Hôm thứ Ba 7/2, Toà phúc thẩm khu vực số 9 tại thành phố San Francisco đã nghe tranh luận của hai phe về vụ kiện sắc lệnh di trú của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.

Ngày 27/01, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh tạm hoãn nhập cư từ 7 nước Hồi giáo. (Ảnh: chụp màn hình)
Ngày 27/01, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh tạm hoãn nhập cư từ 7 nước Hồi giáo. (Ảnh: chụp màn hình)

Ông Trump ký sắc lệnh này hôm 27/1, tạm thời ngừng nhận người tị nạn và người đến từ bảy quốc gia Trung Đông mà ông cho là có nguy cơ khủng bố không thẩm tra được. Những luật sư từ Bộ tư Pháp, đại diện cho chính quyền Trump yêu cầu thẩm phán toà phúc thẩm khôi phục sắc lệnh bởi vì Quốc hội đã trao cho Tổng thống quyền kiểm soát biên giới.

Sắc lệnh này bị một thẩm phán liên bang chặn vào tuần trước, sau khi hai bang của Mỹ là Minnesota và Washington đệ đơn kiện vi hiến.

Một luật sư đại diện cho bang Washington nói trước toà rằng việc ngừng sắc lệnh trên không gây nguy hại cho chính quyền Mỹ, nhưng thực hiện sắc lệnh này lại làm tổn hại công dân của bang.

Theo BBC, dù kết quả của Toà phúc thẩm Khu vực số 9 quyết định như thế nào thì vụ việc gần như chắc chắn sẽ bị bên thua kiện đẩy lên Toà án Tối cao.

Hôm 3/2, thẩm phán liên bang James Robart chặn sắc lệnh của ông Trump trên phạm vi toàn quốc, một quyết định mà tân Tổng thống gọi là lố bịch.

Sau đó chính quyền của ông Trump đệ đơn yêu cầu toà phúc thẩm khôi phục sắc lệnh trên, nhưng thất bại. Toà yêu cầu hai bên tranh biện, sắc lệnh vẫn bị tạm ngưng.

Đêm thứ Hai 6/2, một tài liệu dài 15 trang được Bộ Tư pháp công bố, lập luận rằng sắc lệnh hành pháp này là việc “thực hiện hợp pháp quyền lực Tổng thống” và không phải là một lệnh cấm người Hồi giáo như những người chỉ trích mô tả.

Trọng Đức

Xem thêm: