Hôm 6/8, chính quyền Nhật Bản lên tiếng phản đối việc Trung Quốc đã đưa đội tàu gồm hơn 230 chiếc, hầu hết là tàu đánh cá, vào sát vùng nước do Nhật kiểm soát ở Biển Hoa Đông.

Bộ Ngoại giao Nhật nói trong đội tàu có 6 chiếc tàu tuần duyên, trong đó có vẻ như 3 chiếc có vũ trang, có lẽ ra khởi để bảo vệ các tàu cá.

Nhật Bản đã triệu các quan chức ngoại giao Trung Quốc tới để phản đối.

Diễn biến trên xảy ra chỉ một ngày sau khi tổng cộng 8 tàu cá và tàu tuần duyên Trung Quốc chớp nhoáng tiến vào vùng lãnh hải quanh quần đảo Senkaku hôm 5/8, buộc Tokyo phải triệu tập đại sứ Trung Quốc để phản đối.

Trong những năm gần đây, Bắc Kinh ngày càng gia tăng đòi hỏi chủ quyền đối với các vùng biển mà nước này cho là thuộc về Trung Quốc.

Trong vụ việc mới nhất này, các tàu Trung Quốc cũng áp sát khu vực quần đảo Senkaku, mà phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Đây là nơi Nhật hiện đang kiểm soát, nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật Bản nói rằng việc gửi đội tàu tới nơi là hành vi đơn phương gây leo thang căng thẳng trong khu vực.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản ứng lại bằng cách nhấn mạnh quan điểm của nước này về quần đảo mà họ gọi là Điếu Ngư rằng “đó là lãnh thổ không thể tranh cãi” của mình.

Phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh kêu gọi Nhật Bản tránh “bất kỳ hành động nào có thể khiến tình hình trở nên căng thẳng và phức tạp hơn nữa”. Bắc Kinh cũng ngày càng gia tăng các hành vi nhằm khẳng định chủ quyền đối với vùng biển Đông.

Hồi tháng trước, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague đã ra phán quyết nói hầu hết các đòi hỏi của Bắc Kinh tại Biển Đông là không có cơ sở pháp lý, tuy nhiên Bắc Kinh phớt lờ phán quyết này.

Trọng Đức