning Herald.

Đỉnh điểm của căng thẳng là trong tuần qua, hằng đêm binh sĩ thuộc đội cảnh vệ cấp cao 3000 người khét tiếng lạm quyền của ông Hun Sen được điều động bằng xe tải tới vây ráp trụ sở của CNRP, nơi ông Sokha đang ẩn náu. Thậm chí Thủ tướng Campuchia còn điều trực thăng và tàu chiến để đe doạ những người thuộc phe đối lập.

Hôm thứ Hai vừa rồi, CNRP ra tuyên bố rằng họ quyết định “tổ chức biểu tình bất bạo động quy mô lớn trong tương lai gần, nhằm đòi trả lại môi trường chính trị bình thường để đảm bảo bầu cử công bằng, tự do thông qua một giải pháp chính trị chung”.

Chúng ta không thể cứ cúi đầu, để họ trói tay trói chân, bịt mồm bịt miệng đến khi chúng ta chết. Con giun xéo lắm cũng quằn“, ông Kem Sokha tuyên bố trên tờ PhnomPenh Post, sau khi chính ông và các nhân vật chủ chốt trong Đảng lật lượt bị tấn công.

Thủ tướng Hun Sen đáp lại bằng việc tố cáo CNRP đang đe dọa sự ổn định của đất nước. “Chính phủ Hoàng gia muốn cảnh báo bất cứ ai phạm sai lầm, đừng tiếp tục sai lầm nữa, nếu không sẽ phải hứng chịu hậu quả xấu“, ông nói.

Bộ Quốc phòng Campuchia thề rằng quân đội sẽ “hy sinh tất cả để bảo vệ quốc gia” và kiên quyết thực hiện mệnh lệnh của ông Hun Sen một cách mạnh mẽ và hiệu quả.

Trong khi đó, 36 quốc gia do Mỹ dẫn đầu đã thông qua một tuyên bố chung lên án tình hình “căng thẳng chính trị leo thang” tại Campuchia. Washington hôm qua (14/9) gửi thông điệp tới Liên Hiệp Quốc, chỉ trích chính phủ của ông Hun Sen sử dụng toà án và hệ thống pháp luật để đe doạ và triệt tiêu đảng phái đối lập.

Chủ tịch CNRP Sam Rainsy đã phải chạy sang Pháp lưu vong sau một loạt lệnh bắt nhắm vào ông từ cuối năm 2008. Sau đó phó chủ tịch Kem Sokha lên nắm quyền và cũng trở thành mục tiêu của chính quyền Phom Penh.

Mỹ, EU, Anh và Nhật Bản cũng đã bày tỏ sự ủng hộ đối với phe đối lập, và ngày càng chỉ trích chính phủ Campuchia quyết liệt hơn đối với những vấn đề liên quan đến nhân quyền và dân chủ.

Ông Hun Sen, nhà độc tài cầm quyền ở Campuchia trong gần 20 năm đã sử dụng vũ lực đàn áp đẫm máu những người đối lập, nhưng vẫn cho phép một hình thức “dân chủ” tồn tại, đủ để cho các quốc gia viện trợ phương tây không áp đặt chế tài lên chính phủ của ông.

Tuy nhiên trong cuộc bầu cử năm 2013, mọi thứ đã không còn nằm trong tầm kiểm soát của Hun Sen, khi mà đảng Nhân dân cầm quyền chật vật chỉ giữ được 68 trong quốc hội 123 ghế. Các nhà phân tích cho rằng người dân Campuchia ngày càng hiểu biết và có giáo dục đang tỏ rõ thái độ chán ghét chế độ độc tài, tham nhũng khiến hàng triệu người phải sống trong nghèo khổ.

Tuy nhiên khác với Myanmar, nơi đã và đang chứng kiến cuộc chuyển mình vĩ đại từ độc tài sang dân chủ, các chuyên gia nhận định chính quyền Phnom Penh sẽ sử dụng mọi biện pháp, phương tiện cần thiết, kể cả vũ lực, để duy trì quyền lực. Một tình cảnh “lưỡng bại câu thương” đối với nền chính trị Campuchia đang được cảnh báo trong cuộc giằng co khốc liệt này. Vòng xoáy bạo lực và trả thù chính trị sẽ tiếp diễn, ám ảnh đất nước Campuchia cho đến một tương lai không rõ ràng.

Trọng Đức