Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền hôm 28/10 vừa qua.

Hôm thứ Sáu, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc bầu lại 14 thành viên trong Hội đồng Nhân quyền. Kết quả đã gây bất ngờ khi với một số phiếu rất sít sao, cử tri hội đồng đã bác đơn của Nga muốn tiếp tục làm thành viên Hội đồng Nhân quyền thêm một nhiệm kỳ nữa. Đây được coi là cái giá Moscow phải trả cho việc can thiệp vào Syria, ảnh hưởng đến số phận hàng trăm ngàn thường dân bị kẹt trong chiến dịch bao vậy đông Aleppo.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận một cuộc gọi trong bữa tiệc tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York hôm 28/9/2015

Trong phiên bỏ phiếu, Nga, Croatia và Hungary tranh nhau hai ghế dành cho Đông Âu. Trên tổng số 193 phiếu thành viên LHQ, Nga chỉ được 112 phiếu trong lúc Croatia được 114 phiếu và Hungary 144.

Cách đây vài hôm, hàng chục tổ chức bảo vệ nhân quyền đã kêu gọi Đại Hội Đồng không bầu lại Nga cho một nhiệm kỳ thứ hai, tức là thêm 3 năm nữa, do việc Nga hậu thuẫn cho chế độ của tổng thống Bachar al-Assad tại Syria.

Dẫu sao đây cũng là một tín hiệu mạnh gởi đến điện Kremlin, cho dù Nga đã nhường chỗ cho Hungary, nơi Thủ tướng Viktor Orban cũng bị chỉ trích gắt gao vì chính sách đóng cửa đối với cuộc khủng hoảng người tị nạn.

Đó cũng là những nghịch lý của một định chế quốc tế như Liên Hiệp Quốc, cho mỗi thành viên một tiếng nói, mặc dù hàng năm các tổ chức bảo vệ nhân quyền đều lên tiếng tố cáo những vị phạm tệ hại nhất của một số quốc gia được bầu vào Hội Đồng Nhân Quyền.

Chẳng hạn hậu quả của việc chọn Trung Quốc, Ai Cập, hay Ả Rập Saudi vào Hội Đồng rất cụ thể: Các quốc gia này có thể dùng hết sức lực để ngăn chặn nghị quyết, phá hỏng nhiệm vụ các báo cáo viên đặc biệt, hay cấm lập các ủy ban điều tra độc lập về các hành vi vi phạm nhân quyền.

Đức Trí (T/H)