Có không ít đồn đoán trên mạng xã hội cho rằng lý do Tucker Carlson bị hãng truyền hình Fox News đuổi việc là vì anh phát ngôn những điều nhạy cảm, thậm chí có những bình luận làm mất lòng cả lưỡng đảng Dân chủ và Cộng hòa, trong khi những lý do khác chỉ là thứ yếu. Dù đúng là vậy hay không, hãy thử xem một số quan điểm, tạm gọi là theo góc nhìn độc đáo, của anh Carlson. Carlson từng có giải thích rằng chính vì muốn nói lên sự thật đúng theo lương tâm nghề nghiệp, cho nên anh đã trở thành người hay có những phát ngôn như vậy.

52586280951 9177e8c82c b
Anh Tucker Carlson. (Nguồn: Gage Skidmore/ Flickr)

Anh Carlson cho rằng ông Zelensky là tà ác, là kẻ hủy diệt

“Các nhà lãnh đạo [Hoa Kỳ] chúng ta biết rằng việc họ thúc đẩy dẫn đến chiến tranh toàn diện với ông Putin (điều mà không cần thiết phải làm) có thể dẫn đến hủy hoại của phương Tây. Họ biết điều đó, nhưng họ cứ làm,” anh Carslon nói cuối tháng 2/2023, khi phân tích rằng cách làm của chính quyền Biden không hay bằng cách làm của Cựu Tổng thống Donald Trump.

“Trong phỏng vấn với một tờ báo của Đức hôm nay, Tổng thống Ukraine Zelensky thản nhiên nói ý rằng ồ thì toàn thế giới sẽ nhanh chóng chìm trong lửa [chiến tranh],” anh Carlson nói và trích dẫn lời của ông Zelensky khi bình luận về việc Trung Quốc và Nga bắt thay nhau, ““Nếu Trung Quốc đứng về phía Nga thì sẽ có một Đại Thế chiến mới!””

“Đại Thế chiến sao? Khi Trung Quốc đứng về phía Nga sao? Ai có thể nói điều đó một cách thản nhiên như vậy? Như chúng ta vừa nói đó, Trung Quốc đã bắt tay với Nga. Đây là điều đã xảy ra. Đây không phải phỏng đoán, mà là thực tiễn [khách quan].”

“Và kết quả của thực tiễn đó, theo như chính Zelensky nói, hàng trăm triệu người sẽ chết, và cái đó không là gì cả [theo Zelensky] miễn là chúng ta có thể lấy lại Crimea.”

“Đó là lối tư duy rất đen tối, bản thân Zelensky là lực lượng hắc ám.”

“Điều ấy rất rõ ràng, nếu các bạn nhìn kỹ ông ta. Đó là điều không thể nhầm được, ai có thể không nhìn ra điều đó chứ.”

“[Zelenksy] là kẻ hủy diệt (destroyer)!”

Lưu ý rằng chỉ 2 tháng trước đó, tháng 12/2022, khi ông Zelensky có bài phát biểu tại Quốc hội Hoa Kỳ, thì hầu hết tất cả nghị sỹ của cả lưỡng đảng đều đứng lên tỏ ý hoan nghênh. Cùng tháng đó, Time đã bình chọn ông Zelensky làm người của năm 2022 (person of the year) kèm theo tường thuật về chặng đường của ông từ một diễn viên hài ít người biết đến trở thành một nhân vật được truyền thông phương Tây rầm rộ suốt cả năm miêu tả như một anh hùng như thế nào.

Anh Carlson có lời nói tốt cho ông Putin

Trong chương trình 22/2/2022, chỉ vẻn vẹn 3 ngày trước chiến tranh Ukraine bùng phát, anh Carlson đã nói thế này, điều mà người Mỹ nhìn nhận là những lời bênh vực cho Tổng thống Nga Vladimir Putin, “Có lẽ các bạn hãy tự hỏi thế này đi, vì vấn đề [người Mỹ ghét Putin] đã trở nên ngày càng nghiêm trọng rồi.”

“Tất cả chuyện này là sao? Tại sao tôi [người Mỹ] lại ghét ông Putin nhiều đến vậy? Ông Putin từng gọi tôi là phân biệt chủng tộc chăng? Ông ấy dọa đuổi việc tôi vì tôi bất đồng quan điểm với ổng chăng? Có phải ông ấy ăn thịt chó?”

Và anh tiếp tục, “đó là những câu hỏi công bằng đó. Và câu trả lời cho tất cả các câu hỏi đó là “Không”. Vladimir Putin không hề làm những điều đó.”

Còn sau khi chiến tranh nổ ra, thì hôm 7/3/2022, Carlson nói, “Người Nga không muốn tên lửa của Mỹ áp sát biên giới họ. Họ không muốn chính quyền thù địch làm hàng xóm của  họ.”

Rồi tới hôm 3/10/2022, anh Carlson lại có phát ngôn dường như thông cảm chính quyền Putin, và không thân thiện với chính quyền Biden, “Tư tưởng trao đổi trong chính quyền Biden là không muốn đàm phán hòa bình ở Ukraine. Họ muốn thế từ lâu rồi. Điều đó rất rõ ràng.”

Tập hợp những phát ngôn kiểu như vậy có thể dễ tìm thấy trong một video của CNN, hãng tin rất ít thiện cảm anh Carlson, và cũng là hãng tin năm đó thường xuyên tuyên truyền vụ “thông đồng Nga” để đả kích Cựu Tổng thống Donald Trump.

230426 carlson 01
Theo CNN, anh Carlson xuất hiện nhiều trong truyền thông Nga. (Ảnh cắt từ video)

CNN cho rằng chính vì những phát ngôn như vậy, cho nên anh Carlson khá nổi trong giới truyền thông Nga, thậm chí, theo CNN, truyền thông Nga đã gửi lời mời anh Carlson làm việc cho họ, sau khi anh bị Fox News cho nghỉ việc.

Có lẽ không có nhiều người dẫn chương trình của Hoa Kỳ mà có những lời nói tốt cho Tổng thống Nga Putin, mà anh Carlson là một trong thiểu số đó.

Anh Carlson có quyền được nói phóng đại hay không?

Có lẽ một trong những lý do anh Carlson bị coi là người nói mạnh miệng là vì vai trò làm bình luận viên hài, cho nên, khi trích lời của anh ra khỏi ngữ cảnh sẽ tạo ra cảm nhận sự cường điệu trong ngôn từ.

Trong một vụ, theo Business Insider báo cáo, Carlson đã bị Karen McDougal kiện vì tội “phỉ báng” do tháng 12/2018 anh nói rằng người mẫu tạp chí Playboy này đã “tiếp cận Donald Trump, và đe dọa sẽ hủy hoại sự nghiệp và làm bẽ mặt gia đình ông nếu ông không đưa tiền”, và anh miêu tả đó là “một vụ tống tiền kinh điển”.

Nhưng tòa đã chấp nhận lời bào chữa rằng khán giả chương trình truyền hình của anh sẽ không hiểu sai lời anh nói, và họ hiểu được đó “chỉ đơn giản là ‘ngôn ngữ nôm na, có tính tượng trưng hoặc cường điệu’ và không dẫn đến phỉ báng như cáo buộc.”

Thực tế có không ít những nhà bình luận chính trị sử dụng phong cách hài, ví như anh Chris Chappell của chương trình Trung Quốc không kiểm duyệt, và quả thực khán giả của các chương trình này chấp nhận lối nói hài hước và đôi khi cường điệu của người dẫn chương trình và coi đó là một nét văn hóa.

Anh Carlson nói những điều mẫn cảm là vì lương tâm nghề nghiệp phải không?

Trong đoạn video này (phút 3:37), Carlson tâm sự, “tôi dành cả cuộc đời cho ngành media (làm thông tin)… một sự khải ngộ đã thay đổi cuộc đời tôi.”

“Đó là giới truyền thông (media) kỳ thực là một phần trong bộ máy…”

Anh nói với một người trẻ hơn mình và cũng làm cùng nghề trong cuộc phỏng vấn, “Nếu như bạn là tôi, một người cả đời ở thế giới [truyền thông] này, và nhìn chung quanh, thì bạn sẽ ngạc nhiên: Oh, wow! Đó không phải là họ đang là một phần của vấn đề, mà là cả tôi cũng đang dành phần lớn cuộc đời mình để trở thành một phần của vấn đề đó.”

Carlson nhắc tới hồi anh còn trẻ khi mới vào nghề, anh đã “bảo vệ [chiến tranh] Iraq.”

Và điều đó khiến anh sau này cảm thấy xấu hổ (ashame), “Tôi có hàng triệu hối hận. [Lúc đó] tôi đã không thận trọng hơn… lẽ ra tôi phải lắng nghe điều họ nói.”

Rồi anh biểu đạt thế này, “khi ai đó ra một tuyên bố, thì chỉ có một câu hỏi mà rất quan trọng ngay từ đầu, đó là lời tuyên bố đó có đúng hay không.”

Anh miêu tả việc làm theo các tin của các hãng tin lớn thế này. “Một thời quá lâu tôi tham gia một ‘văn hóa’ mà trong đó, tôi nhìn những người nào đứng ngoài làn đường được vạch sẵn là những kẻ khùng, là những kẻ theo thuyết âm mưu.”

“[Sau này] tôi thật sự hối hận, tôi thấy rất xấu hổ vì đã làm như vậy. Có lẽ một phần vì tôi trưởng thành hơn…”

“Có lẽ bạn thấy rõ những điều này, vì bạn đã 28 tuổi rồi. Nhưng mà [bấy giờ] tôi không nhìn ra, tôi nhìn ra gì cả, hoàn toàn không. [Sau này] tôi cảm thấy quá xấu hổ.”

Khi được hỏi rằng có phải giới truyền thông cố tình làm vậy không, anh Carlson khẳng định, “Đúng. Mục đích duy nhất của họ không phải là đưa tin cho bạn. Thật sự đó.”

“Thậm chí với cả những tin tức rất lớn mà có ý nghĩa —như kinh tế, chiến tranh, COVID— những điều thật sự có ý nghĩa như thế và có ảnh hưởng đến bạn.”

“Không! Việc của họ không phải là đưa tin cho bạn.”

“Họ đang làm việc cho một nhóm thiểu số, những người thực sự đang vận hành xã hội này.”

“[Truyền thông] chỉ là những “người hầu” của họ, những “chiến binh yêu nước” của họ.”

Carlson chia sẻ với người đang phỏng vấn anh, cũng là một đồng nghiệp trong giới truyền thông, “[cho nên] chúng ta phải đối xử với họ bằng sự khinh rẻ lớn nhất (maximum contempt) vì họ xứng đáng như thế!”

Nhật Tân