Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 21/7, thế giới ghi nhận thêm khoảng 522.185 ca mắc COVID-19 mới và 8.097 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 191.219.529 ca, trong đó có khoảng 4.092.530 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par Debora Himawan/Shutterstock)

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngày 21/7, thế giới có 112 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 89 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 21/7 đánh giá biến thể Delta, được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ, tới nay đã lây lan ra 124 quốc gia và vùng lãnh thổ. Biến thể này cũng được phát hiện trong hơn 75% số mẫu bệnh phẩm được đưa đi phân tích chuỗi gen tại nhiều quốc gia lớn. Trong báo cáo dịch bệnh hằng tuần công bố ngày 20/7, WHO cho rằng biến thể này sẽ lấn án tất cả các biến thể khác và trở thành biến thể gây bệnh chính trong những tháng tới.

Mỹ vẫn là quốc gia đứng đầu thế giới về số ca mắc và ca tử vong với 35.127.367 ca, trong đó 625.719 ca tử vong. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ, số ca nhiễm biến thể Delta đã gia tăng đáng kể và hiện chiếm tới 83% các mẫu được giải trình tự gen tại Mỹ. Tổng thống Joe Biden cũng thừa nhận rằng vẫn còn một chặng đường dài ở phía trước trong bối cảnh số ca mắc mới đang gia tăng do biến chủng Delta. Indonesia là quốc gia có số ca tử vong vì virus nhiều nhất thế giới trong 24 giờ qua.

Tại Hàn Quốc, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (KDCA) sáng 21/7 thông báo số ca mắc mới ở Hàn Quốc là 1.784 ca, mức tăng theo ngày cao nhất từ trước tới nay, do các vụ lây nhiễm tập thể tiếp tục lan rộng trên toàn quốc với sự xuất hiện của biến thể Delta rất dễ lây lan.

Theo KDCA, trong số ca mắc mới, có tới 1.726 ca lây nhiễm trong nước và số ca bệnh mới đã liên tục ở mức trên 1.000 ca trong 2 tuần qua. Cũng theo KCDA, đã có thêm một ca tử vong ở Hàn Quốc, nâng số người tử vong bởi đại dịch lên 2.060 người. Để đối phó với sự gia tăng các ca bệnh và tử vong mới, Hàn Quốc đã thắt chặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Tại Nhật Bản, thủ đô Tokyo ngày 21/7 thông báo ghi nhận thêm 1.832 ca mắc mới, mức cao nhất kể từ ngày 16/1 vừa qua. Giới chuyên gia cảnh báo Nhật Bản có thể sẽ hứng chịu làn sóng lây nhiễm thứ 5, với số ca nhiễm mới tăng mạnh trước thềm lễ khai mạc Olympic Tokyo, dự kiến vào ngày 23/7 tới. Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo tình huống nghiêm trọng ở Tokyo, khi số ca nhiễm mới có thể tăng cao hơn vào đầu tháng 8 tới.

Tại Anh, nước này ghi nhận 44.104 ca nhiễm mới, giảm từ mức 46.558 ca thông báo một ngày trước đó, trong khi có 73 ca tử vong, cũng giảm so với mức 96 ca của 1 ngày trước đó. Đến nay, 46,4 triệu người dân nước này đã được tiêm chủng ít nhất 1 liều vắc-xin, trong đó 36,4 triệu người đã được tiêm đủ liều 2 liều.

Tại Nga, Phó Thủ tướng Nga Tatiana Golikova cùng ngày cho biết 80% dân số nước này có thể có miễn dịch vào tháng 11 tới. Theo bà, 33,6 triệu người dân nước này đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin, trong đó 22,6 triệu ca đã được tiêm đủ 2 liều.

Tại Pháp, các rạp chiếu phim, bảo tàng và các địa điểm thể thao tại Pháp từ ngày 21/7 sẽ yêu cầu người đến trình chứng nhận tiêm phòng hoặc kết quả xét nghiệm âm tính mới được phép vào trong bối cảnh quốc gia này đang chứng kiến làn sóng dịch bệnh thứ 4 với số ca mắc mới COVID-19 tăng cao.

Theo đó, những loại giấy “thông hành y tế” kể trên là bắt buộc tại mọi sự kiện hoặc địa điểm có từ 50 người trở lên tham gia. Biện pháp này cũng sẽ được mở rộng áp dụng với các nhà hàng, quán cafe và trung tâm thương mại tại Pháp từ tháng 8 tới. Bảo tàng Louvre nằm trong số những địa điểm bắt đầu áp dụng quy định này từ ngày 21/7.

Một số quan chức của bảo tàng cho biết các du khách nước ngoài cũng không bất ngờ khi được yêu cầu xuất trình giấy chứng nhận tiêm phòng hoặc giấy xét nghiệm âm tính vì đây đều là những giấy tờ họ phải mang theo khi nhập cảnh Pháp.

Những du khách đến tháp Eiffel không có chứng nhận tiêm phòng sẽ được đề nghị làm xét nghiệm. Với chứng nhận tiêm phòng, người dân và du khách được yêu cầu phải tiêm đầy đủ 2 liều trước đó ít nhất 1 tuần mới được chấp nhận vào các địa điểm kể trên.

Tại Indonesia, giới chức y tế nước này thông báo đã ghi nhận 1.383 ca tử vong do mắc COVID-19, mức trong ngày cao nhất từ trước đến nay. Cũng trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 33.772 ca nhiễm mới. Tính đến nay, Indonesia ghi nhận tổng cộng gần 3 triệu ca nhiễm, trong đó có 77.000 người thiệt mạng.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: