Bên lề Thượng đỉnh ASEAN tại Viêng Chăn, tổng thống Mỹ nói rằng ông nóng lòng tiếp ngoại trưởng Myanmar Aung San Suu Kyi tại thủ đô Washington vào tuần tới.

Ông Obama gặp bà Suu Kyi vào năm 2012 sau khi bà được phóng thích
Ông Obama gặp bà Suu Kyi vào năm 2012 sau khi bà được phóng thích

Bản tin AFP hôm 7/9 cho biết tổng thống Barack aObama và lãnh đạo thực quyền của Myanmar đã có cuộc gặp nhau bên lề Thượng đỉnh ASEAN vại Viêng Chăn, lần đầu tiên từ khi Liên minh Quốc gia vì Dân chủ chiến thắng cuộc bầu cử quốc hội tháng 11 năm ngoái.

Tôi mong chờ được chào đón Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi tới Nhà Trắng vào tuần tới trong khi chúng tôi đứng cùng nhân dân Miến Điện trong hành trình của họ tới chủ nghĩa đa nguyên và hòa bình”, ông Obama nói tại Viêng Chăn.

Lời mời này tiếp tục củng cố thêm vị thế của bà Suu Kyi là một lãnh đạo thực sự của Myanmar, bất chấp việc bà không phải là tổng thống do ngăn trở từ Hiến Pháp.

Nhà Trắng loan báo chuyến thăm Washington của bà Suu Kyi sẽ diễn ra từ ngày 14 đến 15 tháng 9, trong thời gian đó, chính phủ Hoa Kỳ sẽ xem xét tiếp tục bỏ cấm vận đất nước một thời đặt dưới chế độ chuyên chế quân sự.

Phó Cố vấn An ninh Quốc gia của Tòa Bạch Ốc Ben Rhodes cho biết việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đã bắt đầu, và Hoa Kỳ muốn chắc chắn rằng việc này có lợi ích cho nền dân chủ và sự phát triển nhân quyền ở Miến Điện.

Chính bà Suu Kyi là người đã thuyết phục Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt lên chính quyền độc tài trong những năm dài bị giam lỏng. Và bây giờ bà lại là người gánh trách nhiệm giúp cởi bỏ chế tài hạn chế kinh tế khi đất nước trong tiến trình chuyển đổi dân chủ.

Sau chiến thắng của bà Aung San Suu Kyi, chính phủ Mỹ đã tái lập quan hệ với Myanmar. Bản thân ông Obama đã hai lần đến thủ đô của nước này vào các năm 2012 và 2014. Các ngoại trưởng của ông cũng đến quốc gia Đông Nam Á này để thúc đẩy những thay đổi và cải cách dân chủ, mà thực ra đều do giới tướng lĩnh Miến Điện quyết định.

Trong thực tế, Mỹ đã hỗ trợ quá trình chuyển đổi dân chủ ở Miến Điện. Washington đã chi ra nửa tỷ đô la viện trợ phát triển cho nước này kể từ năm 2012. Miến Điện đã trở thành quốc gia đứng hàng thứ ba trong số các nước Đông Nam Á nhận viện trợ Mỹ, sau Philippines và Indonesia.

Đức Trí