Trong bối cảnh chính phủ mới của Úc tìm cách cải thiện quan hệ với Bắc Kinh, Thủ tướng Úc Anthony Albanese cho biết hôm thứ Hai (11/7) rằng ông sẽ không đáp lại 4 yêu cầu cho cái gọi là sửa chữa mối quan hệ mà phía Trung Quốc đưa ra cho Úc sau cuộc gặp gần đây giữa Ngoại trưởng hai bên. Ông Albanese nhấn mạnh chỉ đáp ứng các lợi ích quốc gia của Úc.

7139459247 4a8be6317e b
Thủ tướng Úc Anthony Albanese. (Nguồn: International Transport Forum/Flickr)

Theo truyền thông Úc, Thủ tướng Úc Albanese cũng nói rằng Úc sẽ hợp tác với Trung Quốc nếu có thể, Úc hy vọng thiết lập quan hệ tốt với tất cả các nước, nhưng “chúng tôi sẽ bảo vệ lợi ích của Úc khi cần thiết”.

Trước khi ông Albanese nói về 4 yêu cầu của Trung Quốc, Ngoại trưởng Úc Penny Wong và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sau gần 3 năm đã có cuộc gặp đầu tiên diễn ra bên lề Hội nghị Ngoại trưởng G20 tại Bali – Indonesia vào ngày 8/7.

Ông Albanese gọi cuộc họp Ngoại trưởng Úc -Trung Quốc là một bước tiến mang tính xây dựng. Ông cho biết Úc đã không thay đổi quan điểm của mình về bất kỳ vấn đề nào và sẽ vẫn luôn nhất quán lập trường mang tính xây dựng.

Trước đó Ngoại trưởng Úc Penny Wong mô tả cuộc gặp là “bước đầu tiên quan trọng” trong việc ổn định quan hệ. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị yêu cầu Chính phủ Albanese phải định hình lại “hiểu biết đúng đắn” về Trung Quốc để coi Trung Quốc là đối tác hơn là đối thủ, để nắm bắt cơ hội nhằm “giảm tiêu cực và tích lũy năng lượng tích cực”.

Ông Vương Nghị cũng cáo buộc Chính phủ Morrison khóa trước của Úc là thủ phạm chính làm xấu đi quan hệ ngoại giao Úc-Trung Quốc trong những năm gần đây, “ngoan cố coi Trung Quốc là kẻ thù hoặc thậm chí là mối đe dọa”.

Sau cuộc họp Ngoại trưởng Úc-Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc không ngay lập tức đưa ra thông báo mà sau đó 24 giờ mới đưa ra tuyên bố của Trung Quốc về cuộc gặp.

Thông báo từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, ông Vương Nghị đã đổ lỗi cho Chính phủ Úc tiền nhiệm làm xấu đi bất thường trong quan hệ ngoại giao hai bên những năm gần đây. Ông Vương Nghị cũng đưa ra 4 yêu cầu cơ bản đối với Chính phủ mới của Úc: Phải coi Trung Quốc là đối tác chứ không phải đối thủ, phải tìm kiếm điểm chung trong khi bảo lưu sự khác biệt, phải không nhắm mục tiêu hoặc không bị kiểm soát bởi một bên thứ ba, và phải tuân thủ xây dựng nền tảng dư luận xã hội tích cực và thiết thực.

Có phân tích cho rằng yêu cầu thứ 4 có thể là muốn các nhà lãnh đạo Úc thận trọng hơn trong các bài phát biểu trước công chúng. Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy quan điểm của người dân Úc đối với Chính phủ Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình đã lao dốc không phanh.

Hãng truyền thông Úc ABC gần đây đưa tin, Viện trưởng Rory Medcalf của Học viện An ninh Quốc gia thuộc Đại học Quốc gia Úc cho biết: “Nếu ông Vương Nghị đặt ra 4 điều kiện để có thể tiếp tục tăng cường tiếp xúc, vậy thì ông ấy có thể thất vọng, trừ khi Trung Quốc tự biết sửa đổi”.

Giáo sư Medcalf nói thêm, “Xưa nay Trung Quốc không là đối thủ cạnh tranh của chúng tôi – từ góc độ quyền lực hầu như không phải là quan hệ ngang hàng – nhưng đó là một nguồn rủi ro lớn và nhận thức của chính phủ chúng tôi về điều này hầu như không thay đổi, cho dù có thể hiện khôn ngoan và thận trọng hơn trong cách diễn đạt”.

Sau cuộc gặp với ông Vương Nghị, Ngoại trưởng Úc Penny Wong cho biết rằng Úc sẽ không nhượng bộ trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia của mình, nhưng bà nói rằng việc ổn định quan hệ với Trung Quốc là “vì lợi ích của cả hai nước chúng ta”.

Bà Penny Wong cho biết, trong cuộc gặp bà đã nói về hai người Úc bị giam giữ ở Trung Quốc, bao gồm nhà văn kiêm doanh nhân Yang Hengjun và nhà báo Cheng Lei, đồng thời yêu cầu Trung Quốc dỡ bỏ các mức thuế bổ sung áp lên Úc.

Hội đàm lần trước đó giữa Ngoại trưởng Úc và Trung Quốc là vào tháng 9/2019.

Trong vài năm qua, quan hệ giữa Úc và Trung Quốc đã rơi xuống vực, hai nước đã đáp trả nhau mạnh mẽ về các vấn đề công nghệ, thương mại và quân sự. Xu hướng phân tích cho rằng các cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng hai nước khó có thể giải quyết được những mâu thuẫn thực chất giữa Úc và Trung Quốc.

Kể từ khi Chính phủ Công đảng Úc nắm quyền vào tháng Năm thì Úc và Trung Quốc đã dần mở các kênh liên lạc cấp cao. Trong Đối thoại Shangri-La ở Singapore vào tháng Sáu, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles đã hội đàm với Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phụng Hòa.

Sau khi Công đảng Úc thắng cử, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã gửi điện mừng tới ông Albanese, ca ngợi “Công đảng Úc trong những năm 1970 đã lựa chọn đúng đắn để thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc”, cho rằng sự phát triển ổn định của quan hệ Úc-Trung Quốc “phù hợp với lợi ích cơ bản của nhân dân hai nước”.

Tuyên bố đó cho thấy thái độ gay gắt trong vài năm qua của giới chức Trung Quốc đối với Úc được thay đổi. Sau khi Thủ tướng Úc thời Scott Morrison kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc của COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) khiến giới chức Trung Quốc tức giận và đã áp mức thuế khổng lồ hoặc lệnh cấm thương mại đối với các sản phẩm chủ chốt của Úc như rượu vang, lúa mạch, than đá, thịt bò, gỗ, đường, bông và hải sản… có tổng giá trị hàng chục tỷ USD, đồng thời đóng băng các cuộc đàm phán song phương, cảnh báo về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc đối với Úc cả trong nước úc và trên trường quốc tế.

Mộc Vệ (theo VOA)