Hôm 23/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP. Những thành viên còn lại của Hiệp định này phản ứng như thế nào và tương lai của thoả thuận thương mại này đi về đâu khi không có Mỹ?

TPP được xem là một trong những thành tích quan trọng của chính quyền Barack Obama. Bắt đầu vào ngày 05/10/2015 tại Atlanta, Hoa Kỳ và 11 quốc gia đối tác chính thức hoàn tất đàm phán để thành lập một khu vực tự do mậu dịch lịch sử. Bốn tháng sau, vào tháng 2/2016 Mỹ, Canada, Chile, Mexico, Peru, Úc, New Zealand, Nhật Bản, Malaysia, Brunei, Singapore và Việt Nam chính thức ký vào một thoả thuận nhằm tạo ra “khu vực tự do mậu dịch lớn nhất thế giới và cũng là hiệp định thương mại của thế kỷ 21”.

Ngoài mục tiêu gỡ bỏ các hàng rào quan thuế, TPP còn hướng tới việc xóa rào cản phi thuế, đặt nền tảng cho một số các chuẩn mực kinh tế-như bảo vệ quyền tác giả, tiêu chuẩn về môi trường giữa các bên liên quan. Một tham vọng mà ông Obama gửi gắm vào TPP là làm đối trọng với ảnh hưởng lớn mạnh về kinh tế của Trung Quốc trong khu vực.

TPP nối các quốc gia xuyên Thái Bình Dương, trong đó có Mỹ, Nhật, chiếm  40 % kinh tế toàn cầu.

Để chính thức có hiệu lực hiệp định phải được tất cả các thành viên chuẩn thuận. Tới nay Nhật Bản là quốc gia duy nhất đã hoàn thành tất cả mọi thủ tục, Việt Nam đã hoãn phê chuẩn hiệp định này. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe từng phát biểu TPP sẽ không còn ý nghĩa nếu không có Mỹ. Giờ đây, ông Trump đang thực hiện kế hoạch 100 ngày đầu tiên ngồi tại Nhà Trắng của mình, trong đó có việc rút khỏi TPP, một thoả thuận mà ông nói là thảm hoạ cho công ăn việc làm của người lao động Mỹ. Vậy tương lai của hiệp định này sẽ đi về đâu?

Về ngắn hạn, sẽ không có gì thay đổi sau khi Trump đặt bút ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi hiệp định này. Vì để có hiệu lực, quyết định của ông còn phải được Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua. Tuy nhiên có vẻ Quốc hội Mỹ cũng có cùng tiếng nói với Nhà Trắng trong quyết định này. Từ hồi còn tranh cử, cả những ứng viên Đảng Dân chủ cũng công khai phản đối TPP.

Nhưng khi Quốc Hội chuẩn thuận việc rút khỏi TPP, chính quyền Washington phải bắt đầu đàm phán với 11 đối tác còn lại về thủ tục ra đi.

Tổng thống Trump loan báo rằng ông có kế hoạch thay thế thỏa thuận đa phương TPP bằng một loạt các thỏa thuận thương mại song phương “công bằng hơn” cho người lao động và làm sống lại nền công nghiệp của Hoa Kỳ.

Mặt khác, TPP chưa đi vào hoạt động nên trong ngắn hạn, việc Mỹ rút khỏi hiệp định này chưa ảnh hưởng gì tới đời sống hàng ngày của người dân Hoa Kỳ hay với dân cư 11 đối tác còn lại trong vành cung châu Á Thái Bình Dương.

Trong dài hạn thì chủ trương bảo hộ kinh tế của ông Trump có thể khiến nhiều đối tác quan ngại về trật tự kinh tế mới và tương quan với Trung Quốc.

Một số thành viên không chấp nhận khai tử TPP dù không có Mỹ. Úc và New Zealand đề nghị mời Trung Quốc tham gia vào khu vực tự do mậu dịch này. Theo quy định, nếu được tối thiểu 6 thành viên TPP có trọng lượng kinh tế 85% cả khối thông qua trước tháng 2/2018 thì TPP sẽ có thể có hiệu lực.

Theo giới quan sát, thay đổi chính sách của Mỹ trên hồ sơ thương mại tạo điều kiện cho Trung Quốc đóng vai trò hàng đầu trong vùng châu Á Thái Bình Dương. Chuyên gia Edward Alden, thuộc cơ quan nghiên cứu về quan hệ quốc tế Mỹ Council on Foreign Relations được AFP trích dẫn cho rằng tiến trình thúc đẩy kinh tế toàn cầu được đặt dưới sự bảo trợ của Mỹ đã bị tổng thống Trump khai tử.

Giờ đây Washington chuyển hướng về các thỏa thuận song phương để dễ quản lý. Nhưng tác động của việc này rất khó nói. Nhiều chính trị gia trong hàng ngũ đảng Cộng Hòa và ngay cả một số cộng tác viên của tân chính quyền Mỹ cũng phải nhìn nhận: từ bỏ TPP, Mỹ đang đánh mất một phương tiện để làm đối trọng với Trung Quốc.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa, John McCain viết trong thông báo: “bỏ rơi Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương là tạo cơ hội cho Trung Quốc áp đặt luật chơi trên bàn cờ kinh tế, bất lợi cho nhân công Hoa Kỳ”.

Nhưng khác với Mỹ, 11 thành viên còn lại của TPP có thể an tâm về mức độ cam kết thực hiện các tiêu chuẩn về quyền sở hữu trí tuệ hay quy chuẩn môi trường của Trung Quốc hay không? Nhật Bản đã “đặt cược cả ván bài” nhằm lôi kéo Mỹ tham gia, họ có chấp nhận thay thế Mỹ bằng một nước mà chính Nhật cũng đang muốn đối trọng và có quá nhiều mâu thuẫn trên chính Thái Bình Dương không? Mặt khác, nếu Trung Quốc lọt vào khu vực hợp tác kinh tế chặt chẽ với hàng rào thuế quan gỡ bỏ, thì “công xưởng của thế giới” sẽ có thể đổ hàng hoá giá rẻ tràn ngập các nước thành viên khác. Trung Quốc cũng lại là “thiên đường hàng giả”, đặt sự sống còn của các ngành sản xuất tại các nước khác vào một dấu hỏi lớn. Khi mà lợi ích quốc gia bị tổn hại, các quy định không được tôn trọng, tương lai TPP có lẽ sẽ giống như WTO, “hữu danh vô thực”?

Trong khi đó, Tổng thống Trump đã từng nói rõ, ông không chống lại tự do thương mại, nhưng ông muốn các thoả thuận công bằng đối với nhân công Mỹ. Vì thế chỉ cần các nước đối tác thực hiện đủ trách nhiệm của mình trong những hiệp định đôi bên cùng có lợi, Tổng thống Mỹ sẽ sẵn sàng vươn tay hợp tác. Khi đó, “đối trọng với Trung Quốc” có thể xuất hiện ở một hình thức hoàn toàn khác.

Đức Trí (T/H)

Xem thêm: