Một số nhà hoạt động dân chủ trẻ ở Hồng Kông xuất thân từ phong trào Dù vàng vừa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hội đồng lập pháp (Legco) của thành phố này, BBC đưa tin.

Nathan Law (ở giữa) cùng Hoàng Chi Phong và các chiến hữu trong Demosisto mừng chiến thắng
Nathan Law (ở giữa) cùng Hoàng Chi Phong và các chiến hữu trong Demosisto mừng chiến thắng

Nổi bật trong số đó là La Quán Thông (Nathan Law), 23 tuổi, người từng là lãnh đạo phong trào “Dù vàng” chiếm trung tâm làm tê liệt Hồng Kông nhiều tuần liền trong năm 2014.

Khâu tổ chức chức bầu cử năm nay ở Hồng Kông diễn ra chậm hơn so với kế hoạch do số người đi bỏ phiếu cao kỷ lục, 58% tổng số cử tri đã xếp hàng đi bỏ phiếu. Chính Law cũng bày tỏ ngạc nhiên khi mình đắc cử trong khi một số cựu thành viên chủ chốt khác của Dù Vàng bị loại bỏ tư cách đại diện trước khi cuộc bầu cử bắt đầu.

Anh nói kết quả này thể hiện mong muốn thay đổi của người Hồng Kông.

Theo BBC, chính quyền Bắc Kinh chưa có phản ứng gì về kết quả bầu cử.

Law cùng với Hoàng Chi Phong là sáng lập viên của đảng Demosisto (Hương Cảng Chúng Chí – Ý chí của người Hồng Kông) mới thành lập vào ngày 10/4/2016, gần 2 năm  sau khi Dù Vàng được coi là thất bại. Demosisto vận động cho quyền tự quyết của Hồng Kông và Law đạt số phiếu bầu cao thứ hai trong phân khu bầu cử Đảo Hồng Kông phía nam thành phố này.

Ngoài ra, theo kết quả sơ bộ, 2 ứng viên từ đảng Youngspiration, một đảng vận động mạnh mẽ hơn cho quyền tự quyết của Hồng Kông, bắt nguồn từ Dù vàng cũng đắc cử.

“Dù vàng” là biểu tượng được lấy làm tên gọi thông thường cho phong trào biểu tình đòi quyền phổ thông đầu phiếu làm rung chuyển Hồng Kông hồi tháng 9/2014. Thành viên chủ chốt của phong trào này là hầu hết là những thanh niên trẻ.

Người dân muốn thay đổi, thay đổi tức là họ muốn những khuôn mặt mới… nhưng cái giá đánh đổi là phong trào ủng hộ dân chủ sẽ bị chia rẽ hơn”, ứng viên lâu năm Lee Cheuk-yan nói với Reuters.

Law cũng thừa nhận rằng các nhà lập pháp ủng hộ dân chủ cần phải “đoàn kết để chiến đấu chống Đảng Cộng sản Trung Quốc”.

Kết quả sơ bộ cho thấy những người ủng hộ dân chủ có lẽ đạt đủ 1/3 số ghế trong hội đồng mà họ cần để phủ quyết các quyết định pháp chế và chương trình ngân sách quan trọng.

LegCo sẽ có nhiều tiếng nói cấp tiên hơn, khi ít nhất 6 thành viên trẻ ủng hộ quyền tự quyết cho Hồng Kông đắc cử.

Tại sao phe thân Bắc Kinh lại chiếm đa số ghế trong Hội đồng Lập pháp?

Mặc dù đạt được một số thành quả, nhóm ủng hộ Bắc Kinh vẫn chiếm đa số trong hội đồng 70 ghế.

Theo hệ thống bầu cử của Hồng Kông, chỉ 35 ghế là được bầu trực tiếp từ các phân khu bầu cử do 3,8 triệu cử tri đăng ký đi bầu. 30 ghế còn lại được gọi là các ghế đặc biệt đại diện cho cộng đồng chức nghiệp nào đó mà chỉ những người thuộc cộng đồng này mới được bầu. Số cử tri thuộc loại này chỉ chiếm 6% dân số Hồng Kông, và phần lớn là thuộc phe thân Bắc Kinh.

5 ghế cuối cùng gọi là ghế siêu đại diện, dành cho 5 ứng viên được bầu trên toàn lãnh thổ đặc khu.

Bầu cử Hội đồng lập pháp không bầu ra Trưởng đặc khu hành chính – người đứng đầu chính phủ Hồng Kông. Tuy nhiên nhiều chuyên gia tin rằng kết quả của cuộc bầu cử này sẽ có tác động đến việc liệu Bắc Kinh có đồng ý cho Trưởng quan hiện tại là Lương Chấn Anh kéo dài quyền lực sang nhiệm kỳ thứ 2 hay không.

Theo báo Hong Kong Free Press, dù Bắc Kinh chưa có động thái gì về kết quả bầu cử ở Hồng Kông, nhưng truyền thông Đại Lục đã kiểm duyệt tin tức về cuộc bầu cử này.

Đức Trí